Nếu sự “chì chiết” của bà vừa phải, không đến nỗi cạn tàu ráo máng, có lẽ bạn “cứ” tiếp tục nhún nhường.
Tôi đang phải chịu nạn bạo hành trên giường nhưng tôi cam tâm vì hạnh phúc. Làm vậy hay ngược lại, tôi mới đáng mặt đàn ông? Xin phép không nói rõ nguyên cớ.
H.Thủ (TPHCM)
Trước tiên, xin hiểu bạo hành ở đây không phải theo nghĩa bạo dâm và bạo hành không phải chỉ có nghĩa thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà có cả bạo hành bằng lời nói, thái độ. Lời nói lắm khi có độ sát thương gấp trăm lần cú bạt tai. Trường hợp nạn nhân là đàn ông thì kiểu bạo hành phi nắm đấm này là phổ biến.
Dò ý bạn, không nhắc cớ sự nên xin đề xuất hai nguồn cơn khả dĩ xô đẩy các ông đến cảnh tạm gọi là “phụ thuộc” và “nhún mình”.
Phụ thuộc, dù là kinh tế, vị thế hay bất kỳ kiểu nào, tất dẫn đến lép vế. Các ông có thể chịu lép vế bên ngoài nhưng lắm khi phải mang chúng cả trên giường.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Sự nhún mình, nói cho nhẹ, thẳng thừng thì đó là tình cảnh các ông chồng “đứng núi này trông núi nọ”, lúc quay đầu là bờ, biết mình có lỗi nên ở trong thế hạ mình để làm lành với bạn đời. Thẳng thêm nữa thì đây là cuộc “trả đũa” và “trả giá”.
Quay lại ý chính – “Một người đàn ông cam tâm bị vợ bạo hành để tránh đổ bể hạnh phúc thì có đáng không?”. Thực ra phải thay “có đáng” thành “có làm được không?” mới là thực chất vấn đề. Nói thẳng, nếu thứ cần giữ chỉ là tờ hôn thú thì sự cam tâm của ông có thể làm được. Dù gì, thay vì ra tòa, các bà lại chọn loan phòng làm nơi hả cơn bầm gan tím ruột, rõ tiên lượng cuộc hôn nhân là tốt.
Ngược lại, nếu là hạnh phúc xác thịt, cũng mạnh dạn nói ngay, khoái lạc làm gì có thể sống sót giữa kẻ đàn áp và người bị đàn áp. Cả khi thứ khoái cảm thuần sinh lý xuất hiện, đó vẫn không phải là lạc thú đúng nghĩa.
Hỏi cũng là trả lời. Nếu chỉ để lên giường đều đều thì sự cam lòng của các ông có thể có kết quả. Ngược lại, nếu là hạnh phúc sát nghĩa khoái cảm thì sự hy sinh là vô ích.
Qua lời thuật lại, có thể lờ mờ nhận ra chuyện của bạn rơi vào kịch bản “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” nhiều hơn. Có nghĩa, nếu đúng như thế thì người nắm đằng chuôi chỉ đang tỏ “thái độ” như một đòn trừng phạt cho kẻ hai lòng. Cách bạn không ngại bảo mình “không đáng mặt đàn ông” phần nào cho biết điều đó.
Tóm lại, nếu sự “chì chiết” của bà vừa phải, không đến nỗi cạn tàu ráo máng, có lẽ bạn “cứ” tiếp tục nhún nhường chờ lửa giận nguôi dần, trời quang mây tạnh. Vẻ “tội nghiệp” là bảo chứng cho sự thành tâm của bạn và chắc chắn nó sẽ góp phần đẩy “lệnh ân xá” gần hơn.
Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-chiu-bao-hanh-co-dang-mat-dan-ong-a1481451.html” name=””]