( Yeni ) – Không chỉ là cây cảnh nở hoa đến 200 ngày mỗi năm, loại cây này còn có mùi thơm thoang thoảng và giúp gia chủ gặp vận may hơn người.
Nguyệt quế là một trong những cây cảnh có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và nhanh chóng nhận được sự yêu mến từ người Việt. Loại cây này thường có chiều cao từ 2 đến 4m và nổi bật với những chiếc lá xanh mướt, mọc xen kẽ nhau dọc theo thân. Hoa nguyệt quế có màu trắng hơi ngả vàng và thường nở quanh năm, thậm chí có những cây nở hơn 200 ngày một năm.
Mặc dù sở hữu vẻ ngoài khá “khiêm tốn” nhưng cây nguyệt quế lại khiến mọi người “xao xuyến” bởi mùi thơm dịu dàng, thoang thoảng và tạo cảm giác dễ chịu, sảng khoái. Đặc biệt, cây nguyệt quế còn có quả. Khi còn non, quả của cây nguyệt quế sẽ có màu xanh rồi chuyển dần sang cam và đỏ khi chín.
Cành của nguyệt quế thường khá mềm và dẻo dai nên bạn có thể kết hợp cùng các nguyên liệu tự nhiên như gỗ, đá… để làm tiểu cảnh. Dù là trồng trong các chậu cảnh hay trên mặt đất thì cây nguyệt quế đều có những nét đẹp riêng và khiến mọi người phải thích thú.
Không chỉ được sử dụng làm cây cảnh trang trí không gian sống, nguyệt quế còn có nhiều tác dụng khác như thanh lọc không khí. Nhiều người đã ví loại cây này như “máy lọc không khí tự nhiên” vì có thể hấp thụ các chất độc hại như carbon dioxide, formaldehyde…, giúp ngôi nhà của bạn lúc nào cũng thoáng mát, sạch sẽ.
Đặc biệt, trong Đông y, cây nguyệt quế với vị đắng, cay đặc trưng và tính ấm có thể hỗ trợ gây tê, tiêu viêm… cũng như điều trị các bệnh như tiêu chảy, phong thấp, đau nhức xương khớp hay các vết côn trùng cắn…
Ngoài ra, trong phong thuỷ, người ta thường trồng nguyệt quế trước cửa nhà với mong muốn trừ tà ma, xua đuổi vận xui cũng như những điều không may. Bên cạnh đó, cây nguyệt quế còn giúp gia chủ có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, trường thọ và thuận lợi trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Lưu ý khi trồng và chăm sóc nguyệt quế
– Vì nguyệt quế là cây cảnh có sức sống mãnh liệt và dễ thích nghi với mọi môi trường nên bạn có thể trồng chúng ở mọi nơi, từ khí hậu ẩm ướt cho đến khô hạn. Ngoài ra, việc chăm sóc nguyệt quế cũng dễ dàng nên người mới “nhập môn” cũng có thể trồng cây.
– Bạn có thể trồng nguyệt quế theo 4 phương pháp chính là gieo hạt, ghép mắt, chiết cành và giâm cành. Tuy nhiên, ghép mắt là phương pháp được nhiều người dùng nhất vì vừa có tỷ lệ thành công cao vừa nhanh cho ra hoa.
– Nên chọn những loại đất có khả năng thoát nước tốt, độ pH phù hợp từ 5 đến 7. Vì đây là cây cảnh ưa môi trường có độ ẩm cao nên bạn cần thường xuyên tưới nước để cây có đủ độ ẩm, dễ dàng phát triển tốt và liên tục ra hoa.
– Nên đặt cây nguyệt quế ở nơi có môi trường mát mẻ, ánh sáng tán xạ và cường độ ánh sáng không quá cao. Nếu trồng trong nhà, bạn nên mang cây ra phơi nắng một chút vào buổi sáng hoặc chiều muộn.
– Tuỳ vào cây lớn nhỏ khác nhau, bạn có thể bón phân theo chu kỳ 2 tháng một lần để cây phát triển tốt nhất. Trong thời kỳ phát triển của cây nguyệt quế, bạn nên bón phân kali để chúng cứng cáp hơn.
[yeni-source src=”https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/loai-cay-duoc-vi-nhu-bua-cau-may-trong-trong-nha-vua-thom-vua-giup-gia-chu-thu-hut-tien-tai-danh-vong-807302.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/loai-cay-duoc-vi-nhu-bua-cau-may-trong-trong-nha-vua-thom-vua-giup-gia-chu-thu-hut-tien-tai-danh-vong-d401611.html” name=”giaitri.thoibaovhnt.vn”]