Tết năm nào má cũng mua vài kí nếp về gói bánh tét. Rồi muối dưa cải, củ kiệu… Nhà đông con, mấy chị em làm một buổi là xong việc.
Họ hàng xúm xít gói bánh. Ở quê, vậy mới là tết (Ảnh minh họa) |
Tiễn má về quê, tôi thuê chiếc taxi 7 chỗ mới chở hết thùng to thùng nhỏ, túi lớn túi bé của má. Má hớn hở: “Nhiêu đây là đủ ăn tết, con đừng mua thêm gì nghen”. Tôi càu nhàu: “Hết cả tháng lương của con. Má muốn mua nữa con cũng không có tiền”. Tôi nói vậy thôi, biết thế nào má cũng điện lên, nhắc tôi còn thiếu thứ này thứ kia. Tôi hiểu cảm giác của má, thiếu thứ gì đó dù nhỏ thôi, nhưng với má dường như tết sẽ không trọn vẹn.
Trong mớ đồ lỉnh kỉnh của má là hơn chục hộp mứt, bánh qui, bánh đậu xanh, lạp xưởng, mấy thùng dầu ăn, nước tương… Ở nhà ăn không bao nhiêu, chủ yếu là má mang biếu bà con họ hàng. Má nói tết nhất biếu qua biếu lại mới vui, mới giống tết.
Má lên xe rồi, tôi còn dặn với theo: “Má đừng làm gì nặng, coi chừng cột sống của má”. Má gật gật cho tôi yên lòng, nhưng tôi biết đời nào má chịu ngồi yên. Thế nào má cũng bắt ghế lau cửa sổ, cửa cái, quét mạng nhện. Rồi thì giặt áo gối, mùng mền. Tấm nệm không hề nhẹ, má cũng ráng kéo ra thềm phơi nắng. Đầu năm, mọi thứ phải sạch sẽ, tinh tươm mới đúng ý má.
Trước đó cả tháng, má đã chà rong sân trước, vô đất vô phân mấy chậu mai, rồi tỉa nhánh mấy cây mận, bưởi ở góc sân. Nghe má điện lên khoe sân nhà bữa nay sáng sủa, ăn tết được rồi, là tôi biết má đã vã mồ hôi dọn dẹp.
Nhiều lần tôi can má, đòi thuê người làm. Má giãy nảy phản đối. Dọn tết với má là niềm vui. Túc tắc nay dọn cái này, mai dẹp cái kia. Nhìn nhà cửa sáng sủa, tươi mới, lòng má đã rộn ràng.
Má làm nhiều dưa kiệu để biếu lối xóm (Ảnh minh họa) |
Tết năm nào má cũng mua vài kí nếp về gói bánh tét. Rồi muối dưa cải, dưa món, củ kiệu… Hồi đó nhà đông con, mấy chị em xúm vào làm một buổi là xong việc. Giờ mấy chị em đi xa, má đâu chịu bó tay. Nhà dì Năm, cô Bảy, cô Tám… bên hàng xóm cũng cảnh nhà vắng cháu con. Mấy bà già rủ nhau đổi công, nay làm cho nhà này, mai tới nhà kia để nhà nào cũng có tết.
Nhớ những năm tôi còn nhỏ, sắp tết là má thả nuôi gà vịt, rồi trồng bông thọ, cúc mâm xôi… Má dặn mấy chị em ráng chăm bầy gà vịt, chăm tưới rau tưới bông để tết có áo mới, có thịt kho. Tết năm đó ba đi làm đồng bị đứt chân khá nặng, phải may mấy mũi. Tiền để dành ăn tết đổ vào thuốc thang cho ba. Mấy chị em xót ba đau đã đành, còn tiu nghỉu vì mất tết. Ba thở dài, an ủi: “Mấy má con ráng chịu cực một năm, năm sau nhà mình ăn tết bù”. Má tủm tỉm cười, lấy ra con heo đất. Mấy chị em tôi hớn hở đập heo, rồi tranh nhau nhặt tiền. Mớ tiền dành dụm của má đủ mua thịt kho và bánh mứt cúng ông bà.
Nhiều năm sau này, tôi vẫn nhớ ánh mắt ba lấp lánh vui khi nhìn má. Lời cảm ơn của ba chỉ bằng nụ cười nhưng với má đã là lời khen tặng. Má hay dạy mấy chị em: “Đàn bà phải nhìn trước ngó sau, lúc no đủ cũng phải phòng khi thiếu thốn. Có vậy đàn ông mới nể mình”…
Đợt này má lên khám bệnh, sẵn tiện tôi dắt má đi sắm tết. Má đã học cách chấp nhận món người ta làm, thay cho món nhà làm. Má cầm cái này cái kia lên xăm soi rồi tấm tắc: “Thứ gì siêu thị cũng có, hay quá con”. Tôi để má thoải mái lựa chọn, mua sắm. Tôi hiểu cảm giác ngày cuối năm đi sắm tết cũng là niềm vui. Căn bếp đủ đầy là hạnh phúc bé mọn của người đàn bà.
Ngày xưa, tết của má là dọn dẹp, làm món này món kia. Giờ tết của má là được sắm sửa. Còn tết của tôi là được thấy má cười… Mỹ Mỹ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tet-cua-ma-la-tat-bat-mua-sam-tet-cua-toi-la-duoc-thay-ma-cuoi-a1481602.html” name=””]