Trong phút giây đó, cảm xúc như vỡ òa khi chàng ôm chặt nàng vào lòng và nhận ra đây chính là người con gái mà anh muốn ở bên cạnh và chở che cho đến hết cuộc đời.
Bố mẹ tôi đã có một hành trình tuyệt vời của sự chia sẻ và gắn bó |
Kỷ niệm 63 năm ngày bố mẹ tôi quen nhau, một buổi cà phê được “tổ chức” sau quyết định chớp nhoáng của 4 cô con gái rượu, cùng 1 vote của cậu con trai út đang ở nước ngoài.
Với ánh mắt ngập tràn hạnh phúc, bố kể câu chuyện tình của “chàng bố và nàng mẹ”, đưa chúng tôi về ngày xưa…
Vào những năm 1961, bố tôi là chàng thanh niên Hà Nội 22 tuổi đầy ắp hoài bão, khá nổi tiếng với “chức vụ” hiệu đoàn trưởng của trường Nguyễn Trãi. Học giỏi, năng nổ lại đẹp trai, nên thanh xuân của bố tôi tiếp tục là “ngôi sao” ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội và nhận được rất nhiều cảm tình của các cô thiếu nữ Hà thành.
Nhưng vì nhà nghèo, là lao động chính trong gia đình nên chàng trai ngày đó chỉ tập trung làm việc, nhận việc làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Một lần, sau buổi làm việc mệt nhọc, bố đạp xe đi tìm tô cháo đậu đen ở phố Gầm Cầu – nơi bán món ăn bình dân. Một gánh cháo đậu bốc khói nghi ngút nằm lặng lẽ ở một góc nhỏ, khuất sau rất nhiều hàng gánh xung quanh.
Có một người đàn bà nhỏ bé, chưa quá tuổi 70, nhưng lưng đã còng vì những tháng ngày vất vả gánh 2 nồi cháo to làm kế mưu sinh. Bên cạnh bà là cô cháu gái nhỏ nhắn, lặng lẽ giúp người dì đã nuôi cô thay cho cha mẹ cô mất sớm.
Hình ảnh giản dị của 2 người phụ nữ hiền lành, lầm lũi bên cạnh nhau đã chạm mạnh đến cảm xúc của chàng thanh niên, khiến chàng quay trở lại đó gần như mỗi ngày để… ăn cháo và dần trở thành khách quen, để rồi cô thiếu nữ ngóng chờ mỗi buổi chiều.
Những tô cháo dường như đầy hơn so với những người khách khác, đôi lúc có thêm miếng đậu hũ dưới đáy tô do chính tay cô gái múc cháo cho chàng.
Câu bắt chuyện vụng về, rụt rè ban đầu đã dần được thay bằng những chia sẻ cởi mở hơn. Sự đồng cảm và phù hợp về tính cách giữa 2 người hình thành từ những buổi cô gái ngượng ngùng xin dì cho phép đi chơi cùng “anh khách quen”.
Bố mẹ tác giả đã bên nhau 63 năm kể từ ngày đầu họ gặp nhau |
Sau những buổi chở nàng trên chiếc xe đạp cọc cạch trên con đường Thanh Niên lộng gió, chàng trai cảm mến tính cách dịu dàng nhưng ẩn chứa sự kiên định của cô gái; nhưng tự ti vì hoàn cảnh gia đình, anh vẫn cất những rung động đẹp vào một góc kín của trái tim.
Còn nàng cũng bắt đầu loạn nhịp tim “thương thầm nhớ trộm” anh chàng đẹp trai giỏi giang, chăm chỉ.
Cho đến một ngày, chàng đến gánh cháo nhỏ, chỉ thấy người dì đang dọn dẹp, hỏi mới biết là nàng đi mổ mắt. Chàng phóng xe như bay đến ngôi nhà nhỏ lụp xụp và thấy nàng nằm lặng lẽ trong căn phòng tối với đôi mắt vừa mổ do bị quặm.
Trong phút giây đó, cảm xúc như vỡ òa khi chàng ôm chặt nàng vào lòng và nhận ra đây chính là người con gái mà anh muốn ở bên cạnh và chở che cho đến hết cuộc đời.
Khi dành dụm được một khoản tiền nho nhỏ, một đám cưới đơn sơ nhưng đầy ắp hạnh phúc đã được tổ chức trong niềm vui của 2 gia đình.
Chỉ tiếc rằng bố mẹ tôi đã không có tấm ảnh cưới, do một sự cố hy hữu – người bạn thân của bố, sau khi đã rất nhiệt tình cân chỉnh đủ kiểu để chụp hình cho bạn, hôm sau mặt méo xệch báo tin: “Tớ quên không lắp phim vào máy”.
Cuộc sống của đôi vợ chồng son gặp rất nhiều khó khăn. Bố tôi vừa làm vừa học, quyết tâm lấy tấm bằng đại học cơ khí. Với năng lực sẵn có, bố đã đạt tới bậc thợ 7/7 khi còn rất trẻ. Mẹ tôi cũng rời gánh cháo để làm công nhân ở Nhà máy bia Hà Nội.
Với bản chất chịu thương, chịu khó, mẹ cũng trở thành công nhân tiêu biểu, được nhà máy cử đi học nâng cao tay nghề ở Tiệp Khắc; nhưng mẹ đã từ bỏ cơ hội nhiều người mơ ước đó để ở lại bên cạnh chồng con, cùng vun vén tổ ấm.
Trên mâm cơm đạm bạc ngày xưa và cho đến tận bây giờ, miếng ngon nhất mẹ luôn dành phần bố. Mẹ không biết đi xe đạp nên đi đâu cũng được bố chở.
5 chị em tôi ra đời, bố luôn bên cạnh trong những lần vượt cạn đau đớn của mẹ. Bố thức đêm thay tã, cho con bú để mẹ được chợp mắt. Những năm thập niên 1970-1980, gia đình rất khó khăn, nhưng chúng tôi đều được nuôi dưỡng và trưởng thành từ sự vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc của bố mẹ.
Tác giả và bố |
Thanh xuân của bố mẹ tôi gắn với cuộc chiến tranh khốc liệt của đất nước, với những lần sơ tán, giữa ranh giới mong manh của cái chết và sự sống. Dù vậy, bố mẹ tôi chưa một ngày rời xa nhau.
Bên cạnh sự tảo tần đôi khi đến kiệt sức của mẹ luôn có bờ vai vững chãi của bố để mẹ có thể dựa vào và trên từng chặng đường sự nghiệp từ anh thợ máy, chàng kỹ sư, đến một cán bộ quản lý của bố luôn có sự chăm sóc ân cần của mẹ.
63 năm – một hành trình dài của bố mẹ. Tôi chợt nhớ đến câu nói “Là mối tình đầu của ai đó thì thật tuyệt, nhưng nếu là mối tình cuối của người đó còn tuyệt vời hơn”. Tôi không chắc mẹ là rung động đầu đời của bố tôi, nhưng chắc chắn số phận đã chọn mẹ tôi là mối tình cuối cùng của bố.
Bố mẹ đã có một hành trình tuyệt vời của sự chia sẻ và gắn bó, để giờ đây có thể hãnh diện và tự hào kể lại câu chuyện tình yêu, những bài học đạo đức quý giá về sự chung thủy cho các thế hệ con cháu.
Bài và ảnh: Lê Hồng Hạnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cau-chuyen-tinh-yeu-chuyen-tinh-63-nam-cua-chang-bo-va-nang-me-a1514515.html” name=””]