Một trong những đặc điểm thú vị của ngũ cốc là sự linh hoạt – điều kiện cần thiết để tồn tại trong cuộc sống gấp gáp và đầy biến động.
Ngũ cốc được đóng thành bánh vô cùng tiện dụng |
Những ngày xuân, đầu dây này dẫn tới mối nhợ kia, mùi hương này dẫn đến câu chuyện nọ… Gặp một vài món ăn cũ như khoai khô hay lương khô sau mấy chục năm, ta bỗng thấy mừng như gặp lại một người bạn cũ.
Ngày tôi giã từ quê hương vào Sài Gòn trọ học, đồng hành với tôi là ràng bánh tráng và hũ bột ngũ cốc (5 loại đậu do mẹ tôi rang xay) cho tôi ăn sáng, ăn khuya và ăn cả bữa chính những ngày nhà chưa kịp tiếp tế…
Không rõ vì sao mà tôi ăn bột hoài không ngán suốt mấy năm đại học mặc cho lũ bạn trêu đùa.
Có lẽ tôi có duyên với bột, với gạo, với mè nên lấy chồng là một chàng… con nhà bán bột. Má chồng tôi là một Hoa kiều từ Campuchia chạy nạn ôm con dạt về Vị Thanh, Cần Thơ. Má không biết nói, không biết đọc tiếng Việt, bơ vơ giữa Sài Gòn mà mua được nhà cửa, nuôi 3 đứa con nên người, dựng vợ gả chồng cho chúng nhờ vào cái máy chà gạo, tiền thân của máy xay bột sau này.
Tết nào cũng vậy, khi cả nhà quây quần, chúng tôi lại nghe má nhắc chuyện xưa: “Đầu thằng nhỏ móp như bây giờ là do má buôn bán cực quá, chỉ để nó nằm đó, làm gì có sữa mà uống, cũng không có thời gian nấu cơm. Khi nó đói, má quậy bột, thêm chút đường bỏ vô bình sữa cho nó bú. Vậy mà trời thương, nó không ốm không đau”.
Rồi vật đổi sao dời, những món ăn của một thời nghèo khó trở lại và “lợi hại” hơn xưa.
Món bột ngũ cốc giờ không còn gói gọn trong 5 loại hạt quen thuộc mà đã biến đổi theo nhịp sống của thời đại. Thời người ta không còn ăn cốt để no nữa, bài toán đặt ra là làm sao chỉ cần uống một viên gì đó là đủ chất dinh dưỡng cho một bữa ăn. Ăn thì phải lựa chọn cái gì nhanh, gọn, ngon, ít năng lượng mà giàu dinh dưỡng…
Ăn làm sao có thể bổ sung năng lượng nhanh chóng trong những ngày họp hành, chạy tiến độ… không có thời gian ăn, thậm chí không muốn ăn vì áp lực, căng thẳng… Rồi phải làm sao có thể mang theo để vừa đi vừa ăn, đi bộ cũng ăn được mà đi xe cũng tiện; rồi làm sao bảo quản được lâu nhất…
Quá nhiều yêu cầu được đặt ra cho “người bạn đồng hành tiện lợi”: ngon, gọn, dễ mang theo, không làm mất thời gian, không gây tăng cân… Ngũ cốc cũng phải “nâng cấp” mình với hàng loạt yêu cầu: canh tác thuận tự nhiên, đạt các chỉ số organic… Một mặt phải quay về với các giá trị truyền thống – ngũ cốc nguyên cám đầy đủ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Một mặt, phải “hòa nhập” các yếu tố ngoại lai như yến mạch, quả mọng, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt mắc ca, nho, dâu, mâm xôi…
Gọi ngũ cốc nguyên hạt là “kho” dưỡng chất cũng không ngoa. Một trong những cách ăn đúng là ăn thô; ăn đa dạng, phong phú, mỗi bữa ăn vừa đủ hoặc ăn ít nhưng chia thành nhiều lần. Dường như ngũ cốc hội đủ các điều kiện để ta có thể ăn đúng. Bản thân ngũ cốc đa dạng dưỡng chất với đầy đủ các nhóm: bột, đường, đạm, béo, xơ, các vitamin (nhóm A, B, C, D, E, K, M…) và khoáng chất (magie, kẽm, sắt, photpho, kali, canxi…).
Có thể kết hợp ngũ cốc với trái cây tươi hoặc khô theo mùa, theo thổ nhưỡng hoặc văn hóa địa phương. Nhờ chứa các chất chống ô xy hóa, protein thực vật, các loại chất béo tốt, khi kết hợp với rau củ trái cây, ngũ cốc có thể giúp cơ thể hấp thu hiệu quả các vitamin có lợi cho da cũng như giúp phòng, chống bệnh tật (tiểu đường, tim mạch, ung thư…), phát triển cơ thể, tăng cường sức khỏe. Một trong những đặc điểm thú vị của ngũ cốc là sự linh hoạt – điều kiện cần thiết để tồn tại trong cuộc sống gấp gáp và đầy biến động.
Có thể kết hợp ngũ cốc với trái cây tươi hoặc khô theo mùa, theo thổ nhưỡng hoặc văn hóa địa phương |
Ngũ cốc dường như có thể phục vụ cho đủ nhu cầu: ăn vặt, ăn sáng, ăn với yaourt/sữa/nước ép trái cây, thậm chí là ăn tối nếu bạn muốn ăn một chút gì nhẹ nhàng, ít tinh bột, ít đạm, chỉ thuần thực vật.
Để đáp ứng nhu cầu nhanh, các loại này được chế biến, pha trộn, biến hóa thành nhiều hình thức khác nhau: chia thành nhiều phần nhỏ, thành bánh, thành thanh, thành kẹo, thành snack… làm sao tiện nhất để bắt kịp thế giới con người; làm sao để giúp người ta cảm thấy thảnh thơi nhất, nhẹ nhàng nhất, không cứ phải sáng trưa chiều tối chỉ hì hục nấu ăn.
Bạn có thể trút ra chén và thong thả ăn từng hạt một cách nhỏ nhẻ, duyên dáng, thanh cảnh: ăn chậm, nhai kỹ, thưởng thức hương vị tinh tế của từng loại hạt được trộn chung.
Có bao giờ một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu bạn, rằng có bao nhiêu người tham gia vào chén ngũ cốc?
Này nhé, yến mạch có thể đến từ Mỹ, Úc; lúa mì từ Bắc Phi; sung khô từ Trung Đông, Trung Quốc, quả mọng từ những cánh rừng của Phần Lan; hạnh nhân từ Ấn Độ; hạt điều từ Việt Nam; nho từ Pháp, Úc… Chúng đã đi như thế nào để đến đây, gặp nhau trong bữa ăn của bạn? Quê hương của chúng thế nào? Ai trồng, ai hái, ai rang, ai chuyên chở, ai đóng gói, ai giao hàng…?
Đột nhiên, bạn cảm thấy kinh ngạc trước sự hiện diện của bao nhiêu con người trong một vốc ngũ cốc bé nhỏ.
Và rồi bạn nhận ra mình đang không ngồi ăn một mình mà đang ăn cùng cơ thể mình, tâm trí mình, gia đình, bạn bè và cả những người tưởng chừng xa lạ đã làm nên bữa ăn này. Vạn vật và cuộc sống bỗng có mặt trong khoảnh khắc này – khoảnh khắc thiêng liêng như đêm trừ tịch, như lúc cha thắp nhang mời ông bà về ăn tết.
Ta bỗng thấy ý ta và đất trời kia là một. Ta bỗng cảm nhận được sự mênh mông của trái đất.
Bỗng dưng ta thấy mình cần chậm lại, nhẹ hơn và cảm nhận nhiều hơn nữa, dù chỉ là một món lương khô.
Trần Lê Sơn Ý
Ảnh: Internet
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chuyen-tu-mot-voc-ngu-coc-a1485311.html” name=””]