Con người ta bao nhiêu tuổi cũng cần có má. Đi đâu về đâu rồi cũng quay về nhà. Nhà có má, ở đó luôn có mùa xuân.
Tết nào má cũng hì hục làm này làm kia không chỉ cho tết mà còn để tôi mang đi (Ảnh minh họa) |
Những ngày cuối năm, công việc luôn bộn bề: làm báo cáo tổng kết, xét thi đua, giải quyết những tồn đọng của năm cũ… Nghĩ tới món tiền còm thưởng tết, tôi rối ruột không biết rồi mình sẽ sắm tết kiểu gì, biếu nội ngoại ra sao.
Tối qua má điện, má con dông dài chuyện tết nhất, sắm sửa. Dường như đoán được nỗi lòng tôi, má nói: “Gà vịt má thả nuôi mấy tháng rồi, rau trái cũng không thiếu, con đừng mua thêm gì. Vợ chồng con về ăn tết với má là đủ vui rồi”. Tôi chợt ngậm ngùi. Má không ở gần, tôi cũng chưa từng thở than chuyện thiếu hụt với má. Nhưng bằng trái tim người làm mẹ, má biết tôi vui buồn, thiếu đủ ra sao…
Nhớ năm ngoái sau mấy tháng dịch dã, vợ chồng tôi đều bị giảm việc, giảm lương. Căn nhà đang trả góp thì không giảm đồng nào. Vợ chồng đang rầu thúi ruột thì má lên, xách lỉnh kỉnh gà vịt, rau trái, cả 2 bao gạo to đùng. Má dúi cho tôi xấp tiền, bảo cầm tạm để xoay xở. Những tờ tiền được má gói trong mấy lớp giấy báo, cột lại bằng dây thun. Tôi biết đó là tiền má gom góp từng buồng chuối, con gà, mớ cá dưới ao… Tôi sao nỡ cầm tiền của má. Vậy mà lúc má về rồi, tôi phát hiện xấp tiền nằm lại dưới gối của má. Tôi bật khóc. Từng tuổi này tôi còn để má bận lòng.
Tôi từng tự tin mình thành đạt, giỏi giang. Nhưng đứng trước những thất bại, tôi rút vào vỏ ốc của mình trong mặc cảm, bẽ bàng. Má vẫn ở đó, choàng tay về phía tôi, để tôi thấy thất bại đó chẳng là gì. Có má ở đây rồi, tôi sẽ ổn thôi.
Nhớ những ngày giáp tết về nhà má. Cảm giác lo âu, muộn phiền như thể đã rơi đâu đó trên đường về. Bước chân vào ngõ đã thấy hàng mai vàng rực êm đềm trong sân. Con cún má nuôi biết hơi người quen nên vẫy đuôi, nhảy nhót reo mừng. Bàn trà được má trải tấm ni lông mới, chưng cặp dưa hấu dán giấy đỏ. Bàn thờ ba cũng đã trang hoàng với bình hoa, đĩa quýt hồng, bánh mứt.
Má đang xào nấu gì đó trong bếp. Mùi thức ăn thơm lừng. Không dưng, tôi thấy lòng bình yên quá đỗi. Chỉ cần trở về nhà, ở cạnh má, sóng gió ngoài kia bỗng thành nhỏ bé.
Trên kệ bếp của má lủ khủ dưa kiệu, dưa cải, chuối khô ngào đường, mứt me… mỗi thứ đều có 2 phần. Tôi biết phần thứ hai kia má dành cho tôi mang đi. Nghĩ cảnh má cặm cụi cả ngày để lặt kiệu, lột vỏ me… tôi rưng rưng. Má vì thương mà làm. Phải chăng người mẹ nào cũng vậy, chỉ một hướng quay về phía những đứa con, như hoa hướng dương chỉ xoay về phía mặt trời, miệt mài tỏa hương.
Về nhà, lòng tôi bỗng bình yên quá đỗi (Ảnh minh họa) |
Tôi nhớ anh bạn đồng nghiệp, sau tai nạn giao thông, anh bị liệt hai chân, không còn tự chủ việc cá nhân. Vợ anh nản lòng, ôm con bỏ đi. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Tới thăm anh, tôi không dám nhìn thẳng vào ánh mắt vô hồn, ánh mắt của người tuyệt vọng.
Má anh dịu dàng lau mặt, dỗ anh từng muỗng cháo. Bà động viên: “Ráng ăn đi con, rồi tập đi. Con còn trẻ, hồi phục mấy hồi”. Ánh mắt bà mẹ nhìn anh đầy yêu thương, tin tưởng.
Lúc má anh tiễn tôi ra cửa, bà để mặc những giọt nước mắt rơi. Tôi chỉ biết ôm bà nghẹn ngào. Bà chỉ cứng rắn trước mặt anh thôi, lòng mẹ nào chẳng đau khi đứa con 40 tuổi đầu phải nhờ mẹ đút cơm, thay tã…
Mấy tháng sau tôi ghé lại. Anh khoe đã gượng đứng lên được vài phút. Má anh nói tết này sẽ mua chiếc xe lăn, bà sẽ đẩy anh đi dạo đường hoa, xem người ta ăn tết.
Mà từ đây tới đó, không chừng anh nhút nhắc đi lại được rồi… Câu chuyện về ngày mai đầy hy vọng, khiến tôi cũng vui lây. Tai nạn khiến anh mất đi nhiều thứ, nhưng anh còn có má ở bên. Chính má đã cho anh sức mạnh và niền tin để đứng lên lần nữa, giúp anh tìm lại bản thân sau bao tuyệt vọng.
Con người ta bao nhiêu tuổi cũng cần có má. Đi đâu về đâu rồi cũng quay về nhà. Nhà có má, ở đó luôn có mùa xuân.
Đức Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nha-co-ma-la-co-mua-xuan-a1483481.html” name=””]