Nhà giáo Phan Thị Tùy Anh đã đúc rút ra 3 bài học tuyệt vời từ hướng tiếp cận Reggio Emillia mà ba mẹ có con 0-6 tuổi có thể áp dụng.
Reggio Emilia là hướng tiếp cận do nhà tâm lý học, bậc thầy sư phạm người Ý Loris Malaguzzi phát triển. Trong môi trường giáo dục Reggio Emilia, trẻ em là trung tâm, là nhân vật chính của quá trình học hỏi, có quyền được tự do sáng tạo, được tôn trọng, được lắng nghe, thấu hiểu và giáo viên hay cha mẹ là người đồng hành, hỗ trợ trẻ khám phá, học tập.
Là nhà giáo dục chuyên ngành sư phạm mầm non, nhiều năm làm việc tại Singapore, Úc và Việt Nam, sáng lập trường mầm non theo hướng tiếp cận Reggio Emilia, nhà giáo Phan Thị Tùy Anh đã đúc rút 3 bài học tuyệt vời mà ba mẹ có con 0-6 tuổi có thể áp dụng tại gia đình.
Nhà giáo Phan Thị Tùy Anh và học sinh trong một chuyến dã ngoại |
1. Một trăm ngôn ngữ của trẻ
Nhà sáng lập Loris Malaguzzi của hướng tiếp cận Reggio Elimia có thuật ngữ nổi tiếng: “Một trăm ngôn ngữ của trẻ”. Trẻ em có hàng trăm, hàng ngàn triệu tỉ cách tư duy, thể hiện, giao tiếp và vui chơi, quan sát và khám phá thế giới. Chẳng hạn, cùng với chiếc lá, có bé cho vào miệng nếm, có bé xé ra ngửi mùi, có bé lại thả bay trong gió. Điều giáo viên hay cha mẹ cần làm là tạo điều kiện cho con khám phá, cho phép con thể hiện “ngôn ngữ” của riêng mình, dành thời gian để quan sát và hiểu được cách con tương tác.
Điều này nói thì dễ nhưng không phải người lớn nào cũng thực hiện được. Chẳng hạn, độ tuổi 6-12 tháng, trẻ thường cho mọi thứ vào miệng cắn, bởi các con khám phá thế giới qua các giác quan. Phản ứng thường gặp của ba mẹ là sợ con nuốt nên cấm đoán, giật đồ từ tay con. Trong trường hợp này, phụ huynh nên chọn đồ chơi gặm nướu, đồ chơi có vật liệu an toàn, kích thước không quá nhỏ (dễ hóc) hấp rửa sạch để cho con chơi, qua đó trẻ cảm nhận được độ mềm, cứng, sần sùi của vật liệu.
Khi các con thích vẽ lên tường, ba mẹ có thể dán một mảnh giấy lớn để con thoải mái vẽ. Khi con chia sẻ về ý tưởng hay vẽ tác phẩm theo cách của con, người lớn cần lắng nghe và đón nhận những gì trẻ thể hiện, không phủ nhận, chê bai.
Có một cô bé cắt tờ tiền ra làm đôi, giấu dưới gối ba mẹ, háo hức chờ đợi khi ba mẹ phát hiện ra sẽ kể cho ba mẹ câu chuyện về nàng tiên tặng ba mẹ tiền. Khi ba mẹ tìm thấy tờ tiền thì rất ngạc nhiên hỏi tại sao có tiền ở đây, tại sao tiền lại cắt làm đôi. Cô bé trả lời, con muốn tặng ba mẹ mỗi người một nửa. Ba mẹ cô bé cảm ơn con gái, nói rằng ý tưởng rất hay.
Ba mẹ cô bé không vội vã giảng giải cho con về đồng tiền, về việc không được cắt tiền, mà chờ đợi một dịp khác thích hợp, bởi không muốn mất đi niềm hân hoan hạnh phúc mà con gái đang có. Không phải người lớn nào cũng ứng xử được như vậy. Thường ta sẽ mắng con vì đã cắt tiền ra, tiền khó khăn lắm mới kiếm được mà lại lãng phí, sao nghịch dại thế… Khi chúng ta phản ứng quá nhanh, quá sớm, quá nôn nóng chỉnh sửa con thì sẽ bỏ lỡ những điều tốt đẹp trong thế giới con trẻ.
2. Dạy con qua tình huống thực tế hằng ngày
Một nét nổi bật khác trong giáo dục Reggio Emilia chính là giáo dục tình huống. Thay vì một tiết học về rửa tay, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ kỹ năng này trong chính tình huống thực tế, như rửa tay sau khi đi vệ sinh hay đi chơi ngoài trời về. Cha mẹ nên tận dụng cơ hội, tình huống trong cuộc sống hằng ngày, từ bữa ăn, dọn dẹp, chào hỏi, cảm ơn, đi ra đường an toàn… để hướng dẫn con.
Đây chính là những bài học đắt giá mà mọi người thường bỏ qua. Khi bố trí không gian trong nhà, nên sắp xếp để vừa tầm với của con, con tự làm được, tự cất được đồ chơi, tự lấy bàn chải đánh răng… Thay vì đút cho con ăn thì cho con tự xúc, con ngồi ăn cùng cả nhà để quan sát cách ba mẹ ăn uống. Ba mẹ là tấm gương để con học hỏi. Ba mẹ tắt điện khi không dùng tới, tiết kiệm điện nước thì con cũng học được điều đó. Ngoài ra, ba mẹ có thể cùng con thực hiện các dự án mà con đề xuất, trân trọng khoảnh khắc con làm việc với ý tưởng và vật liệu, coi trọng quá trình thực hiện hơn là kết quả.
3. Dành thời gian chất lượng cho con với những vật liệu mở, phát triển khả năng sáng tạo
Thay vì tốn tiền mua đồ chơi đã thành sản phẩm như khủng long, rô bốt điều khiển mà các con chơi 5-10 phút đã chán, cha mẹ có thể chuẩn bị những vật liệu mở, kích thích sáng tạo. Chúng ta có thể tạo ra góc nghệ thuật mini ở nhà với thùng giấy các tông, giấy các kích cỡ khác nhau, các loại bút sáp, bút chì màu, bút chì đen với các loại nét đậm nhạt khác nhau…
Hãy sắp xếp chúng sao cho trẻ dễ tiếp cận và sử dụng. Với những nguyên liệu đơn giản này, trẻ em có thể dành hàng giờ để tô, vẽ, xé giấy, phân biệt màu sắc, phối màu, chơi đùa, sáng tạo, qua đó học về màu sắc, hình khối, kích thước, rèn các kỹ năng tiền đề cho việc viết… Cha mẹ có thể ngồi bên cạnh, quan sát con, trò chuyện về sản phẩm của con…
Ngoài ra còn có nhiều trò chơi đơn giản để cha mẹ chơi cùng con như nghe và đoán âm thanh của nồi niêu xoong chảo, tắt đèn tạo ra bóng, vẽ bóng trên giấy, chiếu đèn gần – xa tạo ra bóng lớn – nhỏ… Có thể chỉ 15-30 phút chơi cùng con, nhưng đó là thời gian vui vẻ, chất lượng, qua đó các con học được về âm thanh, ánh sáng, khoa học, toán học…
Hằng Nguyễn (ghi)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/3-bai-hoc-tu-huong-tiep-can-reggio-emilia-a1516246.html” name=””]