Công viên quốc gia Nilpena Ediacara – một trong những địa điểm trưng bày các hóa thạch quý hiếm của một số sinh vật được biết đến sớm nhất trên trái đất – vừa chính thức mở cửa cho công chúng vào cuối tháng Tư.
Nằm ở vùng hẻo lánh của dãy núi Flinders thuộc bang Nam Úc của nước Úc, công viên quốc gia Nilpena Ediacara mang đến cho du khách câu chuyện về cách sự sống phát triển trên trái đất cách đây 550 triệu năm. Công viên rộng 60.000ha này từng là một vùng biển cổ đại.
Công viên quốc gia Nilpena Ediacara trưng bày các hóa thạch sinh vật lâu đời nhất hành tinh vừa mở cửa vào ngày 27/4 – Ảnh: Nilpena Ediacara National Park |
Mary L.Droser – một nhà cổ sinh vật học người Mỹ, người đã khai quật được một trong những lớp hóa thạch nổi tiếng nhất ở Nilpena Ediacara – cho biết: “Hóa thạch khoảng 550 triệu năm tuổi, tức là hơn nửa tỉ năm tuổi. Mỗi lớp hóa thạch này về cơ bản có thể được xem như một bức ảnh chụp nhanh đáy biển Ediacara thời gian đó”.
Những hóa thạch cổ xưa này được gọi là quần thể sinh vật Ediacara. Khoảng 40 lớp hóa thạch đã được tìm thấy trong khu vực ngày nay là công viên quốc gia Nilpena Ediacara. Một trong những hóa thạch được tìm thấy ở đây là hóa thạch của Spriggina – sinh vật đầu tiên được biết đến có cả mặt trước và mặt sau, thậm chí có thể có đầu và là một trong những loài săn mồi đầu tiên từng tồn tại. Sinh vật giống sứa này được đặt tên theo Reg Sprigg – một nhà địa chất Nam Úc, người được cho là đã phát hiện ra nó vào năm 1946.
Du khách đến công viên sẽ được trải nghiệm những dịch vụ bao gồm các chuyến tham quan có hướng dẫn viên để xem cận cảnh những lớp hóa thạch; triển lãm 3D giúp hóa thạch cổ đại trở nên sống động hơn.
Ross Fargher – chủ sở hữu khách sạn Prairie gần công viên – hiện là nhà điều hành tour du lịch duy nhất tổ chức các chuyến tham quan đến địa điểm này. Fargher đã tình cờ phát hiện một số hóa thạch vào những năm 1980 và cũng là người ủng hộ những phát hiện của Reg Sprigg.
Một trong những hóa thạch của quần thể sinh vật Ediacara được tìm thấy ở công viên quốc gia Nilpena Ediacara – Ảnh: National Parks And Wildlife Service South Australia |
“Các phát hiện của Fargher cho phép chúng tôi tiếp tục khai quật những lớp hóa thạch. Việc làm này giúp vẽ nên một bức tranh chưa từng có về lịch sử ban đầu của đời sống sinh vật trên trái đất” – Droser chia sẻ.
Công viên quốc gia Nilpena Ediacara còn có ý nghĩa quan trọng với những du khách quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. “Sự tuyệt chủng của quần thể sinh vật Ediacara có thể là sự kiện đầu tiên trong số các cuộc tuyệt chủng lớn do thay đổi môi trường toàn cầu gây ra. Hàng trăm triệu năm trước, đại dương này đã mất đi dưỡng khí và biến thành sa mạc” – Droser nhận định.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) – nơi tài trợ cho phần lớn những nghiên cứu của Droser – đang sử dụng dữ liệu từ công viên trong các nghiên cứu sinh học vũ trụ nhằm tìm hiểu nguồn gốc, sự tiến hóa và tương lai của sự sống trong vũ trụ. “Những hóa thạch ở đây giúp chúng tôi hiểu được các quá trình hóa học, vật lý, thậm chí cả sinh học dẫn đến việc hình thành dân số của một hành tinh” – Droser nói.
Công viên quốc gia Nilpena Ediacara cách thành phố Adelaide khoảng 6 giờ lái xe, vào cửa miễn phí.
Thiên Cự
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hay-la-nhung-vi-khach-dau-tien-chiem-nguong-cac-hoa-thach-co-xua-nhat-hanh-tinh-a1492525.html” name=””]