Ông đánh tiếng xin “nối lại tình xưa”, nhưng bà không chấp nhận. “Tôi còn lao động được, nuôi con khôn lớn, giờ mắc mớ gì đi làm vợ bé cho người đã có gia đình”.
Lao động giúp bà Tâm (đứng dưới đất) lúc nào cũng vui khỏe |
Qua 1 giờ trưa, đúng giờ hẹn tôi tới nhà, thấy bà Ba Tâm vẫn cầm cào tập tễnh đi theo máy cày, xuống phân chuẩn bị trồng đậu. Trời nắng chang chang, thửa đất 5 sào vừa rộng vừa bụi mù. Chiếc chân giả đôi lúc bị trượt, làm bà suýt té. Người phụ nữ nhỏ bé chống cán cào, cố giữ thăng bằng, giơ tay áo quẹt mồ hôi trên mặt, bước tiếp.
Hỏi bà Ba sống một mình, lại có lương thương binh, làm chi nhiều cho cực. Năm nay bà 67 tuổi, cũng già rồi. Bà cười, nói mình quen lao động từ hồi trẻ, ngồi một chỗ không chịu được. “Mà còn phải làm để phụ cho con cháu nữa chứ. Tụi nó vẫn cần tới mẹ”.
Bà nói cuộc đời mình như một cuốn phim tối màu mà bản thân luôn gắng thoát ra, để hòa nhập với xã hội. Tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên, hòa bình, bà trở về quê với chiếc chân cụt trên đầu gối. Tình yêu cũng từng bất chấp hoàn cảnh mà tới với bà, nhưng khi bà có bầu thì người đàn ông từ chối không muốn đón bà về vì sợ người vợ một chân không thể kham nổi công việc nhà nông.
Bà buồn ít bữa rồi lên kế hoạch “lót ổ” chờ sinh con. Với 2 sào đất ruộng, 5 sào đất trồng màu, người phụ nữ nhỏ bé quần quật lao động. Rồi bà dần gầy ra một bầy heo nái, một đàn bò, gà vịt đầy vườn. Kinh tế gia đình bà vững hơn.
Những năm tháng làm mẹ bỉm sữa, bà một mình lăn lộn với công việc trong nhà, ngoài đồng mà không hề ca thán. Bà nói: “Tôi tự tin, lạc quan lắm. Nghĩ người ta nuôi được con thì mình cũng nuôi được, có gì đâu”. Kết quả là hơn 30 năm qua, bà nuôi con ăn học tử tế, đầu tư cho con 4 héc-ta đất rừng trồng cà phê ở Gia Lai, hỗ trợ con tiền mua đất, mua con giống lập trang trại nuôi heo.
Hỏi con đã lớn, tự lập kinh tế, vậy có gởi mẹ tiền dưỡng già không, bà cười ngất: “Tui còn làm được mà, có khi còn phải hỗ trợ ngược lại ấy chứ”.
Hằng ngày bà Ba dậy sớm lo cho đàn bò ăn cỏ, cho bầy heo nái ăn cám, rồi bắt đầu công việc đồng áng. Ruộng lúa đến kỳ dọn cỏ, bỏ phân. Đám đậu phải tưới nước hằng ngày. Công việc kéo bà Ba từ đám ruộng này qua đám vườn kia từ sáng tới tối, chiều về lại tiếp tục lo cho bò, heo, gà vịt, có khi chỉ kịp ăn một bữa cơm.
Khoảng 30 năm trước, bà Ba Tâm còn là một bà “mụ vườn” mát tay nên ngoài công việc đồng áng, nếu có chị em nào sinh nở, bà lại có mặt để giúp đỡ. Dù thương tật, nhưng khi mẹ già đau ốm, bà Ba 2 năm liền tự tay chăm sóc mẹ cho tới lúc bà cụ qua đời.
Năm 2001, bà Ba dồn tiền cất một căn nhà cấp bốn khang trang cho 3 mẹ con. Người đàn ông trước kia từng phụ tình bà, ngạc nhiên không ngờ người phụ nữ một chân lại giỏi giang, nghị lực như vậy.
Ông đánh tiếng xin “nối lại tình xưa”, nhưng bà không chấp nhận. “Tôi còn lao động được, nuôi con khôn lớn, giờ mắc mớ gì đi làm vợ bé cho người đã có gia đình”.
Bà cho phép con nhận ba ruột, nhưng việc để người đàn ông quay lại làm rối cuộc sống bình yên của bà thì “không bao giờ”. Bà đang sống rất ổn, lao động là niềm vui nên bà chẳng có thời gian để… cô đơn.
Giờ đây, có ai đi qua đoạn huyện lộ, đối diện chợ Vườn Đào, thuộc thôn Đại Khoan, xã Cát Lam, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sẽ thấy một căn nhà rộng rãi ngự ngay mặt lộ. Đằng sau căn nhà là hệ thống chuồng trại gọn gàng, sạch sẽ, nuôi bò và heo nái. Đó là nhà của bà Đào Thị Thanh Tâm – 67 tuổi, nữ thương binh thời kháng chiến chống Mỹ.
Hằng ngày, bà bận rộn với cuộc sống say mê lao động. Ngôi nhà là điểm tập trung cho con cháu mỗi dịp lễ, tết. Bà con trong thôn nói tới bà bằng sự nể phục: “Ôi trời, bà Ba Tâm đó thì nói chi. Bả cụt một chân mà còn giỏi gấp ba tụi tui”.
Phương Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khong-con-thoi-gian-de-co-don-a1484814.html” name=””]