Tôi hẹn giáo sư Trương Nguyện Thành nhưng không nói về những điều to tát như tên tuổi của ông, mà là câu chuyện về cha và con trai – chàng trai tên Takara, vừa tốt nghiệp đại học, từng cùng ông đạp xe từ TPHCM đến Quảng Bình. Hình ảnh vị giáo sư bỗng trở nên rất khác khi nói về hành trình lớn lên cùng con qua những đoạn tuổi trục trặc, nổi loạn; mà nói như ông, hành trình đó “dễ lắm”.
Giáo sư Trương Nguyện Thành và con trai trong chuyến xe đạp Sài Gòn – Quảng Bình tháng 6/2018 |
Phóng viên:Giữa ông và con trai có khoảng cách thế hệ không, thưa ông?
Giáo sư Trương Nguyện Thành: Tôi cho là có nếu đó là khoảng cách tuổi tác. Tôi vẫn luôn thấy có quá nhiều sự khác biệt trong cách lớn lên, tương tác xã hội và trưởng thành của tôi và con trai. Thời trước, mình khó khăn tự lập, bươn chải để có thể học và kiếm sống. Thời của con, mọi thứ hiện đại hơn nhưng cũng đâu thiếu các áp lực. Sẽ rất khiên cưỡng khi ra rả với con rằng “ngày xưa ba thế này…”. Đó thực sự là chuyện của ngày xưa.
Khoảng cách thế hệ có vẻ như một ranh giới chúng ta tự đặt ra để giới hạn giữa mình và con, nhưng thực tế, với cha con tôi bây giờ, chúng tôi như 2 người bạn. Có lần tôi hỏi: “Con có lần đầu tiên với bạn gái chưa?”, cậu ấy giãy nảy vì mắc cỡ, nhưng tôi rất thoải mái và tự nhiên khi nói: “Nhớ bảo vệ cho bạn gái của mình nghen và bảo vệ cả con nữa. Hãy dùng các biện pháp an toàn khi gần gũi nhau”. Tôi luôn cởi mở như thế và con sẽ luôn cởi mở với tôi.
Takara hỏi tôi: “Hồi sinh viên ba có say xỉn không?”. Tôi thành thật là hồi sinh viên thì không, còn bây giờ thì có. Cứ thế chúng tôi tâm sự cùng nhau, cởi mở chân tình, không áp đặt. Cha và con rất hay xung đột, vì chúng ta thường áp đặt.
* Vậy những người làm cha mẹ phải làm sao để những đứa trẻ không khóa cửa phòng và xem phòng riêng như “nhà” của chúng?
– Cứ để con có không gian riêng, tôn trọng khoảng không của con nếu nó không làm gì quá đáng. Nếu sự tương tác giữa cha – con là thật, con sẽ sẵn sàng tâm sự, chia sẻ với cha mẹ. Cách của tôi là không dạy mà sẽ chỉnh từng đoạn. Cứ để con làm rồi mình đứng đó chờ và chỉnh sửa, cho nên không có xung đột thẳng thừng, vì các bạn không biết là tôi đã ngấm ngầm điều chỉnh các bạn. Takara đã xung đột với mẹ và năm 16 tuổi cũng đòi bỏ nhà đi, không sống với mẹ nữa.
Tôi không nói “con phải”, mà là “con nên suy nghĩ hướng này/con thử cách này xem sao”. Tôi chỉ mở ra cho con các lựa chọn và để con tự chịu trách nhiệm với các quyết định của con, dù đôi khi tôi có thể nhìn thấy kết quả. Tôi đủ kiên nhẫn chờ kết quả, có kết quả rồi nói tiếp, dù biết con chọn sai. Có thể con trễ 1 năm, nhưng 1 năm chẳng là gì so với một đời.
Thêm nữa, mình tự hỏi mình, chúng ta tin con đến thế nào. Khi con cảm nhận được niềm tin từ chúng ta, các cánh cửa phòng sẽ được mở ra.
* Vậy để những đứa trẻ không khóa cửa phòng, phía cần thay đổi là cha mẹ?
– Đúng. Chúng ta chỉ cần thay đổi cách tiếp cận con cái. Mỗi đứa trẻ có thể có những tính cách riêng, nhưng một số nguyên tắc vẫn giống nhau.
Trong đó, nguyên tắc bất di bất dịch là con lúc nào cũng quan sát cha mẹ và bắt chước. Con cái lúc nào cũng muốn làm cho cha mẹ vui nên tôi luôn sống thực với mình và cũng không bắt con phải sống khác. Con có cuộc sống của con, không có nhiệm vụ giải quyết những hào quang, hãnh diện gì của cha mẹ.
* Ông từng chia sẻ rằng con trai ông có mục tiêu trở thành giáo sư như cha. Mục tiêu đó có ảnh hưởng từ ông?
– Takara nói bạn ấy muốn trở thành giáo sư vì thấy được việc làm của tôi. Trong chuyến đạp xe cùng tôi đến Quảng Bình, lần đầu bạn thấy cha mình cũng rất “ra gì” khi đứng nói chuyện cùng sinh viên đại học Huế. Bạn quan sát tôi, bạn thấy các sinh viên được truyền cảm hứng từ tôi, thấy tôi có thể ảnh hưởng đến họ. Khi làm giáo sư, có thể có 1 câu nói ảnh hưởng đến cuộc đời của 1 người trẻ nào đó một cách tích cực, đó chắc chắn là một giá trị, không tính bằng tiền. Con trai tôi chỉ quan sát cách tôi làm và tự trả lời cho bạn câu hỏi “bạn thích làm gì” chứ tôi chưa bao giờ tư vấn, hướng dẫn hay áp đặt lên suy nghĩ của con chuyện học hành hay công việc.
* Để được như thế, ông phải luôn ý thức việc làm gương cho con?
– Ôi, làm cha như thế thì áp lực quá, làm sao làm được. Tôi sống theo kiểu tôi muốn sống. Tôi vẫn nói với con: “Ba cũng là con người, cũng có những góc ba không hoàn hảo đâu. Có rất nhiều thứ khiến ba không thể cho con được một cuộc sống như ba muốn”. Và thực sự, việc ly hôn cũng là một góc không hoàn hảo của tôi, để con hiểu rằng cha nó cũng rất bình thường với muôn vàn hỉ nộ đời thường.
Giáo sư Trương Nguyện Thành đạp xe xuyên Việt tháng 10/2022 |
* Và chúng ta vẫn cần một số nguyên tắc giữa mình với các bạn trẻ đúng không, thưa giáo sư?
– Tôi có vài nguyên tắc trong hành trình lớn lên cùng con. Một là tập trung vào sự kiện chứ không tập trung vào cá nhân. Sự kiện đó mang lại cho chúng ta cảm xúc gì chứ không đánh vào cá nhân, làm cho các con phải tự vệ. Câu nói “hành động này của con làm cho ba không vui” sẽ rất khác với câu nói “hành động này của con là sai”.
Nguyên tắc thứ hai là luôn cởi mở, không đánh giá đúng sai. Chỉ cần để ý hậu quả, nếu hậu quả đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của con thì con có quyền thí nghiệm. Chúng ta chỉ dạy, uốn nắn phải đúng thời điểm, khi các bạn thất bại; hoặc nếu thành công thì chúc mừng, chia sẻ niềm vui kèm lời cảnh báo, nhưng… để chuẩn bị con cho những thử thách tiếp theo.
Nguyên tắc thứ ba là làm sao con của tôi vẫn sống được kể cả khi không có sự hiện diện của tôi. Tôi vẫn luôn thử coi cách suy nghĩ của con, hành động của con để khi tôi không bên cạnh, con vẫn sống tốt và trưởng thành. Thế nên có những tình huống không tốt, tôi vẫn muốn con thử, chỉ con cách phân tích ngược để học bài học kinh nghiệm.
Dạy con, mỗi nhà mỗi khác, nhưng phải vận hành theo nguyên tắc chung. Trách nhiệm của cha mẹ là quan sát và đảm bảo sự an toàn của con, để con trưởng thành theo cách các con muốn.
* Xin cảm ơn giáo sư đã chia sẻ!
Tạ Khánh Tâm (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giao-su-truong-nguyen-thanh-ai-ma-chang-co-luc-muon-roi-nha-a1482245.html” name=””]