Mất người thân có lẽ là trải nghiệm kinh khủng nhất của đời người. Nó khiến cho ai nấy phải bàng hoàng, thảng thốt. Người ta thường hối tiếc về những điều chưa kịp làm với nhiều day dứt.
Đứa em khoe hình dĩa nhộng tằm xào lá chanh vào nhóm trò chuyện của gia đình. Chồng chị kêu lên, lâu lắm không thấy món này ở bàn ăn nhà mình, sao kỳ vậy ta. Chị im lặng, bởi từ ngày ba mất, có vài thứ, chị thật sự chưa đủ can đảm đối mặt.
Kiểu như, ngày ba chị phát hiện mắc bệnh nan y, chị có nấu canh chua cá với bắp chuối và cơm mẻ. Ba chị bảo, trông ngon quá, mà bụng đau không ăn được. Chị động viên ba cố lên, chịu khó thuốc thang cho khỏe, rồi con nấu cho ba ăn nhé!
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Có ai ngờ, ba chị chẳng còn dịp nào để nếm tô canh bình dân ấy. Nên giờ chỉ cần nhìn thấy cái bắp chuối bày bán ở hàng rau thôi là chị thấy lòng mình se lại, một nỗi gì như khổ tâm cứ tràn ngập, chưa biết khi nào mới có thể nguôi ngoai.
Hoặc khi ngang qua con đường mà hồi trước chị từng chở ba đi khám đông y, bệnh viện nơi ba mổ và không qua khỏi, khúc quanh mà chị dỗ dành ba hãy gắng gượng… tất cả đều khiến chị rưng rưng muốn khóc. Đấy là sau này, chứ ngày ba mới rời đi, nước mắt chị cứ trào ra một cách vô thức.
Mất người thân có lẽ là trải nghiệm kinh khủng nhất của đời người. Nó khiến cho ai nấy phải bàng hoàng, thảng thốt. Người ta thường hối tiếc về những điều chưa kịp làm, đặc biệt là dành cho người đã khuất với nhiều day dứt. Chị có cảm giác như mình đã quên dành thêm thời gian cho ba, đã bận rộn mưu sinh mãi, đã lần lữa một cách đáng trách… Bao nhiêu là nỗi niềm.
“Ta thật sự không biết lúc nào sẽ bị trừng phạt”. Một người bạn thổ lộ với chị câu ấy, khi chia sẻ với nhau nỗi chênh vênh khi mẹ bạn qua đời. Chị khẽ chạm vào tay bạn như vỗ về, cùng im lặng nhìn ra phố. Năm mới rồi, ai nấy thêm một tuổi nữa. Đời người vùn vụt, mà khi quỹ thời gian còn dư dả, ít ai biết quý. Câu nói tưởng văn hoa sáo rỗng ấy, chị giờ mới thấm thía.
Còn nhớ năm trước chị đưa ba và 2 con ra phố đón Giáng sinh, ngang qua vài nẻo đường, nào biết đấy là mùa Noel cuối cùng của ba.
Người ta sống vội quá, để khi chậm lại thì thường kèm theo không ít nuối tiếc. Đối diện với vài món đồ lặt vặt của ba, chị cứ phân vân, nửa muốn giữ đó, nửa sợ mình mãi rồi không an được. Sau chót, chị tự hứa với lòng, là sẽ sống thật nhẹ nhõm, để ba yên tâm. Bởi chẳng ai muốn người thân của mình chìm đắm trong những ký ức lẫn lộn, với những cảm xúc đau buồn.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Chị nhìn lại một năm dài, với nhiều biến cố đã qua. Tự nhủ, cuối cùng rồi mình đã biết buông bỏ những đơn hàng, các cuộc vui chơi rong ruổi, những dịp tụ tập, để quay về. Chỉ để ngồi bên chiếc bàn ăn, đợi đón lũ trẻ tan học. Hay nhìn mớ cây cối đang dần xanh tốt ngoài ban công, với ý nghĩ: nếu ba mình còn, chắc ba sẽ vui lắm với đám bông mười giờ, bụi lá vối, chanh, ớt này…
Chiếc điện thoại của ba chị nằm im lìm trong ngăn kéo. Số điện thoại có khả năng sẽ bị nhà mạng xóa bỏ. Chẳng bao lâu nữa, ký ức về ai đó sẽ không còn tồn tại, biến mất sạch sẽ thật ư? Chị không tin thế. Cuộc sống vẫn tiếp nối, ồn ã như cách nó vốn thế, và việc ai kia rời đi sẽ khiến người ta thêm trân trọng từng khoảng thời gian bên nhau nhiều hơn. Phải rồi…
Hoàng My
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/song-nhe-cho-ba-yen-long-a1482925.html” name=””]