Đại gia đình của họa sĩ Tạ Diệu Tâm có tới… 32 họa sĩ. Họ đã đóng góp cho thành phố tất cả công sức, tài năng và tâm huyết…
Tôi và cô dạy vẽ của mình – họa sĩ Tạ Diệu Tâm |
Nếu nói về thầy cô giáo từ thời ấu thơ của tôi, thì hiện ở TPHCM chỉ còn mỗi cô giáo dạy vẽ thời tôi học trường năng khiếu nghệ thuật Hà Nội.
Thầy trò chúng tôi từng trải qua những năm tháng học vẽ nơi sơ tán chống Mỹ ở Hà Bắc những năm 1966-1968 – một thời khó khăn gian khổ thiếu thốn đủ bề trong những căn nhà lá, hầm hào, những mảnh sân con đường lầy lội bùn đất… Những buổi học vẽ đơn sơ mà đầy kỷ niệm vui buồn.
Sau giải phóng, cô vào Nam dạy Đại học Kiến trúc, rồi về làm họa sĩ tại báo Phụ Nữ TPHCM. Những năm khó khăn, cô cùng một người em gái mở xưởng vẽ cà vạt kiếm sống qua ngày. Cà vạt vẽ tay của 2 nữ họa sĩ này từng bán cháy hàng một thời…
Cô là họa sĩ Tạ Diệu Tâm, con gái thứ hai trong 5 người con gái của hoạ sĩ Tạ Thúc Bình – một trong những người sáng lập Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tên ông vừa được đặt cho một con đường ở Bắc Giang quê hương ông. Và đại gia đình nhà giáo Tạ Diệu Tâm có tới… 32 họa sĩ. Trong đó có người từng là Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TPHCM, nhiều người giảng dạy hoặc là họa sĩ các đơn vị. Chồng cô là họa sĩ Hà Quang Phương, là người thiết kế măng sét một tờ báo lớn của TPHCM, từng dạy trường Đại học Kiến trúc. Trước kia chú cũng là người hướng tôi vào con đường mỹ thuật. Chú giảng dạy lớp tôi ở nơi sơ tán tại Hà Bắc.
Khi chú mất, tôi là người viết bài về chú đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, trong bài nhắc đến câu nói cuối cùng của chú với cô Tâm: “Anh thương em lắm!”. Con gái cô chú là Hà Tuệ Hương, học Văn, và em trai cô là họa sĩ Tạ Trí đều công tác tại NXB Giáo Dục.
Họa sĩ Tạ Diệu Tâm đã góp phần đào tạo hàng trăm họa sĩ, và các sáng tác của cô cũng đã được treo ở nhiều triển lãm và các phòng tranh. Tranh của họa sĩ Tạ Diệu Tâm rất dễ nhận ra, đó là chất trong sáng mềm mại, dù vẽ trên chất liệu gì; các nhân vật nữ đều có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt bồ câu đen huyền…
Như nhiều gia đình chọn TPHCM làm quê hương thứ hai, gia đình họa sĩ Tạ Diệu Tâm đã đóng góp cho thành phố đất lành chim đậu này tất cả công sức, tài năng và tâm huyết. Đặc biệt, với một gia đình có tới 32 họa sĩ, thì những đóng góp ấy mang đầy sắc màu, tô thắm thêm cho một thành phố lung linh, tình nghĩa .
Đã hàng chục năm trôi qua, hầu như Tết và ngày nhà giáo Việt Nam nào, chúng tôi cũng đến thăm cô Tạ Diệu Tâm hoặc mời cô dự họp lớp. Khi thì họp lớp ở nhà học trò cũ, khi thì họp mặt ngay ở nhà cô .
Đám học trò ngày ấy, nay người là trưởng khoa, người là Hiệu phó Trường đại học Mỹ thuật TPHCM, người là Phó giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Có người là nghệ sĩ nhân dân, người là thứ trưởng một Bộ, người là kiến trúc sư, họa sĩ, quân đội, doanh nghiệp, và nhà báo (là tôi)…
Bây giờ thoáng chốc nhìn lại, đám học trò đã già, đã về hưu, có người đã mất… vậy mà cô vẫn khỏe mạnh và vẫn sáng tác, vẫn vui vầy cùng con cháu và vẫn siêng đi họp tổ dân phố.
Huỳnh Dũng Nhân
Mời bạn viết và gửi những tấm hình quý giá đến cuộc thi Những bức ảnh trong đời do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức. Tác phẩm tham gia cuộc thi vui lòng gửi về: – Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. – Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”. Cơ cấu giải thưởng: – 1 giải Nhất: 1 máy ảnh Canon Eos R100, trị giá 22.000.000 + 10.000.000 đồng tiền mặt. – 1 giải Nhì: 1 máy ảnh Canon Powershot V10, trị giá 16.000.000 + 5.000.000 đồng tiền mặt. – 2 giải Ba: Mỗi giải 3.000.000 đồng tiền mặt. – 3 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2.000.000 đồng tiền mặt. – 6 giải phụ Tác phẩm được bình chọn nhiều nhất (dựa vào lượt like, share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM và trên website của Báo Phụ nữ TPHCM, theo mỗi tháng). Mỗi giải 1 máy in Canon G1010, trị giá 3.500.000 đồng. Thể lệ cuộc thi xin xem Tại đây |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bai-du-thi-nhung-buc-anh-trong-doi-co-giao-day-ve-cua-toi-a1507573.html” name=””]