Sau 3 năm tìm tòi, chị Thu Hương đã trồng thành công 400 chậu dâu tây cho các con ăn thỏa thích.
Dâu tây là loại trái cây xứ lạnh thơm ngon, giàu dinh dưỡng và có giá thành đắt đỏ. Chính vì lẽ đó, nhiều người cho rằng khó có thể trồng dâu tây tại nhà, nhất là trên sân thượng. Vô tình “phải lòng” loại quả mọng xinh xắn, chị Thu Hương (Vĩnh Phúc) đã tìm tòi, thử nghiệm và thành công sở hữu vườn dâu của riêng mình với hàng trăm chậu cây sai trĩu quả.
Chị Thu Hương bên những chậu dâu tây sai quả.
Vườn dâu 50m2 với 400 chậu và 3000 cây giống
Chị Thu “bén duyên” với cây dâu tây vào năm 2018 – sau khi con thứ 2 được vài tháng tuổi. Thời gian ở nhà làm mẹ bỉm sữa, chăm con mọn làm chị cảm thấy buồn chán nên muốn kiếm việc “xả stress”, vừa tạo thêm niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Đúng lúc này, người mẹ 2 con tình cờ thấy bạn “khoe” cây dâu tây tự trồng lên mạng xã hội.
Lúc đó chị đã nghĩ: “Có thể trồng cây dâu tây tại nhà ư?”. Một phần vì tò mò, một phần vì mê mẩn những trái dâu chín đỏ căng mọng, chị Hương đã quyết định tìm hiểu và trồng những chậu dâu đầu tiên.
“Mình muốn tự tay trồng ra những trái dâu sạch để các con mình được ăn thoả thích mà không cần lo lắng về chất lượng. Sau thời gian trồng và hiểu sâu về dâu tây, mình dần dần biến sở thích đó thành đam mê. Dâu tây không chỉ đẹp mà còn giàu dinh dưỡng, là một loại cây rất đặc biệt”, người mẹ đến từ Vĩnh Phúc thổ lộ.
Những kệ dâu tây xinh xắn, đều tăm tắp.
Thời gian đầu, gia đình không hề ủng hộ chị Hương trồng dâu tây tại nhà, vì phải tận dụng ban công làm vườn nên có phần bừa bộ và bất tiện. Bản thân chị Hương cũng gặp khó khăn trong việc xử lý sâu bệnh, tốn nhiều tiền và thời gian để học hỏi. Sau cùng, người mẹ 2 con cũng thành công thu những trái dâu đầu tiên. Chị nhận được sự công nhận của mọi người và ấp ủ mở rộng vườn dâu lên sân thượng.
Hiện tại chị Hương sở hữu vườn dâu 50m2 trên sân thượng với 400 chậu cây và 3000 cây giống. Chị cho biết, chi phí đầu tư cho khu vườn bao gồm nhà màn nông nghiệp, kệ, giàn, cây giống,… là khoảng 35 triệu đồng. Thành quả cũng vô cùng tương xứng với công sức và tiền bạc bỏ ra. Vào mùa dâu, trung bình mỗi ngày chị Hương thu được 500g dâu tây từ 400 chậu cây, đủ để cả nhà ăn thỏa thích, đảm bảo chất lượng và vệ sinh.
Một góc vườn dâu tây hoành tráng của người mẹ Vĩnh Phúc.
Dâu trồng tại nhà cũng chín đỏ, căng mọng không kém ngoài hàng.
Dâu tây vào mùa trồng rất dễ, cần lưu ý cách trộn đất
Hơn 3 năm trồng dâu tây, chị Thu Hương rút ra những kinh nghiệm quý báu, từ việc chọn cây giống, trộn giá thể đến chăm sóc để đảm bảo cây phát triển tốt, cho quả mọng. Người mẹ đến từ Vĩnh Phúc đúc kết: “Dâu tây vào mùa trồng rất dễ, chỉ cần lưu ý cách trộn đất trồng sao cho đúng và dinh dưỡng phù hợp là cây sẽ phát triển tốt. Chú ý lượng nước tưới vì dâu không chịu được úng, quản lý bệnh tốt sẽ giúp cây khoẻ và tạo ra năng suất cao”.
Chi tiết hơn, chị Hương cho biết mùa dâu quả thường kéo dài từ tháng 10 dương lịch đến hết tháng 4. Tùy vào vùng miền sẽ có những lưu ý khác nhau, tuy nhiên chị Hương khẳng định, hầu hết các tỉnh thành Việt Nam đều có thể trồng được dâu tây, kể cả nơi có điều kiện khắc nghiệt như miền Trung nắng gió. Giá thể đóng vai trò quan trọng trong thành bại của việc trồng dâu.
“Kiếm được đất thịt (đất vườn) tơi xốp màu mỡ thì tốt nhất, dinh dưỡng cơ bản trong đất cũng đủ cho cây giai đoạn cây non. Dâu tây là dòng ăn ít phân, ăn làm nhiều lần chia nhỏ và ít nên có một số sai lầm trong việc trồng dâu đó là: mua đất ngoài quán trộn sẵn, trộn quá nhiều phân, trộn các thành phần như tro, phân npk, phân viên… – những thứ cơ bản là nóng và mặn chất.
Dâu tây không chịu được úng nên cần giá thể tơi xốp, thoát nước tốt. Ta có thể sử dụng mùn dừa đã xả chát hay trấu, xỉ than trộn chung với đất để đất tơi xốp hơn. Lưu ý, sau một thời gian đất sẽ cứng lại nên mọi người lựa tỉ lệ trộn tuỳ vào chất đất nhà mình có. Tuyệt đối ko sử dụng đất ruộng lúa, đất cứng bết, đất dạng đất sét để trồng dâu.
Phân lót cho dâu thì khá dễ, mọi người có thể sử dụng phân bò ủ hoại, phân gà ủ mục, phân trùn quế (không phải dạng viên), phân vi sinh… Lưu ý tỉ lệ trộn sao cho phân chỉ chiếm 1/10 tổng giá thể đối với cây con như cây cấy mô, ngó. Hoặc 2/10 giá thể đối với cây trưởng thành”, chị Hương chia sẻ.
Chị Hương cho biết, quan trọng nhất là khâu trộn giá thể.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/me-dam-vinh-phuc-bay-cach-trong-dau-tay-tai-nha-dam-bao-de-thu-nua-kg-trai-moi-ngay-d293420.html” alt_src=”” name=””]