Tôi bước chậm trên đường, nghe rõ tiếng chân mình gõ nhịp. Ở hòn đảo này, dường như góc nào cũng đẹp.
Đường mới quanh đảo |
Côn Đảo đẹp từ trên máy bay nhìn xuống với đường viền ngoạn mục sóng trắng, cây rừng, biển xanh, cát vàng; đẹp no mắt khi ngồi trên xe ngắm cảnh từ sân bay Cỏ Ống về trung tâm. Mùa này, hoa nở hồng ven đường, bên dưới là đại dương mênh mông. Tay tôi cầm máy chụp hình nhìn phía nào cũng muốn bấm máy.
Biết bao người đã đến Côn Đảo, rất nhiều bài viết về nơi này đã ra đời. Với tôi, Côn Đảo không chỉ là nơi có môi trường trong lành và yên tĩnh, cảnh đẹp, con người hiền hòa thân thiện mà còn là nơi để chiêm nghiệm, ngẫm ngợi và thật sự được sống chậm.
Nghỉ tại khách sạn Sài Gòn – Côn Đảo với mặt tiền rất đẹp nên bất kỳ lúc nào trong ngày tôi đều có dịp ngắm di tích cổng trại (nhà lao) Phú Sơn. Đang mùa bàng thay lá, những con đường xanh nõn lá bàng. Những cây bàng đẹp trầm tĩnh, dịu dàng bởi sự kết hợp giữa màu xanh non và màu thời gian. Màu lá xanh tươi mới nổi rõ trên nền những bức tường đá trầm mặc tạo nên hình ảnh tương phản giữa quá khứ và hiện tại.
Cổng trại Phú Sơn |
Những cây bàng nghĩ gì, những bức tường đá đen chạy dài ôm cua con đường muốn tâm sự với con người điều gì… làm sao tôi biết được nhưng tôi biết chắc nó khiến tôi nhớ đến bức tường thành nhà lao Thành Diên Khánh quê tôi có từ thời nhà Nguyễn, nằm trước mặt nhà bà ngoại tôi ngày tôi còn nhỏ.
Tôi thích nhất những buổi sáng được sống chậm với ký ức khi ngồi trong nhà hàng của khách sạn nhìn ra cổng trại Phú Sơn. Ánh nắng xuyên qua tàng cây bàng, lốm đốm trải trên mái ngói. Trong tiếng nhạc rải đều, có tiếng gió hát, lá đùa lao xao. Dòng thời gian trôi chậm, quá khứ – hiện tại đan xen… như dòng sông hoài niệm, đẹp và buồn…
Vào thời điểm tôi đến, di tích đóng cửa để sửa chữa nên tôi không thể vào tham quan, đành thơ thẩn trước cổng. Những dòng chữ xưa in khắc trên tường cổng trại vẫn còn nguyên vẹn. Ban quản lý di tích Côn Đảo đã giữ lại dấu xưa và mái ngói được thay mới bằng ngói vảy cá chứ không phải ngói tây như ở trại Phú Hải. Thời gian trôi qua, còn lại chút gì để nhớ, giữ gìn cho người đời sau đến tham quan, tìm hiểu là điều rất đáng trân trọng.
Tôi bước chậm trên đường, nghe rõ tiếng chân mình gõ nhịp. Ở hòn đảo này, dường như góc nào cũng đẹp. Từ một lô cốt canh gác ở góc cua con đường bên trong dày lá bàng khô cũng gợi sự bay bổng của trí tưởng tượng… Cho đến vỉa hè, hàng cây bàng sần sùi, đâu đâu cũng gặp vết thời gian hàng trăm năm.
Người đàn ông này đang rà tìm vàng |
Tôi ngang qua một ngôi nhà hoang tàn đổ nát đẹp một cách liêu trai và dừng lại bên hàng rào nhìn vào bên trong. Cây cao che phủ mái nhà. Cây lớn lên hoang dại bên mái ngói xiêu, hàng lan can không còn nguyên vẹn. Tôi hình dung vẻ đẹp của ngôi nhà thời hưng thịnh. Từ hàng hiên này nhìn ra biển… Những đêm trăng, sóng biển vỗ nhẹ, lá cây lao xao… Tự nhiên trong trí tôi hiện lên hình ảnh một ngôi nhà có tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười vui thật thanh bình. Lịch sử mang nhiều biến động, kẻ hậu sinh là tôi đang đứng tần ngần hình dung mọi điều trong quá khứ từ những song hành xưa cũ và vẻ tươi mới của hôm nay.
Thuê một chiếc xe điện, nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình vòng quanh Côn Đảo. Những con đường nhỏ sạch sẽ, các di tích lần lượt lướt qua trong màu xanh nõn nà. Một cửa hàng ăn uống mang dấu tích thời bao cấp. Một triển lãm hình ảnh níu bước chân du khách trẻ dừng lại nhìn ngắm, chuyện trò… Vài người khách nhàn nhã trầm ngâm bên tách cà phê, đúng nghĩa sống chậm.
Di tích chuồng bò |
Qua chợ, những con phố có các cửa hiệu buôn bán nhưng mọi thứ không vội vã như thường thấy ở những thành phố trên đất liền. Nơi đây cho du khách cảm nhận rất rõ nét nhịp điệu chậm rãi, từ tốn, điềm tĩnh.
Xe đưa chúng tôi đi hết một vòng Côn Đảo. Biển chiều bên dưới xanh biếc pha trộn với màu cây rừng và màu trời. Tôi bị thu hút bởi dãy núi chạy dài mà hướng dẫn viên du lịch nói rằng tên của nó là núi Tình Yêu. Anh giải thích bởi hình dáng 2 ngọn núi chụm đầu vào nhau giống như… “chàng đang hôn nàng”. Thiên nhiên đẹp luôn khiến người ta thích tưởng tượng về những điều lãng mạn, thơ mộng nhất gắn với con người hàng tỉ năm nay – tình yêu chẳng hạn.
Điểm đến cuối cùng trong chiều hôm ấy là nghĩa trang Hàng Dương. Tiếng lá lao xao trong gió mang đến cảm giác thật bình yên.
Chúng tôi có một buổi sáng nghỉ ngơi ở bãi Đầm Trầu – một bãi biển khá đẹp, êm ả. Biển hôm ấy gần như không có sóng.
Mực nướng sa tế |
Một điều rất thú vị ở đây là bạn có thể nhìn những chiếc máy bay đáp xuống sân bay Cỏ Ống ở khoảng cách thật gần. Hầu như ai đến Côn Đảo đều cố chụp cho được vài tấm hình với bối cảnh máy bay sà xuống ngay trên đầu. Người già cũng như trẻ lại bởi sự háo hức này.
Chiều ấy, chúng tôi ghé hang đá Đức Mẹ nằm trong vườn quốc gia Côn Đảo. Xe điện dừng ngoài đường lớn, theo một con dốc thoải khoảng 400m, chúng tôi bắt đầu leo những bậc cấp lên núi.
Hang Đức Mẹ không cao lắm. Dọc đường đi, cây rừng như một bức màn bao phủ trên đầu du khách. Những dây leo, bộ rễ cây thật lớn sẽ khiến bạn liên tục dừng lại trầm trồ và chụp hình kỷ niệm. Hang đá nhỏ nằm khiêm tốn trên đường đi, bên trong có tượng Đức Mẹ và một ban thờ. Xung quanh vách hang có gắn những tấm bảng ghi lời cảm ơn bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.
Bún riêu bà Hai Khiêm – một quán nổi tiếng ở Côn Đảo |
Rời hang Đức Mẹ, bạn có thể tiếp tục khám phá cầu Ma Thiên Lãnh, bãi Bàng, bãi Đất Thắm… Trên đường đi, bạn sẽ gặp cây dây leo. Để lấy được ánh sáng mặt trời, tổng hợp chất hữu cơ cần thiết, loài cây này cuốn quanh các thân cây to khác. Nhờ vậy, chúng dễ dàng vươn đến nơi có nhiều ánh sáng. Tôi chắc bạn sẽ “ồ à” khi thấy cây dây leo thật to ngoằn ngoèo trên đất rồi vươn lên cao. Không biết chúng bắt đầu và kết thúc ở đâu…
Giờ đây, khi viết những dòng này, coi lại album ảnh Côn Đảo, tôi bỗng thèm trở lại nơi đây lần nữa chỉ để lang thang trên những con đường nhỏ, chạm tay mình lên những u nần thời gian của gốc bàng ngẫm ngợi rồi ào xuống biển bơi vài vòng trước khi ăn tối… Tôi sẽ kết thúc một ngày tuyệt vời bằng việc thưởng thức món kem dừa khá ngon hay một ly cà phê và trò chuyện cùng bạn đồng hành.
Với tôi, Côn Đảo là nơi ta thật sự được sống chậm để ngẫm ngợi.
– Bún riêu bà Hai Khiêm là một quán bún riêu cua nổi tiếng, lúc nào cũng đông khách. – Hải sản ở Côn Đảo vốn nổi tiếng bởi độ tươi ngon. Tại bất kỳ quán hải sản nào, bạn cũng có thể thưởng thức sò xào me, hàu nướng phô mai, nghêu nướng mỡ hành, mực nướng sa tế, lẩu hải sản… Đặc biệt, món cua hấp rất ngon (con lớn, chắc thịt, ngọt). |
Bài và ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/song-cham-va-ngam-ngoi-o-con-dao-a1486904.html” name=””]