Các trận bão gây lốc xoáy và mưa lớn đã khiến ít nhất 9 người chết và 1 triệu người mất điện ở miền Nam nước Mỹ. Còn tại New Zealand, động đất làm rung chuyển quần đảo Kermadec.
Cơ quan Khí hậu quốc gia Mỹ (NWS) vừa thông báo, ít nhất 9 người thiệt mạng và 1 triệu người rơi vào cảnh mất điện do ảnh hưởng từ các trận bão gây lốc xoáy và mưa lớn trên khắp miền Nam nước này.
Hậu quả một trận lốc xoáy ở Mỹ. Ảnh: Reuters.
Đến tối 3/3 (theo giờ địa phương), bão mạnh đã gần như rời khỏi miền Nam và di chuyển hướng theo khu vực Đông Bắc. Dự báo sẽ có tuyết rơi nhiều và mưa tuyết ở Đông Nam bang Michigan.
Trong khi đó, lượng mưa và tuyết rơi kỷ lục trong những tuần gần đây đã giúp một nửa bang California giảm bớt tình trạng hạn hán kéo dài dai dẳng.
Bản đồ Theo dõi hạn hán của Mỹ do “Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia” và các đối tác công bố mới đây cho thấy 17% diện tích bang California không còn gặp bất kỳ tình trạng khô hạn bất thường nào, trong khi 1/3 khác tuy vẫn khô hạn nhưng không còn chính thức được coi là hạn hán.
Chỉ 3 tháng trước, toàn bộ tiểu bang này đứng trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng. California đã trải qua 4 giai đoạn hạn hán như vậy kể từ năm 2000, khiến thiếu hụt đáng kể nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng, cũng như nhu cầu về nguồn cung cấp nước cho 40 triệu cư dân.
Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) vừa thông báo, hôm nay, một trận động đất mạnh có độ lớn 6,9 đã làm rung chuyển khu vực quần đảo Kermadec của New Zealand.
Trận động đất xảy ra lúc 19h41 tối ngày 4/3 (giờ địa phương), tâm chấn nằm cách đảo Raoul – đảo lớn nhất của quần đảo Kermadec khoảng 79km về phía Tây Nam.
Trung tâm địa chấn Địa Trung Hải châu Âu trước đó ước tính độ lớn của trận động đất là 6,6 với độ sâu 183km. Theo Hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ, không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra sau trận động đất này. Trong một tuyên bố ngắn gọn, Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết, dựa trên tất cả các dữ liệu hiện có, dự kiến sẽ không có sóng thần tàn phá trên toàn Thái Bình Dương. Hiện cũng chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại do động đất gây ra.
Quần đảo Kermadec của New Zealand và toàn bộ khu vực xung quanh nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, một vòng cung gồm các đường đứt gãy bao quanh lưu vực Thái Bình Dương – nơi dễ xảy ra các trận động đất lớn. Các vụ phun trào núi lửa cũng thường xảy ra tại khu vực này./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/loc-xoay-gay-thiet-hai-lon-o-my-dong-dat-rung-chuyen-quan-dao-new-zealand-20230304163043704.chn” name=””]