Trời còn đẫm sương, những chuyến tàu cập bến mang hải sản tươi ngon vào bờ để bán cho kịp trong phiên chợ sớm…
Chình xào xả ớt |
Thỉnh thoảng trong những mẻ lưới có dính một vài con chình biển. Loại cá “kén” người ăn này nhất định phải qua đôi tay khéo léo của người biết cách chế biến, mới có thể tạo thành món ăn ngon. Dù là ăn với cơm trắng hay chấm với bánh mì nóng, đều hợp.
Chình biển có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: um, nướng, nấu chua, nấu cháo… Nhưng cả nhà tôi thích được ba nấu cho ăn món cà ri chình và chình xào sả ớt. Độ béo và thơm của món ăn chẳng thua kém gì so với nhà hàng cao cấp.
Nhìn sơ qua dễ thấy, chình sông hay chình biển đều trông giống như con lươn đồng, nhưng chình biển có kích thước to hơn và nhiều xương dăm. Loại xương này khá nhỏ, nhưng bén. Nếu không loại bỏ kỹ hết xương dăm, người ăn dễ hóc xương hoặc bị đâm vào miệng. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều người không cho trẻ nhỏ ăn loại cá này.
Để có món ăn ngon, chình biển vừa mua về phải làm kỹ và sạch. Ban đầu ba tôi dùng tro chà xát chình để cho ra hết lớp nhớt trên thân. Rửa qua 4, 5 bận nước sạch, sờ vào thân chình thấy láng mịn là đã đạt yêu cầu. Sau đó ba làm sạch phần nội tạng và tiếp tục dùng dao lạng hết phần xương dăm, chỉ còn lại phần thịt. Chình được cắt thành từng khúc tròn vừa ăn rồi ướp với các gia vị cơ bản.
Chình nấu cà ri |
Với 1 con chình khoảng 1,5kg, ba chia làm 2 để ướp và chế biến. Nguyên liệu chung để ướp chình, cần phải có sả, ớt, muối, đường, bột nêm… Món chình nấu cà ri thì ướp thêm bột cà ri, không bỏ bột ớt. Còn với chình xào sả ớt thì ướp thêm với sa tế cho dậy mùi. Hỗn hợp gia vị đó trộn chung ướp chình khoảng 1-2 tiếng thì có thể đem chế biến. Riêng với chình nấu cà ri, ba tôi chế nước cốt dừa và để lửa liu riu cho nước xốt thấm vào thịt ăn béo hơn.
Mùi thơm lừng bốc lên từ gian bếp nhưng vẫn có thể cảm nhận được 2 loại khác nhau. 1 món là cay xé, món còn lại là mùi thơm nồng đặc trưng của bột cà ri. Múc 2 món bày biện ra bàn, có thêm nồi cơm nóng, bún lá hay bánh mì là có thể dùng được ngay.
Về cơ bản, chình vốn chắc và ngọt thịt, nên khi nấu miếng thịt càng săn, cắn vào thấy “đã miệng”. Với món chình xào sả ớt thì đúng như tên gọi, khi kết hợp chung với nhau sẽ tạo nên mùi thơm nồng và cay xé. Người ăn cảm nhận thịt cá dai, da cá săn lại, rất đưa cơm.
Với món chình nấu cà ri, chình được hầm mềm, nhưng không rã thịt. Lớp da cá mềm, cắn vào như tan chảy trong miệng. Độ béo của nước cốt dừa và thêm miếng hành tây hầm chung càng làm tăng vị ngon, ngọt của cá. Chấm chung với bánh mì giòn hay gắp một ít bún lá, chan nước cà ri lên xăm xắp mặt chén, húp rột roạt mới cảm nhận được hết độ ngon của món ăn.
Thỉnh thoảng thấy các con ăn, ba tôi không quên nhắc: “Nhớ cẩn thận xương dăm, kẻo mắc vào cổ nghe chưa!”. Chẳng biết lời ba dặn có đứa nào nghe hay không, thế nhưng chúng tôi chỉ vừa ăn vừa trầm trồ: “Ngon quá ba ơi!”. Nụ cười hiền của ba và tài chế biến món chình xuất sắc lưu lại mãi trong ký ức tuổi thơ của anh em chúng tôi.
Đức Bảo
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mon-chinh-bien-qua-ban-tay-cua-ba-a1480386.html” name=””]