Ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc có khác biệt gì với Việt Nam?
“Lễ Tết quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, đó là câu nói dân gian quen thuộc của người Việt Nam ta để thể hiện tầm quan trọng của ngày này trong tâm thức của mọi người. Nhưng ít ai biết rằng, không chỉ người Việt coi trọng ngày Rằm tháng Giêng mà ở Hàn Quốc, đây cũng được xem là ngày lễ lớn, chẳng kém gì Tết Nguyên đán. Và người dân xứ kim chi cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng để cúng Rằm tháng Giêng.
Trên kênh Youtube Hương Trần TV, chị Hương, một phụ nữ Việt sống tại Hàn Quốc, đã có những chia sẻ thú vị về ngày lễ này của người Hàn đồng thời cho người xem tận mắt chứng kiến quang cảnh khu chợ truyền thống ở thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, trước ngày Rằm đầu tiên của năm mới.
Chị Hương cho biết: “Ở Hàn Quốc ngày Rằm tháng giêng gọi là Daeboreum (대보름) và từ vài ngày trước khi đến Rằm thì rất nhiều người sẽ đi chợ mua sắm đồ để cúng bái, nấu các món ăn truyền thống”.
Quang cảnh khu chợ truyền thống ở thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Chị Hương dẫn người xem đến một khu chợ gần nhà mình. Chị nói: “Đây là khu chợ nhỏ ở gần nhà mình, 5 ngày mới họp một lần. Vào những ngày cuối tuần thì đông hơn, và đặc biệt là có nhiều du khách, người nước ngoài, đến tham quan, mua sắm. Có rất nhiều người Việt Nam nữa, nhưng hôm nay là ngày giữa tuần, nên chợ hơi vắng”.
Chợ bày bán đa dạng các loại mặt hàng, từ rau củ trái cây đến hải sản đông lạnh, đồ ăn vặt. Nhưng đặc biệt nhất là các món muối chua truyền thống và không thể thiếu các loại hạt ngũ cốc, trong đó có lạc.
Rất nhiều món muối chua được bày bán, trong đó có cả ớt muối, tôm muối, củ cải muối.
Chị Hương nói: “Đây là món củ cải muối. Bố chồng mình muốn ăn nên mình mua. Một miếng (nửa củ cải) như thế này có giá tương đương 80.000 VNĐ. Mình cũng không rõ cách người ta muối như thế nào nhưng mình thấy có vị mặn, ngọt, ăn rất ngon. Những món này người trẻ không thích ăn, chỉ những người già, lớn tuổi hoặc những người mê món ăn truyền thống mới thích ăn”.
Các loại hản sản đông lạnh.
Bánh cá nhân đậu đỏ.
“Vào ngày 14 âm lịch, trước hôm Rằm, nhiều gia đình sẽ nấu nhiều món để ăn vào ngày 15 như cơm ngũ cốc và cả nhiều loại rau. Vào đúng ngày Rằm tháng giêng thì ăn các loại hạt có vỏ cứng như là lạc, hạt dẻ, quả óc chó… Ngày này họ không ăn kim chi”, chị Hương cho hay.
Nói chung, ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn quốc, thiếu gì thiếu, nhưng không thể vắng các loại ngũ cốc.
Hạt rẻ được bày bán theo túi đã cân sẵn, có cả loại đã tách vỏ và loại nguyên hạt.
Người Hàn Quốc ăn gì vào ngày Rằm tháng Giêng?
Theo trang Asiasociety, ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc còn có tên gọi là Daeboreum, một ngày lễ truyền thống dân gian kỷ niệm ngày trăng tròn đầu tiên của năm Âm lịch.
Daeboreum, hay “Đại lễ trăng tròn”, được cho là bắt nguồn từ thời đại Tam Quốc Triều Tiên (Three Kingdoms of Korea) và được tổ chức vào ngày 15 tháng 1 của năm mới Âm lịch.
Chợ ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc luôn có các loại hạt ngũ cốc.
Được tạo ra để thúc đẩy sự thống nhất và đoàn kết, lễ hội bắt đầu vào ngày 15 tháng 1 âm lịch và kéo dài 15 ngày sau đó. Nhiều món ăn truyền thống được thưởng thức trong thời gian này. Tất cả đều bắt nguồn từ nông nghiệp, y học và thần thoại của Hàn Quốc.
Mặc dù Hàn Quốc đã chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp hơn, nhưng những nét truyền thống của ngày lễ vẫn được gìn giữ, trong đó đồ ăn thức uống đóng một vai trò nổi bật.
Buổi sáng ngày lễ bắt đầu bằng việc uống Gwibalgisul và đập hạt. Gwibalgisul hay còn gọi “rượu mài tai” trong tiếng Anh, là một loại rượu gạo ướp lạnh mà mọi người uống một hơi. Đúng như tên gọi, loại rượu này thường gây đỏ ửng tai người uống.
Theo truyền thuyết, loại rượu này bảo vệ người ta khỏi các bệnh liên quan đến tai như nhiễm trùng hoặc điếc. Ngoài ra, đồ uống đảm bảo rằng người đó chỉ nghe tin tốt trong năm đó.
Việc đập vỡ các loại hạt, được gọi là Bureomkkaegi, diễn ra trong khi mọi người cầu nguyện để tránh phát ban và các bệnh ngoài da khác. Các loại hạt có nhiều chất béo không bão hòa, giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho làn da cũng như sức khỏe. Theo truyền thống, những loại hạt này đều giữ nguyên vỏ. Khi ăn, bạn nên cắn bằng răng để mang lại may mắn. Các loại hạt thường ăn là: hạt bạch quả, óc chó, lạc, hạt dẻ, hạt thông…
Những món ăn ngày rằm phải đủ 5 loại ngũ cốc. Tùy thuộc vào khẩu vị và thói quen của từng gia đình nhưng chắc chắn phải đủ 5 loại.
Một món ăn khác được ăn trong hội Rằm tháng Giêng là Yakbap, một món ăn nhẹ làm từ gạo, các loại hạt và trái cây sấy khô. Theo Samgukyusa, một tập hợp các truyền thuyết, truyện dân gian và tài liệu lịch sử liên quan đến Thời kỳ Tam Quốc, Yakbap được tạo ra bởi Vua Bicheo.
Mạng sống của Nhà vua đã được cứu bởi một con quạ đã cảnh báo ông về một vụ ám sát của hoàng hậu và người tình. Để cảm ơn con quạ, nhà vua đã tặng Yakbap đen như một món quà vào ngày 15 âm lịch.
Vì lễ hội có nguồn gốc từ nông nghiệp nên các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như Ogokbap, cũng được ăn để cầu mong vụ mùa bội thu. Ogokbap được làm bằng lúa miến, đậu đỏ và đậu đen, kê và gạo nếp. Tất cả đều tượng trưng cho các yếu tố của một vụ mùa bội thu.
Cùng với Ogokbap, Jinchae, món rau khô từ mùa hè được người Hàn luộc và ăn. Theo dân gian, món ăn này giúp người dân xua đi cái nóng mùa hè. Thông thường, 7 loại rau được sử dụng trong món ăn là: Bí đao, nấm, hạt đậu, cây củ cải, lá củ cải, dưa chuột, vỏ cà tím.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nguoi-phu-nu-viet-ke-chuyen-di-cho-ngay-ram-thang-gieng-o-han-quoc-rat-nhieu-thu-de-mua-nhung-khong-the-thieu-mon-nay-20230204164549524.chn” name=””]