Thinis là một thành phố đã chìm sâu trong quên lãng của nhân loại, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thủ đô đầu tiên của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Quay trở lại lịch sử xa xưa nhất của Ai Cập, trước Thebes và Memphis, trước tượng nhân sư và các kim tự tháp Giza vĩ đại, là giai đoạn đầu của triều đại Ai Cập. Giai đoạn này sau sự thống nhất của Thượng và Hạ Ai Cập vào khoảng năm 3.100 trước Công nguyên, là thời khắc trọng đại đầu tiên của một vương quốc tồn tại hàng thiên niên kỷ.
Các triều đại ban đầu có vẻ xa lạ với chúng ta khi so sánh với các truyền thống quen thuộc của Ai Cập sau này.
Những vị vua đầu thời kỳ đồ đồng này cai trị từ thủ đô Thinis của họ. Thủ đô huyền thoại này được coi là thủ đô đầu tiên của Ai Cập cổ đại, đã được các nhà sử học và linh mục Ai Cập sau này chứng thực, nhưng thế giới hiện đại vẫn không biết nó cụ thể đang nằm ở đâu.
Các tác giả cổ đại như Manetho, một linh mục Ai Cập sống trong thời kỳ Ptolemaic, đã đề cập đến Thinis trong các tác phẩm của mình. Thành phố đã mất này cũng đã được đề cập đến trong một số văn bản tôn giáo như “Cuốn sách Tiến lên theo Ngày”, hay còn được gọi phổ biến hơn là “Cuốn sách về Người chết của Ai Cập”.
Một số nhà khảo cổ cho rằng thành phố này có thể nằm gần Abydos hoặc trong thành phố Girga hiện đại, nhưng vị trí chính xác của nó cho tới nay vẫn còn là một bí ẩn.
Mặc dù vị trí chính xác của Thinis vẫn chưa được khám phá, nhưng có thể chắc chắn rằng nó nằm gần Abydos, một trong những thành phố cổ nhất của Ai Cập. Điều này cho thấy thủ đô đầu tiên của Ai Cập được bao quanh bởi các sa mạc khắc nghiệt của Bắc Phi.
Vương triều thứ nhất của Ai Cập được bắt đầu với một người đàn ông mà Manetho gọi là Menes. Vị pharaoh này là thủ lĩnh của Liên minh Thinite, một liên minh bộ lạc của nơi sau này được gọi là Thượng (miền nam) Ai Cập.
Menes thống nhất Thượng và Hạ (phía bắc) Ai Cập và biến liên minh của mình thành một vương quốc chạy dọc theo chiều dài của sông Nile, và có lý khi cho rằng ông đặt kinh đô gần nơi ông xuất thân.
Sau sự hỗn loạn của triều đại thứ hai của Ai Cập, vào thời của triều đại thứ ba từ năm 2.650 trước Công nguyên, thành phố này bắt đầu thu hẹp nhanh chóng. Các pharaoh mới đã cố gắng tìm cách lập lại trật tự của đất nước và thành lập một thủ đô mới gần đó mà họ gọi là Memphis.
Thinis, với tư cách là quê hương của các pharaoh của triều đại thứ nhất và thứ hai, sẽ là một thành phố có ý nghĩa to lớn. Việc xây dựng Thinis có thể tương tự như các thành phố Ai Cập cổ đại như Nekhen.
Là một trung tâm quân sự và chính trị, Thinis sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thống nhất bằng cách cung cấp lương thực, vũ khí cũng như quân đội cho các pharaoh. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết chắc liệu Thinis có nghĩa địa của riêng mình hay không, do hầu hết lăng mộ của nhiều vị vua đầu triều đại đều nằm ở Abydos.
Theo các nguồn tài liệu, Thinis là một thành phố giàu có. Ngay cả sau khi thành phố bị Memphis thay thế làm thủ đô của Ai Cập cổ đại, nó vẫn rất giàu có. Vào cuối triều đại của Thutmose III, pharaoh thứ 6 của vương triều thứ 18 trị vì 1.500 năm sau khi thành lập Ai Cập, thuế hàng năm áp dụng cho Thinis được ghi nhận là 6 deben (một deben khoảng 91g) vàng, nửa deben bạc cùng các loại gia súc, ngũ cốc và mật ong…
Của cải mà Thinis sở hữu suốt những năm sau đó vẫn cao hơn của Abydos – Abydos chỉ phải trả ba bao ngũ cốc hàng năm, so với 65 bao ngũ cốc từ Thinis. Những loại thuế như vậy là bằng chứng về sự giàu có mà thành phố Thinis tiếp tục tạo ra trong suốt lịch sử Ai Cập.
Điều này vẽ nên bức tranh về Thinis với tư cách là một thành phố phồn vinh, mặc dù không còn là thủ đô, nhưng vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng qua các triều đại Ai Cập kế tiếp.
Các tài liệu cổ từ Manetho đã tạo ấn tượng về một thành phố nổi tiếng về sự giàu có cho tới tận cuối thời Ptolemaic, khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Hơn nữa, loại thuế có thể cho chúng ta biết điều gì đó về thành phố. Trong khi Thinis chắc chắn là một trung tâm tôn giáo, các loại thuế cho thấy giá trị vật chất chính của thành phố và các vùng đất xung quanh là đất nông nghiệp.
Hầu hết người Ai Cập cổ đại là nông dân và thường gắn bó với đất đai của họ. Họ sống trong những ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu như gỗ và gạch bùn, và chỉ những cấu trúc quan trọng như lăng mộ và đền thờ có ý nghĩa tồn tại lâu hơn mới được xây bằng đá thay vì gạch bùn.
Thành phố Thinis đã được chứng thực rõ ràng trong một số nguồn tài liệu về Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, vị trí chính xác của nó vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng ta, cũng như điều gì cuối cùng đã xảy ra với thành phố lớn đầu tiên này của Ai Cập.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Thinis đã tồn tại. Những gì còn sót lại của thành phố và những bí mật mà nó có thể cho chúng ta biết về các pharaoh đầu tiên đang chờ đợi chúng ta ở đâu đó dưới cát.
Nguồn: Esploaioni Geografiche; Earthlymission; OggiScienza
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/dau-la-thu-do-dau-tien-cua-ai-cap-co-dai-20221230134948779.chn” name=””]