Nếu nhận thấy trẻ có một số dấu hiệu dị ứng sau khi uống sữa, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều chỉnh kịp thời.
Với sự phát triển của thời đại, nhiều bậc phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc hấp thụ và bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bé bị dị ứng với sữa, vì vậy việc giảm dị ứng cho bé là vô cùng cấp thiết, vậy làm thế nào để giảm khả năng bé bị dị ứng?
Nguyên nhân khiến trẻ bị dị ứng sữa bò
Trong sữa bò có 2 loại đạm chính gây ra hiện tượng dị ứng đạm sữa bò đó là đạm Casein và đạm Whey. Cơ thể của trẻ rất nhạy cảm, khi phát hiện một tác nhân có hại cho sức khỏe hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể.
Do đó, khi cơ thể trẻ nhận định sai và cho rằng những thành phần đạm có trong sữa bò là có hại thì hệ miễn dịch sẽ tự động sản sinh ra kháng thể IgE làm trung hòa những loại đạm này.
Khi cơ thể lại được tiếp xúc với đạm sữa bò, kháng thể IgE sẽ yêu cầu hệ thống miễn dịch sản sinh ra Histamin – Một chất gây ra các tình trạng dị ứng. Và chính là nguyên nhân gây ra những dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò.
Sữa chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Đồng thời, nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò rất có thể do di truyền vì phần lớn các bệnh lý dị ứng thường có tính di truyền. Trẻ sẽ có tỉ lệ mắc cao nếu cha mẹ có tiền sử mắc bệnh dị ứng như sốt, ngứa hay dị ứng những loại thực phẩm từ sữa bò.
Một nghiên cứu mới đây của Hội nhi khoa Việt Nam cho thấy, khoảng 2,1% trẻ dị ứng đạm sữa bò và 12,6% trẻ có triệu chứng nghi bị dị ứng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số trẻ có phản ứng dị ứng muộn nên dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác.
Một số trẻ khác có các biểu hiện nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng lâm sàng do dị ứng đạm sữa bò nhưng không được phát hiện nguyên nhân kịp thời.
Những biểu hiện phổ biến khi trẻ dị ứng sữa bò, cha mẹ nên chú ý
Buồn nôn, nôn ra sữa: Trẻ sơ sinh thường có trớ lượng ít sữa khi ăn nhưng nếu trẻ nôn trớ ngoài giờ ăn thì cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ. Triệu chứng trào ngược, thể hiện bởi hiện tượng nôn và khó nuốt, có thể là biểu hiện của bệnh dị ứng.
Trẻ gặp vấn đề về hô hấp: Trẻ có thể bị khò khè, khó thở, ho khàn tiếng, có đờm trong mũi và cổ họng, đây có thể là những biểu hiện của phản ứng với protein trong sữa.
Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ hoặc phát ban trên da như chàm (eczema), mày đay, ngứa hoặc sưng phù quanh vùng mặt có thể là dấu hiệu dị ứng sữa bò.
Đau bụng, tiêu chảy: Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng là phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nếu tần suất xảy ra thường xuyên (khoảng 2 đến 4 lần một ngày trong vòng hơn một tuần) và/hoặc có máu trong tã thì đó là dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa bột công thức.
Da nổi mẩn đỏ: Chú ý khi trẻ bị nổi mẩn đỏ hoặc phát ban trên da như chàm (eczema), mày đay, ngứa hoặc sưng phù quanh vùng mặt.
Trẻ cáu gắt, quấy khóc: Nếu trẻ đột nhiên khóc kéo dài, quấy khóc không dứt cơn thì có thể là do đau bụng do bị dị ứng protein trong sữa bột công thức.
Để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về việc trẻ bị dị ứng sữa bõ, bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh sẽ có những chia sẻ hữu ích xung quanh chủ đề này.
Bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Thưa bác sĩ dấu hiệu nào giúp nhận biết trẻ bị dị ứng sữa bò?
Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường có các biểu hiện như:
– Sưng môi và mí mắt, phù mặt
– Đỏ da quanh miệng, má, cằm tái đi tái lại
– Sổ mũi, khò khè, ho kéo dài tái đi tái lại
– Nổi mề đay toàn thân, phát ban
– Thường xuyên nôn trớ, ói
– Tiêu lỏng kéo dài, trong phân có thể có máu
– Mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc, chậm lên cân
– Trong trường hợp phản ứng dị ứng mạnh, trẻ có thể có triệu chứng đỏ da toàn thân, khò khè thở rít diễn tiến nhanh, phải cấp cứu.
Tuy nhiên những dấu hiệu trên không chỉ xuất hiện khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò mà còn có thể gặp khi trẻ bị nhiễm bệnh, trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng khác… gây nhầm lẫn, khó nhận biết. Do đó, khi trẻ có những biểu hiện trên, dù không chắc có phải dị ứng đạm sữa bò hay không, cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám.
Canxi là một trong những dưỡng chất quan trọng có trong sữa bò, hỗ trợ trẻ phát triển tốt hơn. Vậy khi trẻ bị dị ứng sữa bò, nên bổ sung canxi như thế nào?
Trẻ dị ứng sữa bò nếu dưới 6 tháng tuổi, cần tăng cường bú mẹ, mẹ sẽ được hướng dẫn tránh ăn các thức ăn có chứa đạm sữa bò, cần bổ sung thêm calci và vitamin D.
Trẻ ở độ tuổi lớn hơn có thể bổ sung calci và protein thay thế từ thức ăn hoặc các loại thuốc hỗ trợ. Các loại thực phẩm giàu calci như thịt, cá, rau ngót, bông cải, cải bó xôi… Các loại sữa thay thế sữa bò như sữa thủy phân hoàn toàn, sữa đậu nành thường có chứa lượng calci và các chất dinh dưỡng khác đầy đủ cho trẻ.
Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có thể tạo cho trẻ khẩu phần ăn phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng.
Trẻ bị dị ứng sữa bò nên dùng sữa nào thay thế?
Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ chứa thành phần phù hợp nhất và an toàn nhất cho trẻ. Như đã nhắc đến ở trên, mẹ cần tránh các loại thực phẩm có chứa đạm sữa bò, mẹ ăn uống đủ chất để có thể tạo nhiều sữa cho bé bú, đồng thời bổ sung thêm calci và vitamin D. Khoảng 0.5% trẻ uống sữa mẹ hoàn toàn có biểu hiện dị ứng do trong chế độ ăn của mẹ có chứa sữa bò và truyền qua cho con bú.
Trong trường hợp sữa mẹ không đủ, trẻ cần được bổ sung công thức đạm sữa bò nhưng đã thủy phân hoàn toàn hoặc công thức Amino acid. Những sản phẩm sữa thủy phân hoàn toàn thường có ghi chú trên vỏ hộp “Hypoallergenic formula”, extensively hydrolyzed formula”, “amino-acid based formula”
Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, ngoài sữa, trẻ cũng cần tránh các thức ăn có chứa đạm sữa bò như: bơ, sữa chua, phô mai, váng sữa, bột ăn dặm có chứa thành phần đạm sữa bò (đạm Whey, đạm Casein). Các loại bánh ngọt, bánh bông lan, bánh flan, kem, kẹo sữa, chocolate… mà trong thành phần có chứa sữa bò, bơ, phô mai… cũng cần ngưng hoàn toàn.
Sữa thay thế trong độ tuổi này bao gồm sữa thủy phân hoàn toàn, sữa công thức amino acid và sữa đậu nành. Trẻ dị ứng đạm sữa bò thường có dị ứng chéo với các sữa động vật khác như dê, cừu… do đó phụ huynh không nên tự ý đổi qua sữa dê, cừu… mà nên đến bệnh viện để được tư vấn. Một số ít trẻ dị ứng sữa bò cũng dị ứng sữa đậu nành, khi đó trẻ chỉ có thể uống sữa thủy phân hoàn toàn hoặc sữa công thức amino acid.
Cha mẹ nên làm gì phòng tránh trẻ bị dị ứng sữa? Cũng như cách chăm sóc trẻ bị dị ứng sữa bò?
Việc phòng tránh dị ứng sữa bò là không thể, vì phản ứng dị ứng phụ thuộc vào cơ địa của trẻ. Có 2-3 trẻ bị dị ứng đạm sữa bò trong mỗi 100 trẻ. Trẻ cần làm một sốt xét nghiệm để xác định dị ứng đạm sữa bò như test lẩy da, xét nghiệm IgE đặc hiệu, test sữa (OFC).
Khi đã biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa, không để xuất hiện triệu chứng, như:
– Đọc kỹ thành phần các loại thực phẩm cần dùng cho trẻ, lựa chọn thành phần phù hợp,
– Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
– Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
– Bổ sung thực phẩm giàu calci, đạm, vitamin ngoài sữa như bông cải, cải bó xôi, đậu nành…
Trong trường hợp trẻ vô tình ăn hoặc uống thực phẩm có thành phần sữa bò và có triệu chứng cấp tính, cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay. Trẻ có thể được cho uống thuốc chống dị ứng để làm dịu triệu chứng, ở lại theo dõi tại cơ sở y tế trong vài giờ. Trong trường hợp dị ứng nặng, trẻ cần phải được theo dõi và xử trí trong phòng cấp cứu.
Thật may mắn vì hầu hết trẻ dị ứng đạm sữa bò sẽ giảm dần theo thời gian, 50% sẽ hết lúc 1 tuổi và phần lớn hết vào khoảng 3 tuổi, khi đó trẻ có thể sử dụng sản phẩm có chứa đạm sữa bò trở lại. Một điều cần chú ý là trẻ có tiền sử dị ứng đạm sữa bò có nguy cơ dị ứng với một vài loại thức ăn khác, tỉ lệ này lên đến 50%.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tre-di-ung-sua-bo-thieu-canxi-bs-mach-cach-thay-the-de-lam-du-chat-cho-con-lon-nhanh-d306737.html” alt_src=”” name=””]