Không chỉ ngày 20/11, mà 365 ngày trong năm, người thầy xứng đáng được tri ân và tôn vinh.
Các học sinh lớp 9A4 Trường THCS Mỹ Thọ (Cao Lãnh – Đồng Tháp) chụp ảnh cùng cô Ngọc Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp |
Con gái tôi đang học lớp 9. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lớp con chộn rộn tổ chức mừng ngày lễ sao cho trọn vẹn và ý nghĩa nhất, để gửi lời tri ân đến thầy cô giáo.
Tôi là thành viên trong ban đại diện cha mẹ của lớp. Tôi hỏi bé lớp trưởng cần chi bao nhiêu tiền, nhưng các con đã bàn nhau tự góp tiền để ngày lễ có ý nghĩa hơn.
Tôi tò mò cách bọn trẻ tự tổ chức ngày lễ mà không có sự can thiệp của cô chủ nhiệm, cũng không có sự góp ý của phụ huynh. Con gái bật mí, các con sẽ mua bánh để liên hoan tại lớp, mua hoa để tặng thầy cô. Mỗi bạn sẽ tự thiết kế một tấm thiệp, vẽ hoa lá, viết những suy nghĩ, mong ước và lời tri ân để gửi đến cô chủ nhiệm.
45 học sinh là 45 lời cầu chúc, cả những kỷ niệm, những mong ước gửi đến cô với những lời chân thành tự đáy lòng. Tôi tin thầy cô nào cũng sẽ cảm động với món quà bất ngờ của tụi nhỏ.
Con trẻ luôn rất nhạy cảm và công tâm, các con nhận ra ngay những người thầy tâm huyết, hết lòng với học trò và sẽ luôn đáp lại bằng tình cảm yêu mến chân thành.
Những giờ ra chơi hoặc cuối giờ, bọn trẻ vây lấy thầy hỏi bài vở, tâm sự, mách cô chuyện này chuyện kia. Có những chuyện các con không thể nói với ba mẹ, nhưng lại nói được với thầy. Người thầy có tâm sẽ luôn ở cạnh bọn trẻ khi chúng cần.
Hồi con gái tôi mới vào lớp 6 còn lạ trường, lạ bạn, lạ cô, lúc đó, con may mắn gặp cô giáo chủ nhiệm hiểu tâm lý tụi nhỏ. Cô đã từng bước giúp các con làm quen trường lớp, bạn bè, hòa nhập vào ngôi trường mới.
Bọn trẻ nhanh chóng thân thiết với cô, gọi cô là “má Thắm”. Tôi nghĩ các con rất tin tưởng và yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai. Mỗi ngày nghe con kể chuyện về cô, tôi thấy ấm lòng. Tôi tin cô sẽ luôn ở bên cạnh con khi con gặp biến cố nào đó.
Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, ba mẹ dạy dỗ đã mệt, vậy mà mỗi lớp có đến 45 học sinh, thì ai cũng sẽ biết thầy cô mệt đến gấp mấy lần. Hiểu như vậy để cảm thông, để thương nghề giáo nhọc nhằn, để bao dung khi có sự cố xảy ra ngoài ý muốn, bởi sự nghiệp làm thầy chưa bao giờ dễ dàng mà tuổi học trò thì luôn ẩm ương, khó bảo.
Cô bạn tôi là giáo viên, đã hơn 20 năm đứng lớp. Bạn nói, ở trường bạn không chỉ là người truyền kiến thức cho học trò, mà còn là người gỡ rối, tư vấn tâm lý những chuyện khó đỡ, dạy các em làm người, khơi gợi trong các em những mong ước, hoài bão… Bạn nói, làm thầy là phải luôn yêu thương, giữ sự công tâm, giữ cả sự nhẫn nại để uốn nắn những mầm non đứng thẳng. Để 5 hay 10 năm sau gặp lại học trò, người thầy không có điều gì hối tiếc.
Mấy hôm nay trên mạng xã hội lan truyền một clip nghịch ngợm của học sinh. Khi thầy (cô) bước vào lớp, học sinh đột ngột hỏi: “Thầy (cô) ơi, sao tới giờ mà thầy (cô) chưa bị bắt đi tù?”. Trước vẻ kinh ngạc của người thầy, bọn trẻ liền tiếp: “Vì đẹp trai (hoặc xinh đẹp) là một tội ác”.
Đoạn clip được thực hiện một cách ngẫu nhiên với một số giáo viên, thế nhưng không thầy cô nào nổi quạu. Và khi nghe học trò khen mình xinh đẹp, ai cũng cười ngặt nghẽo.
Tôi không khỏi tức cười với trò nghịch của bọn trẻ, nhưng điều đọng lại trong tôi là cách người thầy kiềm chế để không xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Những vất vả với nghề, những hy sinh lặng thầm của người thầy không thể kể hết bằng lời, bởi dạy một đứa trẻ nên người chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Và tôi nghĩ rằng, không chỉ ngày 20/11, mà 365 ngày trong năm, người thầy xứng đáng được tri ân và tôn vinh.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin tri ân những người thầy đáng kính, những người miệt mài đưa đò để khi sang sông, bọn trẻ sẽ khôn lớn, nên người.
Thùy Gương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-day-do-mot-dua-tre-chua-bao-gio-la-de-dang-a1478057.html” name=””]