Vì mắc Covid-19 và thành phố đang phong tỏa nên các em không có người chăm sóc chu đáo.
Trong khi nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, thậm chí Hà Nội và Tp.HCM đang cố gắng hoạt động trở lại nhiều lĩnh vực như giáo dục, vui chơi giải trí cho trẻ nhỏ thì tại Thượng Hải (Trung Quốc) mọi thứ vẫn đang vô cùng căng thẳng. Toàn thành phố đang áp dụng lệnh phong tỏa vô thời hạn nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Đó quả thực là một điều bất lợi dành cho trẻ nhỏ.
Mới đây, đoạn video quay lại cảnh hàng chục đứa trẻ, trong đó có cả trẻ sơ sinh bị nhiễm Covid-19 và phải cách ly với gia đình để điều trị. Tuy nhiên không có người thân đi theo để chăm sóc cũng như thiếu y tá để hỗ trợ khiến những đứa trẻ rơi vào tình trạng bơ vơ, hoảng sợ.
Xuất hiện trong đoạn clip, những đứa trẻ sơ sinh, các em bé mẫu giáo phải nằm chung 3-4 em một giường, thậm chí là hành lang bệnh viện. Nhiều em bé còn chưa tự chăm sóc được bản thân nên bị “vùi lấp” bởi chăn bông, đáng lo sợ. Những đứa trẻ sợ hãi gào khóc nhưng không được ai quan tâm.
Các chuyên gia cảnh báo, việc việc tách trẻ khỏi cha mẹ có thể gây căng thẳng và có thể làm thay đổi cấu trúc não và hành vi của trẻ về lâu dài. Để đối phó với chấn thương và những trải nghiệm bất lợi tương tự như tách khỏi cha mẹ, trẻ em tiết ra mức cortisol (hormone căng thẳng) cao. Cortisol tăng cao này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc và khả năng kết nối của não, chẳng hạn như: làm chậm sự phát triển tế bào thần kinh, giảm âm lượng của các cấu trúc não quan trọng như hồi hải mã và ảnh hưởng đến các vùng não liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác động bất lợi của chấn thương sớm đối với khả năng tâm thần của trẻ em, bao gồm tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và các rối loạn tâm trạng khác và các hành vi hướng ngoại cao hơn.
Do đó việc cách ly như thế này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn không an toàn cho trẻ, bố mẹ lo lắng.
Khi con nhỏ mắc Covid-19, cha mẹ không nên vội vàng cách ly trẻ mà có thể theo dõi sức khỏe và điều trị tại nhà.
Trẻ mắc COVID-19 chăm sóc dinh dưỡng thế nào cho hợp lý?
Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc thực hiện và tuân thủ đúng chế độ dinh dưỡng là thật sự cần thiết, bởi dinh dưỡng hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng phục hồi, đề phòng cơ thể suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng và hạn chế những biến chứng nặng hậu COVID-19.
Theo tiến sĩ Thục, khi trẻ mắc COVID-19 điều trị tại nhà phụ huynh cần định kỳ theo dõi cân nặng và lượng thức ăn mà trẻ ăn vào xem có sụt giảm so với trước không và mực độ sụt giảm như thế nào. Ngoài ra, ít nhất 1 bữa ăn trong ngày của trẻ có cân đối khẩu phần.
Theo đó, trẻ phải ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
Hiện có một số cho rằng, cho trẻ ăn thức ăn hay hoa quả có tính kiềm cao, có tính a-xít sẽ giúp diệt được virus SARS-CoV-2, bác sĩ Thục cho biết, cho tới nay, chưa có kết luận về một loại thức ăn cụ thể nào có thể diệt được virus.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19. Ảnh: BV Nhi Trung ương.
“Mỗi loại thực phẩm đều có giá trị riêng, ví dụ vitamin C có tác dụng tăng cường miễn dịch có nhiều trong hoa quả tươi như bưởi, cam, kiwi nhưng flavonoid là chất chống oxy hóa lại có nhiều trong lá màu xanh sẫm như súp lơ, cải xanh hay vitamin E có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch thì lại có nhiều trong rau mầm, đậu nành…
Như vậy, trẻ cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát tiển cũng như hệ miễn dịch vững vàng để chống lại bệnh tật, tránh chỉ ăn một loại thức ăn hay thực phẩm nào đó gây mất cân đối trong khẩu phần ăn”, bác sĩ Thục tư vấn.
Bác sĩ Thục cũng khuyến cáo, các gia đình nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, dù trẻ mắc COVID-19 nhưng vẫn nên cho trẻ bú và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml với trẻ trên 1 tuổi hoặc 0,75-0.8kcal/ml cho trẻ dưới 1 tuổi) để thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
Đồng thời, tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo dõi cân nặng của trẻ: 3-5 ngày/lần, nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
Bảng nhu cầu rau xanh và trái cây của trẻ hàng ngày theo độ tuổi. Ảnh: BV Nhi Trung ương.
Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày: Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào giảm dưới 70% so với bình thường trong thời gian trên 3 ngày thì cần được tư vấn bởi nhân viên y tế. Đảm bảo đủ nước cho trẻ dựa vào nhu cầu của trẻ, đảm bảo trẻ không khát, không có dấu hiệu thiếu nước như môi lưỡi khô, tiểu ít nước tiểu sẫm màu.
Nếu trẻ ăn kém do sốt, ho, mệt mỏi, ngạt mũi… thì cha mẹ có thể chia nhỏ bữa hoặc thay thế, bổ sung thêm 1-2 bữa phụ bằng các chế phẩm sữa có mức độ năng lượng cao.
Trẻ mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần chuẩn bị thuốc gì?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ mắc COVID-19 tại nhà, các phụ huynh cần thường xuyên theo dõi trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu như ho, sốt và nhịp thở của trẻ. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn một số thuốc cơ bản, để phòng trường hợp phải dùng đến.
Theo lời khuyên của bác sĩ Nam, khi trẻ mắc COVID-19, phụ huynh cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là: trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh.
Về nhịp thở của trẻ, gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ:
– Trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường < 60 lần/phút;
– Trẻ 2 tháng – 12 tháng nhịp thở bình thường < 50 lần/phút;
– Trẻ > 12 tháng nhịp thở bình thường < 40 lần/phút;
– Trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút;
– Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.
Về thuốc có thể dự phòng, bác sĩ Nam tư vấn một số loại thuốc gồm:
+ Hạ sốt;
+ Bù nước điện giải;
+ Có thể bổ sung Vitamin tổng hợp;
+ Thuốc điều trị ngạt tắc mũi;
+ Thuốc ho
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Nam cũng lưu ý các bậc phụ huynh khi dùng thuốc phải theo hướng dẫn của cán bộ y tế hoặc có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/hang-chuc-dua-tre-trong-khu-cach-ly-trung-quoc-gao-khoc-vi-khong-ai-cham-soc-nhin-xot-xa-d306148.html” alt_src=”” name=””]