Khi không còn đặt nặng mệnh giá tờ tiền lì xì thì khi đó phong tục lì xì mới thật sự trở về ý nghĩa truyền thống. Khi đó lì xì không còn là gánh nặng mà bay bổng niềm vui.
Niềm vui nhận lì xì là một phần tết của của con trẻ (Ảnh minh họa) |
Tôi nhớ những ngày tết khi còn bé, cầm đồng tiền trên tay mà vui biết bao nhiêu. Những đồng tiền mới tinh mà người thân đã để dành từ lâu lắm đợi dịp tết đến xuân về đặt vào tay mừng tuổi cho trẻ em.
Đó chỉ là 1, 2 ngàn đồng. Những đồng tiền ấy ba mẹ tôi không bao giờ hỏi đến, thường chị em tôi kẹp trong tập sách ngắm nghía mãi mới dám tiêu. Năm nào mẹ mua cho con heo đất thì tiền lì xì, tiền mẹ thưởng điểm 10, tiền ông bà cho khi ngồi nhổ tóc sâu… tôi đều bỏ vào heo đất.
Tiền ấy có khi mẹ “mượn tạm” lúc nào không hay biết hoặc là mỗi dịp cuối năm đập heo đi chợ mua một món gì đó cho mình, cũng có thể để dành đến đầu năm học thì mua khăn quàng, dép nhựa…
Ngày ấy không ai đếm tiền lì xì. Tết đến nhà nhau chúc tết rổn rảng nói cười là quý lắm, trẻ con bày tiền lì xì ra hiên nhà đếm đếm reo hò khoe với bạn bè trong tiếng cười của người lớn.
Lì xì vốn là một phong tục đẹp nhưng dần dà đã bị biến tướng. Trong mỗi phong bao lì xì có khi là trả nợ, có khi là cảm ơn, có khi là gửi gắm nhờ vả, thành ra phong bao lì xì vốn nhẹ bẫng, vốn háo hức xôn xao có khi lại trở thành gánh nặng, thành tấm thành món lo toan của người lớn trong nhà.
Tôi nhớ năm đầu tiên về làm dâu nhà chồng. Ngày mùng Ba tết họ hàng con cháu đến chúc đông vui lắm, hôm ấy tôi đã chuẩn bị rất nhiều phong bao lì xì cho các cháu nhỏ. Vài cháu nhận được lì xì liền mở ngay ra và nói rằng: “Thím lì xì bằng một nửa chú mọi năm. Chú lấy vợ là bọn mình thiệt rồi!”.
Tôi lặng người, phần vì ngại với họ hàng, phần vì không biết từ khi nào người ta không còn dạy cho trẻ nhỏ đem bao lì xì về nhà rồi hãy mở, dạy con cái mình rằng đó chỉ là món tiền tượng trưng mừng tuổi và chúc may mắn cho năm mới. Sau này mỗi chuyến về quê, món tiền lì xì cho đàn cháu đông đúc thành tấm thành món trong khoản tài chính dự kiến chi dùng.
Nhiều người đưa ý kiến bỏ hẳn lì xì để những người công nhân xa xứ mỗi dịp về quê nhẹ nhàng cất bước, những năm kinh tế khó khăn bạn bè đến thăm nhau mà không phải băn khoăn bỏ bao lì xì bao nhiêu tiền. Ít hơn bạn lì xì cho con mình thì sợ mang tiếng keo kiệt, mà nhiều hơn thì lấy đâu ra, tết nhất cả trăm khoản chi tiêu hai bên nội ngoại.
Có năm, một công ty sách đưa ra ý tưởng ngày tết lì xì bằng sách, vừa ý nghĩa lại vừa gây dựng văn hóa đọc. Nhưng xem ra những người hưởng ứng không nhiều.
Tôi nhớ một dịp tôi đến chúc tết nhà sếp cũ. Sếp tôi mua những phong bao lì xì rất đẹp mừng tuổi tôi và anh em đồng nghiệp. Sếp cũng gửi thêm những phong bao lì xì cho các con tôi ở nhà. Về nhà mở phong bao ra bên trong có tờ 2 đô la mới cứng. Dẫu biết lì xì bằng ngoại tệ là không hợp lắm với phong tục nước ta, nhưng đồng tiền đó tôi giữ mãi và nhớ mãi bởi vì người tặng rất thương quý mình khi mình còn làm việc ở công ty, vì kèm theo phong bao lì xì là những lời hỏi thăm, lời khuyên, lời chúc thật ý nghĩa.
Lì xì theo tôi vẫn là một phong tục cần gìn giữ, bởi khi cầm đồng tiền trên tay con trẻ được dạy về giá trị của đồng tiền, biết sử dụng đồng tiền lì xì ý nghĩa để nhiều năm sau còn nhớ đến, bởi niềm vui trong veo không vụ lợi của trẻ con.
Khi con gái tôi chào đời, những cái tết đầu tiên con chưa biết giữ bao lì xì vợ chồng tôi vẫn bỏ vào bao những đồng tiền mới, mệnh giá nhỏ thôi, kèm theo một tờ giấy nhỏ ghi lời chúc của ba mẹ, đến bây giờ phong bao ấy vẫn còn được giữ cẩn thận và con gái tôi nói rằng sẽ giữ mãi mãi sau này.
Phong bao lì xì đầu tiên của con gái, tôi còn giữ cẩn thận đến bây giờ |
Muốn giữ lại phong tục đẹp ấy thì người lớn nên chỉ dạy cho các con ý nghĩa của bao lì xì, không nên bàn tán về mệnh giá tiền khi mở phong bao. Khi không còn đặt nặng mệnh giá tờ tiền lì xì thì khi đó phong tục lì xì mới thật sự trở về ý nghĩa truyền thống. Khi đó lì xì không còn là gánh nặng mà bay bổng niềm vui mừng tuổi đầu xuân.
Hoàng Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/li-xi-khi-nao-thoi-la-ganh-nang-a1482379.html” name=””]