Mùa này, Bảo Lộc nhiều mây, lắm sương. Nơi đây có một điểm đến luôn chìm trong sương, đắm trong mây là Linh Quy Pháp Ấn – cách thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hơn 20km về phía nam.
Người ta thường gọi đây là chùa nhưng thực ra, tên gọi hành chính của địa điểm này là am Linh Quy Pháp Ấn. Gọi gì thì gọi, miễn đừng gọi theo kiểu thời thượng mà có lần chùa bị “ép” phải mang suốt một thời gian.
Trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây trà lâu năm |
“Chùa Sơn Tùng” và 2 lần “nổi tiếng” bất đắc dĩ
Linh Quy Pháp Ấn có từ 13 năm trước và cứ bình yên vắng lặng như thế trong nhiều năm. Các hình ảnh chụp ở đây luôn được nhà chùa lưu giữ cẩn thận và đề nghị phật tử không chia sẻ lên mạng xã hội bởi các thầy muốn tránh sự quan tâm của số đông, e làm mất khung cảnh yên tĩnh vốn có của vùng đồi núi thanh vắng này.
Cho đến một hôm, mấy tấm hình chụp cảnh bình minh trong mây ở chùa được 1 phật tử chụp và vô tình đăng lên mạng. Biết tin, các thầy đã đề nghị vị phật tử tháo hình ảnh xuống nhưng… không kịp nữa rồi. Linh Quy Pháp Ấn bỗng dưng nổi tiếng vì những tấm hình lung linh siêu thực chụp ở Quán Chiếu đường (nơi mọi người quen gọi là cổng trời). Nhiều phật tử và dân ưa xê dịch gần xa háo hức tìm đến nơi đây để khám phá “thắng cảnh mới được phát hiện”.
Việc ca sĩ Sơn Tùng lấy bối cảnh ở khu vực cổng trời này làm MV Lạc trôi càng khiến ngôi chùa thêm nổi tiếng. Đến độ có lúc bãi giữ xe dưới chân đồi đã để biển “bãi giữ xe chùa Sơn Tùng” để tăng tính cạnh tranh với các bãi xe khác cạnh đó. Chốn yên bình cố hữu trên triền núi ấy lại 1 lần nữa khổ sở vì… quá nhiều người đổ xô đến.
Việc gì đến phải đến. Nơi tôn nghiêm đã phải hứng chịu những cảnh tượng buồn lòng do nhiều du khách gây ra như: làm ồn, không tuân thủ các quy định của chùa, xả rác bừa bãi…
Lần trở lại này, may quá, suốt cả buổi sáng hôm đó, Linh Quy Pháp Ấn không đông khách dù là ngày cuối tuần. Tôi miên man đi trong màn sương sớm len qua những vườn trà cổ thụ. Không gian vẫn thật yên tĩnh cho tới khi nghe nhiều tiếng nói cười ồn ào vọng lại, dù cách đó không xa là tấm bảng dặn dò của nhà chùa “Nơi thanh tịnh, xin nhẹ lời, đừng ồn ào” là biết sắp đến khu vực cổng trời – nơi được nhiều người tìm đến nhất. Sự yên tịnh thật mong manh.
Thành ra, khi tham quan nơi đây, bạn có thể thấy 3 thái độ. 1, im lặng. 2, thì thào rất khẽ. 3, như đi chợ. Trở lại lần này, tôi thở phào vì chùa không quá đông. Có lẽ thời gian đã kịp sàng lọc tự nhiên cho những ai có nhu cầu thực sự đến chốn này. Người tò mò hay khách trẻ bị hấp dẫn bởi những tấm hình đăng trên mạng xã hội có lẽ chỉ cần ghé 1 lần cho biết, cho có hình để khoe với bạn bè. Không gian bình yên của vùng núi đồi này cũng được trả lại cho những ai thực sự cần đến chúng.
Mà thật, khung cảnh nơi đây khiến những tiếng ồn do nói cười rất dễ trở nên vô duyên. Bên cạnh những ồn ào của một số du khách thiếu ý thức, tôi vẫn gặp rất nhiều du khách kiệm lời hay chỉ chuyện trò khe khẽ. Thật thú vị khi không ai bảo ai, trong không khí quánh đặc sương chưa tan, mây chưa tản mát hết dù mặt trời đang lên, người ta bước chân vào khu vực quán chiếu đường đều chuyện trò khe khẽ, dù không ai nhắc nhở. Năng lượng tốt lành, không gian trong veo, không khí trong lành và cái lạnh se se mùa cuối năm khiến nhiều người nấn ná mãi không muốn rời đi.
Một trong những cây cổ thụ lâu năm nhất nơi đây |
Ngôi chùa nép giữa rừng trà
Gọi là chùa, thật ra đó là những nếp nhà trệt giữa khuôn viên rộng đến 40ha, là những cụm công trình kiến trúc nhỏ, dân dã nằm rải rác, nép mình giữa những khoảnh rừng trà. Nơi đây gây ấn tượng với các công trình đều nhỏ nhắn, xinh xắn giữa vùng đồi núi cao khoáng đạt, mang đến cảm giác hài hòa thân thiện.
Linh Quy Pháp Ấn có kiến trúc theo phong cách truyền thống Nhật Bản nên chú trọng về kết cấu và chất liệu gỗ hơn là trang trí chạm khắc cầu kỳ. Các công trình trong khuôn viên chùa cũng có cách bố trí không giống cách thức quen thuộc của những nếp chùa Việt. Điểm khiến chùa nổi tiếng nhất là khoảnh sân khá rộng phía trước Quán Chiếu đường nhìn ra.
Quán Chiếu đường là một công trình khung gỗ mái ngói, nội thất toàn bằng gỗ mài nhẵn, bài trí đơn giản và thanh thoát, nối với khoảng sân thấp bên dưới bằng vài chục bậc tam cấp. Tiếp đó là khoảng sân và cổng trời với 3 chiếc cổng có nét gợi nhớ những chiếc cổng Thần đạo quen thuộc của Nhật Bản.
Khoảng sân trước cổng còn được gọi là sân mây vì thường có những làn mây núi tràn vào mỗi sớm chiều. Từ sân này phóng tầm mắt ra trước mặt mỗi sớm mai hay hoàng hôn đều thấy mây phủ kín núi đồi chập chùng.
Một điểm nhấn khác là khu vườn cảnh đậm chất thiền Nhật nằm bên phải sân mây, riêng biệt ở một vị trí thấp hơn. Sự tương phản giữa bãi sỏi trắng và nền phong cảnh núi rừng xanh thăm thẳm đã để lại trong máy ảnh của du khách đến chiêm bái ngôi chùa nhiều tấm ảnh đẹp đậm chất thiền.
Quán Chiếu đường (tức cổng trời) mờ ảo trong sương sớm. Đây cũng là nơi đẹp nhất, thu hút khách tìm đến nhất của Linh Quy Pháp Ấn |
Đi giữa đồi trà, cà phê
Khách đến chân đồi 45 thì gửi xe rồi đi bộ men theo những bậc thềm đá rêu phong để lên khu vực chính của chùa. Lối đi này quanh co qua các rặng trúc, đồi chè lại thoang thoảng hương lá trà tươi và cây cỏ ban sớm mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Có 2 thời khắc đẹp trong ngày: bình minh và hoàng hôn. Trong đó, thời điểm được ưa chuộng nhất là buổi sáng sớm. Chùa thường có khách viếng từ 3, 4 giờ sáng là vì vậy.
Đường lên chùa rất nhỏ, dốc cao liên tục, nhiều chỗ khá quanh co, là một thử thách cho các tay lái quen đường bằng. Ai lười vận động đã có dịch vụ xe ôm túc trực với giá 20.000 đồng/lượt.
Thực ra, bạn không cần thiết phải chạy xe lên vì điểm gửi xe trên đồi cách chùa gần 500m. Vì vậy, hãy gửi xe dưới chân đồi, ngoài đường lớn. Đường lên chùa là cơ hội để bạn khởi động thể dục nhẹ nhàng cho một ngày mới; chưa kể đi giữa những đồi trà, cà phê… thật trong lành, lãng mạn. Có thể bạn sẽ hơi mệt vì không quen đi đường dốc nhưng bù lại, đến khu vực chùa, đường sẽ bằng phẳng và cảnh ở chùa là sự tưởng thưởng xứng đáng cho gần 30 phút đi bộ thong thả.
Tượng Phật trước Quán Chiếu đường |
Vị trí của Linh Quy Pháp Ấn là đồi 45, thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Tiện nhất là đi từ Bảo Lộc vì chùa vốn gần Bảo Lộc nhất. Tuy nhiên, nhiều thông tin trên mạng cứ “gom” chùa vào… Đà Lạt dù khoảng cách từ Đà Lạt đến nơi này đến 122km, trong khi từ Bảo Lộc đi Linh Quy Pháp Ấn chỉ 21km về hướng nam.
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chon-ngam-may-binh-yen-noi-xu-tra-a1480368.html” name=””]