Trong thâm tâm, tôi thầm mong ông ngoại hay “quậy” chút cho vui. Như vậy chứng tỏ ông còn khỏe.
Ba vợ tôi năm nay 87 tuổi nhưng vẫn ham trồng cây, cắt cỏ cho bò. Những lúc rảnh rỗi, ông chăm chú coi đá bóng trên ti vi. Khi quá vui, ông mang đàn ra, bảo tôi: “Ba con cùng hòa tấu”. Thế là tôi chơi măng đô lin, ba tôi đệm ghi ta.
2 bữa nay thấy ông bỏ ăn sáng, kêu “nhạt mồm nhạt miệng”, tôi muốn rót mời “nhạc phụ đại nhân” 1 ly rượu thuốc mà sợ bà xã biết, cằn nhằn. Tôi biết lúc đó ông ngoại thèm 1 ly rượu hoặc điếu thuốc lá, nhưng bà ngoại (tức là vợ ông) và vợ tôi cấm tuyệt đối, vì ông có tiền sử bệnh cao huyết áp.
1 buổi trưa, ông ngoại bỏ mặc bầy bò, thay đồ sạch sẽ, đội mũ bê rê rồi gọi bà ngoại: “Đưa tôi tiền đi hớt tóc!”.
Bà đưa 50.000 đồng, ông không chịu: “Tiền lương hưu của tôi mấy triệu, sao đưa có bi nhiêu?”. Ông đòi 200.000 đồng, khi về còn mua quà bánh ghé thăm mấy ông bạn già.
Ba vợ tác giả rất thích công việc chăm sóc trâu bò |
Vợ ông, vợ tôi đều không cho ông đi một mình, nên ông không ra cổng, mà lội băng đồng ra đường lớn. Khi bà ngoại biết thì ông đã đi xa rồi. Tôi chạy xe máy đi tìm, thấy ông đang tấp tểnh đi bộ theo con đường thôn. Tôi ngồi chờ ông hớt tóc, rồi chở ông ghé thăm nhà chú Ba Hùng, ghé tai nói nhỏ bảo chú đừng mời ba tôi uống rượu. Sau đó chở ông ngoại tới thăm nhà ông Sáu bị bệnh, hỏi han một hồi rồi, ông ngoại biếu ông Sáu 100.000 đồng. Làm xong mọi việc cần làm, ông ngoại hỉ hả lên xe về nhà.
Sau những giờ lao động, ông ngoại rất muốn trò chuyện, tâm sự với ai đó, nhưng bà ngoại thì bận bịu đủ việc. Buổi sáng, ông thường ghé nhà tôi, uống ly trà Bắc, nói chuyện bóng đá, bàn luận chuyện thế giới. Thường bà ngoại hay đi theo, bắt ông về “cho rể nó làm việc”, dù tôi đang rảnh.
Ông ngoại hay lẻn ra ngoài, đi chơi nhà hàng xóm. Mỗi lần đi như vậy, ông thường được mời điếu thuốc, ly rượu. Vì vậy, cái cổng nhà luôn khóa chặt, bà ngoại giữ chìa khóa, ông khó mà thoát. Người phụ nữ của ông thực hiện chế độ quản lý nghiêm ngặt, không cho ông đi đâu. 1 người già, suốt ngày, suốt tháng cứ quanh quẩn với bò nghé trong vườn và chiếc ti vi, sao chịu nổi.
Tôi đem điều đó nói với bà ngoại và vợ, nhưng cả hai sợ ông tiếp xúc với người ngoài, sẽ nghiện rượu và thuốc lá. Những lúc thấy ông im lặng, khó chịu hoặc kiếm chuyện với bà ngoại, tôi biết ông đang bức xúc, nên thường ngồi trà nước, chuyện trò, hoặc chở ông đi thăm thú vài người bà con thân thích. Được xả bớt “xì trét”, ông lại vui vẻ ăn uống, lao động.
Những lúc ông sắp “quậy” bà ngoại, tôi lại chở ông đi chơi |
Thực ra, chăm sóc người già khó mà không khó. Quan trọng là phải hiểu và biết lắng nghe. Bà ngoại và con gái ông cứ quan niệm người già thì hay nói năng lẩm cẩm, chuyện nọ xọ chuyện kia.
Tôi khác, tôi thường chịu ngồi nghe ông già nói. Hay bàn luận về những vấn đề ông quan tâm. Hoặc biết ông thích ăn các loại mắm, dưa chua, rau sống nên tôi không ép ông ăn thịt gà, thịt vịt. Có lần, tôi đi ra miền Bắc, nghe ba vợ than thèm ăn món ốc vặn, tôi đã mua 1kg, kỳ công đóng gói, mang lên máy bay đem vào cho ông, ông mừng như bắt được vàng.
Bây giờ, lúc nào cảm thấy ông ngoại sắp “quậy”, là tôi tìm cách hóa giải ngay. Đơn giản là xăn tay áo lên phụ ông kéo cỏ về chuồng cho bò, pha bình trà đậm ngồi hồi tưởng lại những kỷ niệm hồi ông tập kết ra Bắc. Trong thâm tâm, tôi thầm mong ông ngoại hay “quậy” chút cho vui. Như vậy chứng tỏ ông còn khỏe.
Phương Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ong-ngoai-con-quay-la-con-mung-a1480385.html” name=””]