Sự cố vỡ thủy cung AquaDom tại trung tâm thủ đô Berlin ở Đức đã khiến khoảng 1.500 con cá bị chết, 2 người bị thương nhẹ. Lực lượng cứu hộ cũng cứu sống được khoảng 600 con cá.
Theo nhật báo Zeit, khoảng 630 con cá được cứu sống trong sự cố vỡ bể cá AquaDom tại khu công trình thủy cung Sea Life thuộc khách sạn Radisson Blu, quận Mitte, trung tâm thủ đô Berlin hôm 16-12.
Hai sĩ quan cảnh sát đang mang một chậu cá từ khách sạn Radisson để đưa đến các bể thủy cung khác – Ảnh: ZEIT
Được biết trong thủy cung này có cả các loài cá nước ngọt lẫn cá nước mặn. Những con cá này sẽ được đưa đến các khu vực khác nhau như công viên động vật, sở thú, các bể khác trong Sea Life hoặc cho nhà nhân giống.
Trang tin Der Spiegel dẫn lời phát ngôn viên Sở Cứu hỏa James Klein nói cá nước mặn sẽ được đưa đến bể cá khác trong khu công trình Sea Life và các thủy cung khác, còn cá nước ngọt sẽ được đưa đến sở thú. Trong đó có 3 con cá koi được đưa đến một khu vực riêng ở sở thú Berlin.
Có khoảng 1.500 con cá nhiệt đới ở bể Aquadom hình trụ cao 16m bị tràn ra, nằm thoi thóp dưới sàn cho đến chết. Song cũng có nhiều con khác được tìm thấy vẫn còn sống trong các vũng nước dưới đống đổ nát.
Bên cạnh đó, có khoảng 400-500 con cá nhỏ ở các bể khác bên dưới khu thủy cung Sea Life đã được đưa đến các bể cá khác tại địa phương.
Theo trang Berliner Morgenpost, lực lượng cứu hộ và các bác sĩ thú y sẽ ưu tiên cho những giống cá đang bị tuyệt chủng được cứu sống trước.
Bà Almut Neumann, ủy viên Hội đồng Môi trường Berlin – Mitte, nói với Hãng thông tấn DPA rằng sau sự cố ở bể cá hình trụ, bể cá ở phía dưới hầm bị ngắt điện, vì thế họ đã phải nhanh chóng đưa toàn bộ số cá này sang các bể khác bên ngoài.
Hơn 200 nhân viên cứu hỏa đã tham gia công tác khắc phục sau sự cố vỡ bể thủy cung – Ảnh: REUTERS
Khoảng 5h45 sáng 16-12 (giờ địa phương) bể cá AquaDom thuộc quần thể thủy cung Sea Life tại sảnh khách sạn Radisson, quận Mitte, thủ đô Berlin bị vỡ khiến 2 người bị thương nhẹ, hàng triệu lít nước bị tràn ra ngoài.
Sau khi vỡ thủy cung AquaDom, những bể khác cũng được các nhân viên khu thủy cung Sea Life thực hiện rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng.
Nguyên nhân sự cố ban đầu được dự đoán không phải do bạo lực hay những hành động có chủ đích, mà là do những vấn đề về kỹ thuật của bể thủy cung này.
Theo Hãng tin AP, ngày 18-12, Reynolds Polymer Technology, công ty sản xuất và lắp đặt phần xi lanh của thủy cung Aquadom 20 năm trước đang cử một đội điều tra đến Berlin để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Bà Iris Spranger, một quan chức an ninh hàng đầu ở Berlin, nói với Hãng thông tấn DPA rằng họ nhận thấy những dấu hiệu bể cá này đang trở nên cũ kỹ.
Công trình thủy cung Sea Life được xây dựng năm 2003, bao gồm nhiều bể cá nước ngọt và nước mặn khác nhau, trong đó có bể AquaDom là bể cá hình trụ cao nhất thế giới với chiều cao lên đến 16 mét.
Được biết khu thủy cung này vừa được tu sửa và mở cửa lại hồi năm 2020.
Các mảnh vỡ trong thủy cung AquaDom nằm ngổn ngang khắp nơi – Ảnh: SPIEGEL
Một đoạn đường Karl-Liebknecht-Straße bị phong tỏa để khắc phục sự cố vỡ thủy cung AquaDom – Ảnh: SPIEGEL
Lực lượng cứu hỏa và cảnh sát tập trung tại đường Karl-Liebknecht-Straße, quận Mitte, trung tâm thủ đô Berlin – Ảnh:
Khoảng 1.500 con cá trong thủy cung AquaDom đều đã chết khi bể này bị vỡ – Ảnh: BILD
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cuu-song-hon-600-con-ca-trong-vu-vo-thuy-cung-aquadom-o-berlin-20221219173003564.chn” name=””]