Kem chống nắng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím (UV) nhưng có một số thành phần trong đó dễ gây dị ứng cho chị em.
Một số thành phần kem chống nắng có thể gây dị ứng da là Benzophenone, Cinnamate, Dibenzoylmethane. Chúng gây ảnh hưởng đến da và xảy ra các triệu chứng như đỏ da, ngứa và sưng tấy.
Một số người cũng dễ nhạy cảm với hương thơm và chất bảo quản mà các nhà sản xuất thường thêm vào kem chống nắng. Có 2 loại kem chống nắng chính: hóa học và vật lý. Kem chống nắng hóa học hấp thụ tia UV và ngăn tia UV tiếp cận với da, trong khi kem chống nắng vật lý chứa các khoáng chất, chẳng hạn như oxit kẽm và titan dioxide, phản xạ hoặc phân tán tia UV làm chệch hướng tia UV.
Có 3 loại viêm da tiếp xúc có thể ảnh hưởng đến người bị dị ứng với kem chống nắng
Viêm da tiếp xúc kích ứng: Loại này có nhiều khả năng xảy ra ở những người có làn da nhạy cảm hoặc bệnh chàm.
Viêm da tiếp xúc dị ứng: Loại này xảy ra khi một người bị dị ứng với một thành phần cụ thể trong kem chống nắng.
Viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng: Đây là một loại dị ứng có thể xảy ra khi kem chống nắng tiếp xúc với tia UV.
Đối với phản ứng dị ứng nhẹ với kem chống nắng, bạn có thể rửa sạch da bằng nước mát. Sau đó nên tránh ánh nắng mặt trời cho đến khi da lành hẳn. Khi da đang bị tổn thương, tốt nhất không nên trang điểm, việc rửa mặt và vệ sinh da cũng cần chú ý. Không dùng các sản phẩm có độ pH cao hay chứa chất tẩy rửa mạnh, nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh da.
Đối với dị ứng da từ trung bình đến nặng, hãy chườm lạnh để giảm đau, viêm, đồng thời giảm ngứa cũng như ngăn ngừa triệu chứng lan tỏa rộng. Bên cạnh đó việc vệ sinh da bằng nước mát cũng rất tốt cho làn da đang bị dị ứng. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm cho da để duy trì độ ẩm, cân bằng độ pH và phục hồi màng lipid trên da.
Da bị dị ứng kem chống nắng thường bị ngứa ngáy, khô ráp và đôi khi còn bong tróc. Để làm dịu da và dưỡng ẩm tốt hơn, chị em nên xịt khoáng khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày.
Ngoài ra, nếu bôi kem chống nắng bị ngứa, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhằm giảm thiểu tình trạng mẩn đỏ trở nên nghiêm trọng hơn. Thời gian để da phục hồi hoàn toàn sau khi bôi kem chống nắng bị ngứa hoặc kích ứng da có thể mất đến vài ngày, tùy thuộc vào mức độ dị ứng của mỗi người.
Các trường hợp dị ứng kem chống nắng lặp đi lặp lại hoặc nghiêm trọng thì bạn nên đến bác sĩ da liễu giúp chẩn đoán tình trạng da và điều trị. Họ cũng có thể đưa ra các gợi ý về việc sử dụng kem chống nắng và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thu Vân(theo Etimes)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lam-gi-khi-da-bi-di-ung-kem-chong-nang-a1479182.html” name=””]