Có dịp cho con về quê, tôi được sống lại hình ảnh, ký ức và cả những nỗi niềm xưa cũ.
Mong chờ giây phút “mẻ” bánh tàn ong chín (Ảnh minh họa) |
1. Lâu lâu mới có dịp đưa con về quê chơi, tôi dắt con ra chợ “tham quan”, nhân đó mua vài món ăn dân dã hồi thơ ấu. Ghé vào một hàng bánh tàn ong, tôi nhớ ngay đến vị ngọt béo, mùi thơm thơm của bột, của trứng, của dầu…
Ở hàng bánh chuối nướng là một mùi thơm khác của cả chuối chín nướng, mùi nếp khét và mùi lá chuối ủ chiếc bánh nóng hổi vừa chín tới.
Lại ngắm nghía, chỉ trỏ cho con gái: hàng bánh dừa, bánh ít, bánh da lợn, bánh chuối chiên, bánh bò… Chỗ nào cũng nếm một chút, giảng giải vài câu cho con.
Không chỉ bấy nhiêu. Cái món cốm gạo cũng rất hấp dẫn con bé. Mỗi cây cốm vừa mở bao thì thế nào nó cũng tìm ăn miếng dừa tẩm đường trước, để tận hưởng vị beo béo, thơm thơm, ngòn ngọt.
Rồi bánh lọt nước dừa cũng ngon không kém. Những chiếc bánh xanh trắng mềm mềm ăn với nước dừa béo ngậy, nước đường thơm lá dứa, thật khó tìm được ở nơi khác. Con gái tôi ăn không biết chán.
2. Ăn những miếng bánh quê nhà làm tôi nhớ lại những miếng bánh của một thời thơ ấu nghèo khó. Hồi đó, gia đình tôi còn sống ở quê, đến mùa cấy, anh em chúng tôi thường được thưởng thức nhiều món bánh. Có thể các thứ bánh ngày ấy làm không được ngon, không được khéo như bây giờ, nhưng với chúng tôi đều là những món bánh ngon nhất, đáng nhớ nhất.
Mùa cấy, mẹ dậy rất sớm, đi cấy cho kịp con nước. Có ngày mẹ cấy “vần công” (đổi công) với các dì, các mợ; có ngày mẹ theo sự sắp xếp của các “đầu nậu” để cấy mướn. Có ngày mẹ cấy “công đôi” (cấy 2 công), mẹ mang về nhiều bánh hơn.
Đến giờ tôi vẫn có điều không hiểu. Vì sao đi cấy khá nặng nhọc (thường một buổi cấy kéo dài liên tục từ 5-6 giờ) nhưng chủ ruộng ít khi cho ăn cơm mà chỉ phát bánh?
Và vì sao, chỉ mấy cái bánh mà mẹ cũng không ăn hết lại mang về cho con?
Vậy đó, những ngày mẹ đi cấy, anh em chúng tôi có dịp thưởng thức các món bánh bò, bánh tét, bánh ít, bánh dừa, xôi đậu… Những thứ bánh dân dã ấy trong những ngày nghèo khó lại trở thành món ăn ngon lành, đáng nhớ. Chúng thơm ngào ngạt mùi bột, mùi nếp, ngọt béo nồng nàn vị đường, vị dừa… Có khi bánh còn có mùi của bùn.
Lớn lên, nhớ lại, tôi còn cảm nhận bánh của mùi mồ hôi, của dấu cần lao và cả mùi vị của tình thương yêu vô bờ của mẹ. Lắm bữa mẹ bảo không thích ăn bánh chỉ vì để đem về làm quà cho con.
3. Quê tôi giờ có nhiều thay đổi, không còn nghèo khó như xưa. Nhưng những miếng bánh dân dã, mộc mạc vẫn còn những mùi vị đặc trưng của ngày nào. Cũng chuối, cũng nếp, cũng đậu, cũng bột, cũng dừa, cũng lá chuối… thấm đẫm hương vị quê nhà và in đầy dấu cần lao. Chỉ có điều, chúng thiếu cái mùi bùn hăng hăng; còn mùi vị yêu thương thì bây giờ đã chuyển sang một kiểu khác, ví như chuyển từ mẹ sang tôi rồi chuyển đến con gái tôi vậy.
Có dịp cho con về quê, tôi được sống lại hình ảnh, ký ức và cả những nỗi niềm xưa cũ.
Tôi luôn cố truyền đạt cảm xúc, tình cảm của mình về quê hương xứ sở cho con, bởi với con mọi thứ đã quá nhạt nhòa. Chỉ hy vọng sao, qua những món bánh, sợi dây liên hệ giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa những mối thân thuộc của quê nhà vẫn còn được giữ mãi.
Nguyễn Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/banh-nha-que-a1483979.html” name=””]