Ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, nhất là phim ảnh bị “đường lưỡi bò” cắm trái phép. Áp lực đặt lên vai những nhà quản lý, thẩm định phim ngày càng nặng nề. Trao đổi với Tiền Phong, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: Cục Điện ảnh đã xây dựng quy chế khuyến khích công chúng tham gia phát hiện phim lậu.
Ông nghĩ sao trước thực trạng ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là phim ảnh xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp? Nhà quản lý đối mặt với áp lực “kiểm tra” vi phạm như thế nào?
Theo Luật Điện ảnh năm 2022, việc phát hành phim trên không gian mạng, mạng xã hội được thực hiện theo hình thức hậu kiểm. Trường hợp người quản lý kiểm tra, nếu phát hiện phim có sai sót vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh sẽ bị xử lý theo quy định.
Cục Điện ảnh đã thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Hàng ngày, tổ công tác chia làm hai ca sáng – chiều để kiểm tra. Hiện tại, chúng tôi chỉ làm theo xác suất, do số lượng phim tung lên mạng quá lớn. Vì vậy, có thể có những bộ phim vi phạm trôi nổi trên internet. Đây cũng là bài toán khó, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Cục Điện ảnh vừa xử lý nhanh chóng, kịp thời các vi phạm về “đường lưỡi bò” phi pháp trong bộ phim điện ảnh Barbie và phim truyền hình Hướng gió .
So với số lượng khổng lồ phim bị tung lên mạng, 10 cán bộ của tổ công tác không đủ lực để bao quát, rà soát phim vi phạm. Cục Điện ảnh có tính đến giải pháp nào hữu hiệu hơn không, thưa ông?
Cơ quan quản lý nhà nước không thể chỉ dựa vào tổ công tác để phát hiện vi phạm mà chắc chắn phải nhờ đến sự hỗ trợ của khán giả, truyền thông, báo chí. Chúng tôi đang xây dựng chính sách thưởng cho khán giả phát hiện nội dung vi phạm pháp luật của phim chiếu trên không gian ảo. Cục Điện ảnh mong muốn cung cấp đầu mối để thường xuyên nhận phản hồi từ khán giả. Đối với mỗi tin phát hiện vi phạm nhanh, chính xác, Cục Điện ảnh đề xuất khen thưởng bằng kinh phí và giấy khen. Tất nhiên, số tiền thưởng này không quá lớn. Cục Điện ảnh xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trích kinh phí hoạt động, ngoài ra sẽ huy động nguồn xã hội hóa.
Việc thành lập tổ công tác, nhờ đối tượng hỗ trợ phát hiện sai phạm chỉ là giải pháp tình thế. Ông có đề xuất gì để tìm giải pháp căn cơ hơn, giải quyết tận gốc thay vì người quản lý phải chạy theo vi phạm?
Những thông tin sai sự thật như “đường lưỡi bò” phi pháp được gieo rắc và lan truyền thông qua các sản phẩm văn hóa nghệ thuật rất tai hại. Tôi nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia. Đối với tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể Việt Nam nên in bản đồ quốc gia Việt Nam trong bộ nhận diện. Các trang thông tin điện tử là cánh cửa mở ra trên không gian mạng nên các trang thông tin điện tử của Việt Nam cũng phải xác lập rõ ràng chủ quyền của mình bằng cách đăng tải bản đồ quốc gia.
Việt Nam cần phát huy sự ủng hộ của quốc tế và tận dụng mọi sự kiện quốc tế dù lớn hay nhỏ để tuyên truyền thông tin chính xác về chủ quyền thông qua các ấn phẩm, panô, áp phích. Đã đến lúc chúng ta cần mạnh mẽ phản bác những thông tin sai lệch bằng hình ảnh, trực quan thay vì chỉ bằng thái độ và lời nói.
Cảm ơn ngài!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/cuc-truong-cuc-dien-anh-vi-kien-thanh-thuong-khan-gia-phat-hien-phim-vi-pham -20230711100254475.chn” name=””]