Tin tức con trai bị bắn khiến Lý Dung như chết lặng. Cô bay đến Chicago như một cái xác rỗng vô hồn vì chưa thể tin con trai yêu quý đã rời xa.
Ngày 9/11/2021, con trai 24 tuổi của Lý Dung là Dennis Trịnh Thiếu Hùng đã bị bắn gần Đại học Chicago (Mỹ). Nghi phạm 18 tuổi đã lấy điện thoại, laptop và bán với giá chỉ 100 USD trước khi bị bắt vào ngày hôm sau. Thảm kịch đã gây náo động ở Trung Quốc, khiến nhiều phụ huynh đặt câu hỏi liệu Mỹ có còn là nơi an toàn cho con cái họ du học hay không.
Mỗi khi nhớ lại con trai quá cố, mắt Lý Dung sáng lên và lời nói trôi chảy hơn, như thể cô đang đắm mình từng mảnh ghép ký ức thân thương. Hơn mười mấy năm ròng rã, Lý Dung đã trải qua nhiều thăng trầm khi làm mẹ đơn thân. Những gì ở lại với cô là những kỷ niệm nhỏ bé ẩn giấu trong thế giới trần tục.
Năm ngoái, Lý Dung lần đầu tiên ra nước ngoài ở tuổi 57, nhưng đó không phải là chuyến đi mà cô mong muốn. Cô đến Chicago để tham dự buổi tưởng nhớ con trai – người đã chết trong một vụ xả súng khi mới 24 tuổi.
Kể từ sau cái chết của con trai, Lý Dung vẫn làm việc ở Lạc Sơn, sống bằng tâm thái lạc quan nhất. Cô sống đúng như câu nói của nhà văn Pháp – Romain Rolland: “Chỉ có một chủ nghĩa anh hùng duy nhất: nhìn thấu bản chất vốn có thế giới và yêu lấy nó”.
Lý Dung bên con trai.
Đứa trẻ trưởng thành sớm
Đã một năm kể từ khi Đồng Đồng (tên gọi lúc nhỏ của Trịnh Thiếu Hùng) qua đời và không một ngày nào trôi qua mà Lý Dung không nhớ đến con.
Kể từ khi Thiếu Hùng qua đời, Lý Dung sử dụng những món đồ từng thuộc về con. Chiếc đàn piano, những cuốn sách và cả bộ đũa muỗng ăn cơm. Trước khi đi ngủ, cô nhìn tấm ảnh của con, kể cho con nghe một ngày đã qua và nói chúc ngủ ngon.
Nhớ về những ký ức của con trai, Lý Dung tự hào vì bản thân là người mẹ rất may mắn có nhiều kỷ niệm đẹp.
Lý Dung mang thai ở năm 33 tuổi, cô làm kế toán ở bệnh viện. Một năm sau, cô ly hôn với chồng và giành được toàn quyền nuôi con. Thời điểm đó, Lý Dung đã tự nhủ rằng cô cần phải mạnh mẽ để che chở cho con.
Trịnh Thiếu Hùng thuở bé.
Lý Dung kể rằng Thiếu Hùng là đứa trẻ hiểu chuyện, trưởng thành rất sớm, có thể nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc bản thân từ nhỏ.
Một ngày mùa hè oi bức, Lý Dung đi làm về và thấy con đang chơi piano với tấm lưng đẫm mồ hôi. Hỏi ra mới biết cậu bé Thiếu Hùng sợ tốn điện nên không muốn bật điều hòa và quạt máy, mà chỉ dùng khăn lau mồ hôi.
Trịnh Thiếu Hùng đến thăm một trường học ở Paris, năm 2011.
Chàng sinh viên xuất sắc
Thiếu Hùng tốt nghiệp xếp hạng ba trong số tất cả học sinh tiểu học trong thành phố, được cấp học bổng toàn phần tại trường Ngoại ngữ Lạc Sơn với điều kiện cậu phải tạm trú trong trường. Lý Dung không an tâm nên đã từ chối học bổng và chọn trường học ban ngày cho con. Trường học xa nhà, nhưng Lý Dung vẫn cố gắng chu toàn tất cả vì con.
Lên cấp 2, Thiếu Hùng trở thành “thiên tài” của cả trường vì thành tích học tập xuất sắc. Chàng trai lần đầu tiên xuất ngoại đến Paris với tư cách đại diện đoàn học sinh của trường khi chỉ mới học lớp 8.
“Con trai tôi và tôi rất thân thiết. Thằng bé nói với tôi bất cứ điều gì nó nghĩ trong đầu, và tôi kể cho con nghe tất cả những rắc rối tôi gặp phải trong công việc. Chúng tôi chia sẻ mọi thứ”, Lý Dung nói.
Không phụ lòng mong đợi của mẹ, Thiếu Hùng đã trở thành 1 trong 4 học sinh được nhận vào trường cấp 3 danh tiếng nhất Tứ Xuyên. Để tiện chăm sóc con, Lý Dung thuê trọ gần trường. Trong 3 năm đó, Lý Dung di chuyển qua lại giữa Thành Đô và Lạc Sơn mỗi cuối cùng để chăm sóc con. Cô chưa từng bỏ lỡ một buổi cuối tuần nào.
Lý Dung quan niệm rằng con cái không phải là tài sản của cha mẹ, điều nên làm là cố gắng giúp con thực hiện ước mơ.
Một bức ảnh của Trịnh Thiếu Hùng trên tạp chí do Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) xuất bản, 2017.
Nhờ thành tích học tập xuất sắc trong nhiều năm, Thiếu Hùng được tuyển thẳng vào Đại học Hồng Kông (HKU) (Trung Quốc) chấp nhận vào năm 2015. Để chi trả cho chi phí 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) một năm sống và học tập ở đây, Lý Dung đã bán đi ngôi nhà thừa kế của bố mẹ.
Thiếu Hùng hiểu được tình cảnh của gia đình nên sống chắt chiu, ngay cả quả dưa hấu cũng phải đợi đến dịp về nhà mới dám mở lời với mẹ.
Lý Dung luôn cảm thấy có lỗi vì đã không hỗ trợ đủ tài chính cho con, nhưng chàng trai đã an ủi mẹ rằng: “Mẹ đã cho con tất cả những gì có thể và con rất biết ơn vì điều đó”.
Hai mẹ con chúc nhau ngủ ngon mỗi ngày và chia sẻ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Thân thiết khoác tay nhau đi dạo công viên, chàng trai cũng kể cho mẹ nghe cảm xúc của mình khi được những bạn nữ tỏ tình. Thiếu Hùng là một chàng trai rất lịch sự. Khi về thăm mẹ, cậu đều cảm ơn bạn bè của mẹ vì đã bầu bạn khi cậu không có nhà.
Nhìn lại tất cả, Lý Dung cảm thấy thật may mắn vì đã dành nhiều thời gian với con để có thể tạo ra những kỷ niệm này.
Trịnh Thiếu Hùng ký tên của mình trên cuốn sách của mình.
Năm 2019, Thiếu Hùng tốt nghiệp loại giỏi hạng nhất của HKU và nói với mẹ rằng muốn tiếp tục học tại Đại học Chicago vì các chương trình kinh tế tầm cỡ thế giới của trường đã đào tạo ra nhiều người đoạt giải Nobel. Để trả học phí, Lý Dung đã phải vay tiền từ gia đình và bạn bè.
Tháng 1/2021, một sinh viên Trung Quốc bị bắn trong nhà để xe của Đại học Chicago. Khung cảnh buổi tưởng niệm tại trường và hình ảnh cha mẹ cậu sinh viên xấu số ấy khóc nghẹn vì mất con đã ám ảnh Lý Dung.
Cô nói với con trai: “Nếu chuyện như thế này xảy ra với con, mẹ sẽ không thể chịu đựng nổ”. Cậu trả lời: “Con sẽ ổn thôi. Đừng lo”.
Ngày 7/11/2021, đúng ngày sinh nhật lần thứ 57 của Lý Dung, cô nhận được chai nước hoa Thiếu Hùng gửi tặng cho mẹ. Cô chưa bao giờ ngờ được đó là lần cuối cùng mình nhận quà từ con.
Ba ngày sau, tin tức con trai bị bắn khiến Lý Dung như chết lặng. Cô bay đến Chicago như một cái xác rỗng vô hồn vì chưa thể tin con trai yêu quý đã rời xa mình.
Buổi thắp nến tưởng niệm Trịnh Thiếu Hùng, ngày 18/11/2021.
Nạn nhân của bạo lực súng đạn
Buổi tưởng niệm Thiếu Hùng được tổ chức vào ngày 18/11/2021. Nhà nguyện Tưởng niệm Rockefeller chật ních người, bao gồm quan chức, người dân, sinh viên và thậm chí cả đoàn làm phim truyền hình.
Lý Dung đã đến tận mắt chứng kiến nơi nơi con mình nằm xuống 2-3 lần. Trên nền đất là những bó hoa tươi, gấu bông và những tấm thiệp từ bạn bè. Cô đang mang tất cả lời gửi gắm của bạn bè trên những tấm thiệp về Trung Quốc.
Những bó hoa tươi, búp bê và thiệp từ bạn bè tại nơi Trịnh bị bắn.
Lý Dung thu dọn tất cả đồ đạc của con trai: sách, kính, dao cạo râu, đồng hồ báo thức, tách trà, quần áo và mang tất cả về nhà. Bây giờ, mỗi khi sử dụng chúng, cô cảm thấy như được kết nối với con.
Khi vụ nổ súng xảy ra, Thiếu Hùng đang trên đường về nhà để mở cửa tiệm giặt là cho một người bạn. Người bạn đó mặc cảm tội lỗi nhưng cuối cùng đã lấy hết can đảm đến thăm Lý Dung. Cậu cúi đầu và khóc khi nói với cô rằng Đồng Đồng đã làm rất nhiều điều cho mình, giúp cậu chuyển nhà và dạy nấu ăn. Lý Dung ôm lấy chàng trai và nói: “Không ai có thể lường trước được tai nạn và cô hy vọng con có thể bỏ qua mặc cảm tội lỗi để sống tốt nhất có thể”.
Một tháng rưỡi sau, Lý Dung mang tro cốt của con trai về nhà trong ba lô. Cảm thấy sức nặng của trên vai, cô chợt bật khóc nghẹn ngào khi nhớ lại những lúc con trai được mình cõng trên vai lúc nhỏ.
Lý Dung phát biểu trong buổi cầu nguyện dưới ánh nến.
Về nhà, Lý Dung vẫn có thể cảm nhận được tình yêu của con trai dành cho mình, chỉ là theo một cách khác. Những người bạn của Thiếu Hùng đã cho cô sự hy vọng và ấm áp trong khoảng thời gian đen tối nhất. Ngược lại, Lý Dung muốn đền đáp tình yêu của họ bằng cách giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.
Lý Dung thường được các tổ chức từ thiện mời đến chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Bất cứ ai tìm đến, cô đều dang rộng vòng tay để lắng nghe tiếng lòng và câu chuyện của họ.
“Đó là điều tôi luôn làm và kiên trì trong những năm qua. Cuộc sống của tôi từng rất khó khăn. Tôi không có anh chị em, cũng không có chồng, cha mẹ và con trai đều không còn. Trống rỗng là thứ cảm giác chỉ chực chờ ập đến trong trái tim của tôi. Nhưng tôi biết con trai muốn tôi luôn khỏe mạnh và hạnh phúc”, Lý Dung chia sẻ.
Lý Dung cố gắng giữ bản thân luôn bận rộn. Tập yoga, chơi piano, đăng ký các lớp học khiêu vũ, hoạt động trong câu lạc bộ sách trực tuyến mỗi ngày… Thời tiết đẹp, cô thưởng thức trà, đi dạo, chơi mạt chược hoặc mua sắm với bạn bè.
“Con trai nghĩ rằng tôi đã hy sinh quá nhiều cho nó. Con khao khát cho tôi thấy cả thế giới. Trong tương lai, tôi muốn đi những nơi mà con chưa từng đến và cùng trải nghiệm mọi thứ với con”, Lý Dung nói với đôi mắt đỏ hoe.
Đôi khi, Lý Dung cũng cảm thấy ghen tị với cuộc sống gia đình hạnh phúc của người khác. Cô tự hỏi liệu mình có cảm thấy cô đơn khi nhìn thấy bạn bè của mình được vây quanh bởi những đứa cháu hay không. Con người ta khi già đi, nỗi buồn cũng chất chứa nhiều hơn.
Năm đó đi học, Thiếu Hùng gửi cho mẹ một hộp bánh trung thu trong khi bản thân lại không có vì muốn tiết kiệm. Sau đó ở Chicago, cậu học cách làm bánh trung thu cho các bạn cùng lớp. Cậu nói với mẹ: “Khi nào con về, con sẽ làm cho mẹ”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/me-nan-nhan-trong-vu-xa-sung-o-chicago-tu-dau-don-den-song-tron-ven-theo-uoc-nguyen-cua-con-2022122222195059.chn” name=””]