Các trải nghiệm du lịch nổi tiếng như cưỡi voi, chơi với cọp… được các nhà bảo vệ động vật “ghi nhận” là ngược đãi động vật.
|
Theo kết quả thăm dò do Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) rất nhiều du khách đã đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động du lịch liên quan đến động vật hoang dã. Ben Pearson, một trong những nhà quản lý chiến dịch bảo vệ động vật tại Úc nói: “Du lịch động vật hoang dã có một nghịch lý. Những người yêu động vật hoang dã sẽ đến những địa điểm này… để xem chúng biểu diễn, cưỡi chúng, xuống bể bơi với cá heo hoặc chụp ảnh tự sướng với hổ, nhưng điều họ không nhận ra là những con vật đó… đang bị đối xử rất tàn nhẫn”. Cùng điểm qua 7 loại hình du lịch động vật hoang dã khắp thế giới: |
|
Cưỡi voi, trải nghiệm với voi: Theo báo cáo năm 2017 của WAP, trong số 2.923 con voi ở 220 địa điểm du lịch châu Á được khảo sát, 3/4 sống trong điều kiện không thể chấp nhận được. Điều này bao gồm cả việc bị xích cả ngày lẫn đêm, thường là những sợi xích dài dưới 3 mét. Các buổi biểu diễn yêu cầu voi thực hiện các kỹ thuật như đứng bằng hai chân sau thường được huấn luyện nghiêm khắc và trừng phạt tàn nhẫn. Các hoạt động có vẻ lành tính như vẽ tranh hay tắm biển cùng du khách cũng căng thẳng không kém. |
|
Tương tác với hổ/sư tử: Bên cạnh trải nghiệm cho hổ ăn, du khách còn được chụp hình với hổ, vuốt ve và đi dạo với những con sư tử bị “giam cầm” ở một số quốc gia châu Phi. Sự tương tác này không tự nhiên với những kẻ săn mồi đỉnh cao, vì vậy nhiều phương pháp huấn luyện khắc nghiệt được sử dụng để giữ mọi thứ tương đối an toàn. |
|
Chạm vào động vật nhỏ: Thật khó để cưỡng lại việc ôm những sinh vật nhỏ dễ thương và chụp hình cùng chúng song điều này trái với tự nhiên và bản năng của sinh vật, khiến chúng dễ bị căng thẳng kéo dài, dẫn đến bệnh tật, tuổi thọ ngắn. Một nghiên cứu của WAP đã chứng minh con lười – một “đạo cụ” chụp ảnh selfie – của một vài khu du lịch nổi tiếng chỉ sống được 6 tháng trong khi nếu sống trong tự nhiên, chúng có tuổi thọ 30 năm.
|
|
Biểu diễn động vật hoang dã: Bắt động vật hoang dã thực hiện các động tác phi tự nhiên đòi hỏi việc huấn luyện khắc nghiệt và trừng phạt nghiêm khắc. Song song với điều đó, những con vật này cũng bị giữ trong không gian chật hẹp khi không được huấn luyện hoặc biểu diễn. Một hình thức du lịch động vật khắc nghiệt hơn là buộc động vật phải “chiến đấu” để giải trí, như đười ươi đấm bốc, đấu vật với cá sấu… |
|
Bơi cùng cá heo nuôi: Các buổi trình diễn cá heo đang mất dần sự ưa chuộng, đặc biệt là kể từ bộ phim tài liệu “The Cove” năm 2009 tiết lộ rằng một số “nghệ sĩ biểu diễn” bị bắt khỏi tự nhiên theo nhiều cách gây sốc. Nhưng bất kể nguồn gốc của chúng là gì, những động vật có vú bị nuôi nhốt này đều có cuộc sống cực kỳ phi tự nhiên. Điều đó bao gồm những hoạt động như cá heo bơi cùng con người trong các hồ cạn, kéo du khách bơi cùng bằng vây của chúng, trao những nụ hôn và được chạm vào nhiều lần…. |
|
Quà lưu niệm động vật hoang dã: Khách du lịch được khuyến cáo nhiều về việc không nên mua ngà voi vì đó là hoạt động buôn bán bất hợp pháp thế nhưng ngoài ngà voi, còn có nhiều quà lưu niệm được làm từ các bộ phận của động vật hoang dã như lông, răng, sừng, da, lông vũ và mai rùa… |
|
Ăn thịt động vật hoang dã: “Thịt rừng” là một thuật ngữ phổ biến để chỉ thịt của động vật hoang dã trên cạn ở các vùng nhiệt đới. Ở châu Á, cá mập bị ném trở lại biển sau khi bị cắt vây để lấy vi cá… Vì vậy, khi đến một quốc gia nào, khi muốn nếm thử đặc sản địa phương, bạn nên tìm hiểu xem món ăn đó làm từ nguyên liệu gì: gia cầm, gia súc hay thịt rừng…? |
An Huỳnh (theo Traveller)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-viec-tuong-yeu-thuong-hoa-ra-nguoc-dai-dong-vat-a1483489.html” name=””]