Có thể nói nếu như Ai Cập đóng góp cho văn minh nhân loại các kim tự tháp thì Ấn Độ có giếng bậc thang.
Giếng Dabhai Kund |
Giao thông đông đúc, đường sá nhộn nhịp, du khách chật kín… – những điều đó dễ dàng bắt gặp ở Jodhpur, Jaipur, Udaipur, Jaisalmer – những thành phố nổi tiếng của Rajasthan – tiểu bang có diện tích lớn nhất Ấn Độ. Thế nhưng, cũng ở Rajasthan, có một nơi trái ngược hẳn với không khí trên: thị trấn cổ kính, mộc mạc Bundi – tập trung các giếng nước bậc thang.
Giếng bậc thang là công trình lưu trữ nước dưới lòng đất ở Ấn Độ, đã xuất hiện từ thế kỷ III trước Công nguyên. Chúng không chỉ là nơi chứa nước mà được xây dựng thành những công trình nghệ thuật nhiều tầng phức tạp, gồm các tác phẩm phản ánh đời sống và tín ngưỡng của người dân bản địa. Điều này khiến tổng thể giếng lộng lẫy như những ngôi đền hay nhà hát, trở thành nơi dân địa phương tụ tập hội họp, giải trí hoặc thờ cúng chứ không chỉ đến lấy nước.
Giếng bao gồm những bậc thang được xây dựng công phu từ trên mặt đất xuống nguồn nước. Các bậc thang được xây ở bốn hướng giúp người dân dễ dàng di chuyển từ nhiều phía. Vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng của giếng nằm ở những bức phù điêu chạm khắc tinh xảo nơi các bức tường, bậc thang dẫn xuống giếng, các hành lang bao quanh. Mỗi giếng được thiết kế, trang trí khác nhau nhưng đều công phu, cầu kỳ, có tính thẩm mỹ cao.
Bundi là nơi có nhiều giếng bậc thang nhất ở Ấn với hơn 100 cái nhưng ngày nay chỉ còn khoảng 50 cái được giữ gìn; còn lại bị khô cạn, bỏ hoang. Ở Bundi, nổi tiếng nhất là giếng Raniji Ki Baori. Nữ hoàng Nathavatji của vùng cho xây dựng công trình này vào năm 1699 cũng như 50 giếng bậc thang khác trong vùng nhằm khỏa lấp nỗi buồn thương nhớ đứa con trai mới sinh đã bị vợ cả của chồng – vua Rao Raja Anirudh Singh – bắt về nuôi.
Raniji Ki Baori là giếng quy mô nhất ở thị trấn Bundi, gồm ba tầng, độ sâu đến 46m với hơn 100 bậc thang, rộng 20m và dài 40m. Khắp các mảng tường xung quanh giếng đều chạm khắc tượng thần Hindu, hoa văn trang trí, hình ảnh các con vật… Tại mỗi tầng đều có ban thờ. Những cột trụ, mái vòm của giếng cũng là những tác phẩm nghệ thuật khéo léo, trong đó nổi bật nhất là các tượng voi bằng đá quay mặt vào nhau nằm trên đỉnh trụ.
Giếng Raniji Ki Baori |
Ngày nay, nước trong giếng Raniji Ki Baori không còn dùng được nữa, tầng trên của giếng cũng đã được rào lại và giăng lưới để tránh chim chóc phóng uế nhưng công trình này vẫn được bảo quản tốt. Dẫu dấu ấn thời gian đã in đậm qua những mảng rêu mốc bám quanh tường, du khách vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tráng lệ một thời của công trình.
Một giếng cổ bậc thang khác cũng nổi tiếng ở Bundi là giếng Dabhai Kund tọa lạc ở trung tâm thị trấn Bundi, được ví như cửa sổ đưa du khách về thăm quá khứ huy hoàng của thành phố. Giếng gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác với hệ thống bậc thang được thiết kế mang tính hình học, như một mê cung, gợi nhớ kiến trúc giếng bậc thang nổi tiếng Panna Meena Ka Kund ở thành phố hồng Jaipur.
Ngoài ra, ở Bundi còn có giếng Nagar Sagar Kund bao gồm 2 giếng Janana Sagar Kund và Ganga Sagar Kund được xây dựng từ năm 1871.
Có thể nói nếu như Ai Cập đóng góp cho văn minh nhân loại các kim tự tháp thì Ấn Độ có giếng bậc thang. Những giếng cổ bậc thang ở Ấn Độ nói chung và Bundi – thành phố của giếng bậc thang – nói riêng không chỉ là bằng chứng cho thấy trình độ thẩm mỹ cao của cư dân nền văn minh cổ đại mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của nước đối với đời sống con người.
Hương Nhu
Ảnh: Internet
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thi-tran-cua-nhung-gieng-co-bac-thang-a1490011.html” name=””]