Một thời ở quê tôi, xe kéo lên nương, xuống ruộng, lộc cộc bốn mùa. Hồi ấy, nhà nuôi rất nhiều gia súc, lại làm ruộng nhiều nên cha tôi sắm hẳn 2 chiếc xe kéo. 1 chiếc xe trâu kéo, 1 chiếc xe bò kéo.
Những chiếc xe kéo trở thành hàng hiếm ở nông thôn |
So với xe trâu, xe bò thường nhỏ hơn, trọng lượng cũng nhẹ hơn hẳn. Phần thân xe bò thường được gia cố thêm 3 tấm gỗ, chắn ở 3 phía, tạo thành một chiếc hộp giúp người nông dân vận chuyển nông sản, vật dụng qua những quãng đường xóc nảy mà không bị rơi rớt. Đối với xe trâu, ngoài 2 càng xe được thiết kế bằng những thanh gỗ loại tốt, nặng trịch thì các bộ phận khác như thân xe, bánh xe cũng được cơi nới to hơn về kích cỡ. Không khép kín như xe bò, xe trâu là những chiếc xe “mui trần” – phần thân xe chỉ là một mặt sàn phẳng, ghép bằng gỗ hoặc những lá thép dày.
Những ngày mùa hè, mặt người chưa tỏ, từ trong giường tôi đã nghe tiếng lộc cộc phát ra từ nhà kho. Cha tôi đang soạn sửa kéo xe ra đồng. Đang là mùa nhổ đậu phộng. Mới hôm trước, trời đổ xuống những trận mưa giông. Đất tơi ra, xốp bồng, có mấy nơi hạt đậu phộng nhờ mưa mà lộ ra trên mặt ruộng.
Mặt trời càng lên cao, cánh đồng khắp nơi rộn ràng vì không khí lao động khẩn trương. Trừ những người già và em bé còn quá nhỏ, còn lại mọi người đều được huy động ra đồng để nhổ đậu. Đậu phộng nhổ lên, giũ bớt đất, trải thành hàng trên mặt ruộng. Lát sau, khi mặt trời cao quá ngọn tre, những chiếc lá sẽ héo dần, chuyển màu sang thẫm. Lúc này, cha sẽ dùng những sợi dây để bó đậu phộng lại thành từng bó thật chặt, chất lên xe kéo chở về nhà.
Nếu dùng xe trâu, cha sẽ đem về nhà những bó đậu phộng nguyên cây. Hạt đậu tất nhiên sẽ được hái ra, phơi kỹ, phần làm giống, phần bán cho thương lái. Phần thân và rễ cây sẽ được trộn vào đất và phân chuồng, chờ hoai mục đem bón cho cây cối, đồng ruộng mùa sau. Có năm, mùa đậu phộng trùng với mùa cưa xẻ bạch đàn trên rẫy nên cha ưu tiên xe trâu để chở gỗ. Chiếc xe bò nhỏ hơn được đem ra dùng. Để bớt cồng kềnh, cha dùng liềm cắt trụi phần thân và lá cây, chỉ chừa lại phần có hạt đậu sát gốc. 2 chiếc càng xe bò được ghé vào gò đất cao trên đồng, mẹ và chị em tôi sẽ gánh đậu phộng đổ vào thùng xe. Lúc đậu đã vun cao, ba đóng thùng và dong xe đến bên chú bò đực to khỏe, thắng bò vào xe. Đường làng lại vang tiếng lộc cộc giữa trưa hè.
Vào mùa gặt lúa, xe kéo sẽ được sử dụng thường xuyên hơn. Những chú trâu to nhất bầy cũng không ngừng được vỗ béo. Sau khi lúa được kéo về nhà, cha sẽ bốc dỡ từng bó lúa đặt vào dưới mái hiên. Khi đã xong, mẹ sẽ chạy ra sân phụ cha cởi áo khoác, lau mồ hôi, mời cha ngồi xuống chiếc bàn trà đặt dưới gốc nhãn trước sân ăn bữa xế, uống ly nước trà thật đậm. Chú trâu kéo xe cũng được dắt ra cột vào hàng chè tàu trước ngõ, “thưởng nóng” cho một bó lá tươi. Mẹ lấy chổi quét sạch sàn xe, cho kỳ hết những hạt lúa cuối cùng, rồi kéo xe đặt ở khoảng đất rộng. Lúc này, chị em tôi bắt đầu kéo đến, đứa leo lên sàn xe kéo múa máy, đứa thì chui xuống gầm bày biện đồ hàng rồi tưởng tượng mình đang an trú, sở hữu riêng một mái nhà.
Bây giờ, nông dân quê tôi chuyển sang làm nông bằng cơ giới. Nông sản bốn mùa đều được vận chuyển trên những chiếc xe công nông, xe bán tải. Hình ảnh những chiếc xe trâu, xe bò chở bắp, chở đậu, chở lúa đi trên đường quê đá sỏi nay trở thành kỷ niệm, tiếng lộc cộc chỉ còn vang vọng từ xa xôi.
Minh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/loc-coc-xe-keo-a1516589.html” name=””]