Chính cha mẹ chứ không phải sách vở, trường lớp nào có thể cứu vãn sai lầm của trẻ và giúp con hoàn thiện nhân cách.
Nhà trường đóng vai trò uốn nắn tính cách, trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp cải thiện, nâng cao “chất lượng” đời sống mỗi người. Xã hội là “sân chơi” để cá nhân thể hiện bản thân. Nếu cha mẹ bất ổn, giáo dục gia đình kém hiệu quả, dễ sinh ra những nhân cách bất hảo cho xã hội.
Cha mẹ cứng rắn không có nghĩa là “ác”
Tôi từng trò chuyện với chị Thúy An – (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vị phụ huynh nhiều người mến phục từ cách sống đến phương pháp dạy con. Khác với những “phụ huynh bất lực” tôi có dịp tư vấn tâm lý, chị An khẳng định: “So với các phụ huynh thành phố biển này, chị thấy mình dạy con khá cứng, nhiều người còn buột miệng nói chị là “bà mẹ ác”, nhưng chị đã chứng minh mình không sai, con cái chị tự giác, tháo vát hơn con người ta. Mẹ chị từng phản đối cách chị bắt con giặt đồ, rửa chén, nấu cơm, đi bộ tới trường… thì nay bà đã nghiêng về phía chị”. Chị nói với tôi: “Chờ vài năm nữa 2 đứa tự lập, chị có thể lui về ở ẩn rồi!”.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Con chị Thúy An tham gia nhiều lớp học và chuyến đi du lịch trải nghiệm của tôi, nên tôi phần nào hiểu được các con và cảm phục sự kiên định “lội ngược dòng” của mẹ chúng. Thực tế chứng minh chị An đã và đang đi đúng hướng: cậu lớn rất lễ độ, biết lo nghĩ, tự lập, thể hiện vai trò làm anh rất rõ; cậu nhỏ rất ngoan, giàu lòng nhân ái. Cả hai đều không học thêm các môn văn hóa trên trường, trừ rèn tiếng Anh. Các bé tập trung đọc sách, tìm tòi và tham gia các câu lạc bộ khoa học, nghệ thuật… để mở rộng hiểu biết. Nếu nhận định các bạn nhỏ nhà chị Thúy An có “một bụng kiến thức” cũng không quá. Điều này xuất phát từ tính cách, phương pháp giáo dục của gia đình.
Chồng chị Thúy An là bác sĩ. Giữ vị trí cao nơi làm việc nhưng anh sống khiêm nhường, chuẩn mực. Anh đặc biệt hiếu thảo với ông bà, chú tâm dạy bảo con cái điều hay lẽ phải. Chị Thúy An làm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Bận rộn nhưng chị sẵn sàng đưa con đi khắp nơi để trải nghiệm văn hóa, đời sống, con người… giúp con học hỏi thông qua thực tế.
Các con, các cháu và hàng xóm “mê tít” chị Thúy An, nhất là trong “lớp học dã chiến” mỗi tối thứ Bảy do chị khởi xướng. Ở đó, các con được thuyết trình, kể chuyện, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm học tập, câu chuyện cuộc sống hay các phát hiện mới từ internet… Chị An giữ vai trò cổ động viên, huấn luyện viên, kiêm giáo viên “cây nhà lá vườn”. Với nền tảng giáo dục như vậy, tôi tin rằng lớn lên các bạn nhỏ của lớp học này sẽ là những cá thể tử tế, sáng tạo và mạnh dạn thể hiện bản thân, đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội…
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Đừng hoang mang khi con cô đơn
Một người mẹ tên Thanh Minh (TPHCM) đặt hẹn tư vấn tâm lý với nhắn nhủ khẩn thiết: “Tôi gặp xung đột trong việc dạy và làm bạn với con gái. Hãy giúp tôi!”.
Con gái chị Minh có những “thay đổi tiêu cực” khiến chị căng thẳng, lo lắng, stress trầm trọng và mất phương hướng. Có thời gian vì chuyện nuôi dạy con cái mà chị Minh rơi vào trầm cảm, nhốt mình trong phòng hàng tháng trời. Người mẹ thừa nhận mình sai khi dạy con, dù rất cố gắng, nhưng sai lầm vẫn tiếp diễn, cứ như đẩy chị vào ngõ cụt. Chị lo lắng khi con gái thủ thỉ: “Con thấy cô đơn”. Tệ hơn, bé đã từng bảo: “Con muốn chết”.
Gặp tôi, giọng chị trầm buồn, mắt rưng rưng. Chị bộc bạch rằng tuổi thơ từng bị mẹ la mắng vô cớ. Liên tục vấp phải sự phán xét, khiến bản thân bị áp lực, cộng với bản tính mạnh mẽ, có phần “cứng đầu”, chị từng “cuốn gói” bỏ nhà ra đi khi mâu thuẫn với mẹ lên đỉnh điểm. Chị rất sợ con gái lặp lại “vết xe đổ” của mình…
Không riêng gì chị Thanh Minh, tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh, trẻ có, lớn tuổi có, ông bà chăm cháu có… với những cái lắc đầu ngao ngán, buông xuôi: “Con nít bây giờ khó dạy quá”; “Tôi thử mọi cách vẫn thất bại”; “Em rất hoang mang”…
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Điểm chung của những phụ huynh này là dạy con cảm tính. Có người áp dụng kiểu nuôi dạy truyền thống nhưng không cải tổ hay thích nghi với xã hội hiện đại, có người theo lời các “chuyên gia rởm” trên mạng hay đọc sách, hoặc áp dụng một cách máy móc phương pháp giáo dục nước ngoài, thậm chí “bê nguyên xi” cách dạy con của “ai đó” và thực hành lên con mình. Lúc nhận ra sai lầm thì đã muộn…
Cha mẹ không nên dửng dưng khi con làm lố
Có lần tôi tiếp chuyện chị T.N. (Q.Bình Thạnh, TPHCM) – trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường quốc tế. Chị kể, trong lớp con chị có một bé trai thuộc cộng đồng LGBT. Học sinh lớp Tám, nhưng các em có tư tưởng tiến bộ nên không kỳ thị hay chê cười những hành vi “bung lụa” quá đà của bạn, nhưng chính bạn nam này thể hiện kiểu sống “vô lối” trong trường.
Đầu tiên là việc nhiều học sinh trong lớp bị trêu ghẹo, làm phiền. Tiếp theo, hành vi chọc ghẹo “leo thang” đến cả thầy giáo nước ngoài. Đỉnh điểm, nam sinh đã viết giấy nội dung “gợi tình” tới các học sinh nam và giáo viên nam ngoại quốc, khiến cả lớp, cả trường và gia đình hay chuyện. Nhưng bạn nam ấy thản nhiên phản pháo: “Em chỉ muốn thử xem cảm giác của người khác thế nào khi bị gạ tình thôi!”…
Cho rằng bạn nam còn nhỏ và chưa nhận thức đầy đủ về hành vi của mình, giáo viên và nhà trường chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Nhưng điều khiến chị T.N., giáo viên chủ nhiệm và hội phụ huynh bức xúc nhất, chính là thái độ thờ ơ, dửng dưng của cha mẹ bạn nam. Mẹ học sinh này đã hồi đáp sự việc trên bằng câu: “Vậy hả?” rồi để mọi thứ trôi vào im lặng, không hề có động thái trò chuyện, giải thích hay xin lỗi giáo viên, học sinh “bị hại”.
Thấy hội phụ huynh nhắc nhở nhiều lần, người mẹ này phản biện: “Đây là chuyện bình thường, tự nhiên, các phụ huynh nên học cách chấp nhận”. Vì lẽ đó, cậu học sinh nam rêu rao, đắc ý với bạn bè: “Đấy! Các bạn thấy chưa? Tui cũng đâu bị hạ hạnh kiểm, khiển trách hay đuổi học gì!”.
Chị T.N. chia sẻ, hội phụ huynh vừa thấy bạn nam đáng trách, vừa thấy đáng thương, vì “không hiểu cha mẹ bạn nam ấy đang dạy con kiểu gì!”.
Ảnh mang tính minh họa – Our-Team |
3 bước cải thiện nền tảng gia đình
Nhiều người cho rằng, giáo dục gia đình hay nền tảng gia đình đang mất dần vị thế trong việc ảnh hưởng tốt đẹp đến nhân cách con cái. Đã đến lúc cần tái lập lại “nền tảng gia đình” góp phần giáo dục con cái chuẩn chỉnh hơn qua những gợi ý sau:
Học làm cha mẹ tiến bộ
Để cải thiện nền tảng gia đình, cách giáo dục con, nên bắt đầu từ phụ huynh. Trước khi lập gia đình, sinh con, chúng ta cần học làm cha mẹ – những cha mẹ tiến bộ, có kỹ năng dạy dỗ, chăm sóc và tạo được nền tảng tốt đẹp để phát triển nhân cách con khi sinh ra.
Đừng làm “tấm gương mờ”
Thực tế, nhiều cha mẹ trong gia đình không phải tấm gương sáng cho con noi theo. Chẳng hạn, cha mẹ cư xử bạo lực, nói tục, chửi thề, không biết quan tâm, chăm sóc người khác… đã “bắc thang” cho con nói năng hỗn hào, thiếu văn minh và trở thành “tâm điểm” của sự khinh ghét trong mắt bạn bè.
Biết nhận trách nhiệm
Nhiều bậc cha mẹ luôn tỏ ra bận rộn, nghĩ rằng mình cật lực làm việc để có điều kiện tốt cho con và đẩy hết trách nhiệm giáo dục con sang phía nhà trường, kiểu “trăm sự nhờ thầy cô”. Cho con học bán trú cả ngày, tối về bắt học thêm đến muộn, khiến con không có thời gian trò chuyện, thư giãn hay vui chơi, nghỉ ngơi cùng gia đình, cha mẹ cũng không lấy đâu ra thời gian để quan sát và dạy bảo con.
Khi đứa trẻ bất ổn, phụ huynh nhận ra vấn đề, nhưng lại đổ lỗi tại nhà trường, tại xã hội… mà không quy trách nhiệm về mình, không ý thức chính mình đẩy mọi thứ đi xa như vậy.
Sai lầm thì phải tìm cách sửa chữa, chính cha mẹ chứ không phải sách vở, trường lớp nào có thể cứu vãn tình thế và giúp con hoàn thiện hơn.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cha-me-bat-on-a1481794.html” name=””]