Thằng bé giãy nảy phản ứng; chắc nó hoàn toàn không đồng tình với hành vi “chôm chỉa” của cha mình, dù có thể nó cũng thích cái bánh lá gai.
Lần nọ đi đường, tôi tình cờ chứng kiến câu chuyện khá thú vị. Khi dừng xe chờ đèn đỏ, tôi thấy một người đàn ông thò tay “trộm” cái bánh ít lá gai từ giỏ của một chị bán dạo bằng xe đạp rồi chuyển cho đứa con trai chừng 10 tuổi. Ngay lập tức, thằng bé giãy nảy phản ứng; chắc nó hoàn toàn không đồng tình với hành vi “chôm chỉa” của cha mình, dù có thể nó cũng thích cái bánh lá gai.
Nghe ồn ào phía sau, chị bán hàng quay lại nhìn và bắt gặp 2 cha con đang “đôi co” về cái bánh và rồi người đàn ông gửi trả lại cái bánh vừa lấy kèm theo lời xin lỗi, trước khi mạnh ai nấy đi lúc đèn xanh trở lại.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Có lẽ chị ấy cũng hiểu tình huống nên nở một nụ cười rất tươi. Sự việc diễn ra trong mấy mươi giây nhưng hẳn đã để lại cho đứa trẻ một bài học đáng nhớ.
Cháu sẽ ghi nhớ rằng hành vi ăn trộm là không tốt, là trái với điều đã được cha mẹ dạy và rằng nếu người ăn cắp chính là cha của mình thì không chỉ không tốt mà còn là sự xấu hổ. Bài học đó có thể sẽ sâu sắc hơn nhiều so với những lời dạy suông.
Câu chuyện đó gợi cho chúng ta một phương pháp giáo dục trẻ. Đôi khi chúng ta hay nghe từ “liệu pháp sốc”, tức là một cách thức có phần khác thường, có vẻ như đi ngược lại các chuẩn mực nhưng làm cho người được tác động thấy “sốc” mà chợt “ngộ” ra, “tỉnh” ra, thay vì thể hiện bằng chiều thuận (bảo rằng nên thế này, không nên thế kia…).
Tôi nhớ câu chuyện hồi nhỏ: một ông chú hay rầy rà mấy đứa trẻ sao hay nói tục, nhưng do bắt chước nhau, lại chơi cùng nhóm nên đứa này nói mà đứa kia không nói thì khó chơi chung, vì vậy sửa hoài không được. Một bữa, nói chuyện với đám trẻ, ông chú tôi cũng nói tục. Một vài đứa thấy ngỡ ngàng: “Sao chú nói kỳ vậy?”.
Lúc này chú mới giải thích: “Tụi con thấy không, nói tục rất kỳ, người lớn nói đã không hay mà con nít nói lại càng không hay, nên phải sửa thôi”. Liệu pháp ngược có tác dụng ngay.
Ở nhà, vợ chồng tôi không bao giờ xưng hô mày tao với bất kỳ ai, dù là với bạn bè, em cháu, với các con lại càng nghiêm hơn. Nhưng lâu lâu, để “nhắc lại”, tôi giả vờ kêu: “Con gái, mày lại đây tao biểu coi”, tức thì con gái phản ứng ngay: “Ba kỳ quá!”. Tôi hỏi: “Sao kỳ?”, lần nào con cũng nói: “Ba kêu mày tao với con”. Sẵn đó tôi “uốn lại”: “Kêu mày tao không hay hén, nên con chơi với em, với bạn cũng đừng có kêu vậy nghen”.
Các con tôi đều không bao giờ mắc lại lỗi đó. Các con chơi đồ hàng hoặc học bài rồi bày bừa lung tung, tôi hay bảo: “Đem bỏ thùng rác cho ba!”, tức thì con hiểu là phải sắp xếp ngăn nắp lại, nếu không sẽ bị đem bỏ thùng rác thiệt.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Lúc con gái tôi còn nhỏ, có khi đến giờ học mà còn mải mê xem ti vi, tôi lại bảo: “Con coi phim nữa không, ba mở đài khác xem, khỏi học bài”, lập tức con bé đáp: “Con còn nhiều bài lắm, không làm mai cô bắt đứng thì xấu hổ lắm” và lên lầu học bài ngay, còn không quên kêu em đi cùng. Lời nói ngược ấy có khi còn hiệu quả hơn lời dạy xuôi.
Dạy cho trẻ biết phản ứng là điều cần thiết, để rèn cho trẻ lúc nào cần phải phản ứng và phản ứng như thế nào với điều đó. Đó là cách giúp trẻ có thể làm quen với điều nên yêu, nên ghét và cách biểu lộ nó như thế nào. Giả sử đứa trẻ kia không có phản ứng gì mà vô tư nhận cái bánh lá gai thì rõ ràng người cha sẽ cảm thấy thất bại trong việc dạy con “nói không” với hành vi trộm cắp và hôm nay đồng tình với việc cha nó ăn cắp cái bánh thì biết đâu lần sau nó sẽ tự tay lấy cắp, rồi khi đã “quen tay” thì có thể không chỉ lấy cái bánh…
Như vậy, khi phản ứng, đứa trẻ vừa biết ghét hành vi ăn cắp vừa biết không đồng tình với việc làm đó của cha mình. Ví như khi dừng xe ngang người bán bánh, người cha nói với con rằng đừng nên lấy hàng của người ta vì đó là công sức của người khác, rằng lấy cắp là không tốt… chắc hẳn không có tác dụng lớn như “liệu pháp sốc” vừa kể.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Tạo ra sự phản ứng cho trẻ cũng là cách giúp trẻ không bị “ì” mà phải luôn trong tâm thế phải phản ứng, ứng phó với một tình huống cụ thể, cũng là cách tạo nên sự linh hoạt, chủ động cho trẻ. Trên thực tế, trẻ phải luôn tự mình giải quyết các vấn đề của bản thân mà không thể chờ cha mẹ hoặc người lớn. Năng lực ứng phó là một trong những kỹ năng sống cực kỳ quan trọng.
Dĩ nhiên, cần phải cân nhắc khi nào, trong hoàn cảnh nào, đối tượng nào, cường độ “sốc” khi áp dụng biện pháp này. Có những việc, dù mục đích tốt nhưng kết quả có thể không tốt; chẳng hạn, khi nghe con nói tục mà người cha không chấn chỉnh ngay, lại dùng “liệu pháp sốc” thì e sẽ không có tác dụng, thậm chí còn “nguy hiểm”.
Việc tạo ra phản ứng cho trẻ là cần thiết nhưng phải trong tầm kiểm soát của người lớn; nếu ở câu chuyện trên, chị bán hàng quay lại mắng xối xả người cha thì mọi chuyện có thể sẽ khác và lúc đó người cha phải “thực hành” cho trẻ bài học xin lỗi, “khắc phục hậu quả” đối với một hành vi sai trái.
Nguyễn Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lieu-phap-nguoc-de-con-phan-ung-a1485638.html” name=””]