Nhiều cặp vợ chồng trì hoãn sinh con do mong muốn phát triển sự nghiệp, mua được nhà… Tuy nhiên, họ cũng có thể đối diện với nguy cơ hiếm muộn.
Ngày nay, xu hướng trì hoãn sinh con của các đôi vợ chồng ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Lý do thường gặp là: vợ chồng mong muốn phát triển sự nghiệp, mua được nhà hay muốn hưởng thụ cuộc sống không vướng bận con cái. Tuy nhiên, đằng sau những lý do tưởng chừng chính đáng ấy, nhiều đôi đối diện với nguy cơ hiếm muộn.
Những câu chuyện mà bạn đọc gửi đến cho phóng viên chúng tôi dưới đây, một lần nữa đã góp phần cảnh báo nguy cơ này.
Vay tiền, ôm nợ chữa hiếm muộn
Công tác tại khoa nhi của một bệnh viện tỉnh, chị Ngọc Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) tiếp xúc với những thiên thần nhỏ mỗi ngày. Với chị, đó vừa là niềm vui, cũng vừa là nỗi đau thầm kín, bởi chị là một phụ nữ hiếm muộn nhiều năm.
Chị Phương và anh Quân (làm điều dưỡng ở một bệnh viện huyện) kết hôn vào cuối năm 2011, khi chị 31 tuổi, anh 33 tuổi. Sau khi cưới, anh chị đồng thuận “kế hoạch” bằng cách đặt vòng tránh thai, vì kinh tế chưa ổn định.
Gần 4 năm sau, khi đã nhẹ gánh gia đình, chị quyết định “thả” để kiếm con, nhưng “thả hoài không dính”. Anh chị lên Sài Gòn, tìm đến bệnh viện chuyên chữa hiếm muộn. Bác sĩ kết luận chị Phương bị hội chứng buồng trứng đa nang. Bác sĩ đưa ra phương pháp can thiệp, hỗ trợ sinh sản là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Cặp sinh đôi Win và Happy con của chị Thảo – anh Tưởng |
Chị Phương chia sẻ: “Vợ chồng tôi gom góp tiền bạc, xin nghỉ phép rồi lên Sài Gòn mướn nhà trọ gần bệnh viện. Trải qua hàng loạt xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, chọc hút trứng, lấy tinh trùng và chờ đậu phôi… Đó là quãng thời gian vô cùng mệt mỏi, căng thẳng nhưng cũng đầy hy vọng. Vậy mà…” – chị nói, mắt ngân ngấn nước. Lần thất bại này, vợ chồng chị tốn gần 100 triệu đồng – gần hết khoản tiết kiệm của vợ chồng.
Trong 3 năm tiếp theo, vợ chồng chị cứ trả nợ cũ, vay mượn nợ mới để thực hiện tiếp 2 lần làm IVF nhưng đều thất bại. Năm 2021, bệnh viện có chương trình hỗ trợ cho những đôi có hoàn cảnh khó khăn, thất bại IVF nhiều lần và chị may mắn nằm trong số đó.
Tuy nhiên, chị đều không đậu thai và đến nay, khi bước sang tuổi 44, giấc mơ làm mẹ của chị vẫn còn xa lắc. “Bác sĩ nói, nếu lúc trước chúng tôi phát hiện và điều trị sớm, có lẽ tình hình đã khá hơn” – giọng chị đầy tiếc nuối.
Có những cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi đã sinh đứa con thứ nhất. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều đôi rất chủ quan với suy nghĩ “đã đẻ được rồi thì lo gì… tịt”. Ấy vậy mà “tịt” thật. Chị Minh Hằng – 41 tuổi, trưởng chi nhánh một ngân hàng – là trường hợp như vậy.
Khi con trai lên cấp III, du học nước ngoài, chỉ còn 2 vợ chồng trong căn nhà rộng lớn, chị mới thèm có thêm 1 đứa con nên ngưng các biện pháp kế hoạch. Chờ mãi vợ không cấn bầu, anh Khang đi khám mới biết mình bị rối loạn chức năng tinh trùng nên không thể thụ thai tự nhiên. Bác sĩ phải giải thích, có thể do tuổi tác và việc uống rượu, hút thuốc thường xuyên của anh làm ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng, dù trước đó vợ chồng anh đã sinh 1 đứa con khỏe mạnh. Hơn 1 năm qua, vợ chồng chị Hằng chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chưa có tin vui.
Niềm vui về đích sớm
Trong lúc nhiều người cùng trang lứa vẫn còn đang vất vả nuôi con nhỏ hay chật vật chạy chữa hiếm muộn thì chị Khánh Ngân ở tuổi 46 đã thong dong khi con lớn vào đại học, con nhỏ đang học lớp Mười hai. Chị hiện là phó tổng biên tập một tờ báo cấp tỉnh.
Mỗi sáng, vợ chồng chị Ngân đều đạp xe tập thể dục và uống cà phê, ăn sáng cùng nhau như đôi tình nhân rồi mới đến sở làm. Nhìn cuộc sống nhẹ nhàng và hạnh phúc của chị, mấy cô bạn ghen tị nói “bà sướng như tiên”. Nghe vậy, chị Ngân chỉ cười: “Mấy bà sướng trước cực sau, còn tui lo cực trước cho rồi, nên bây giờ sướng”.
24 tuổi, chị Ngân lấy chồng, 25 tuổi sinh con đầu lòng. Khi con đầu 16 tháng, chị mang thai lần hai và hoàn thành “nghĩa vụ sinh đẻ” ở tuổi 28. Thời gian sinh và nuôi con, chị làm phóng viên, công việc áp lực và giờ giấc thất thường. Nhờ vợ chồng đồng lòng, quyết tâm vén khéo, mọi khó khăn rồi cũng qua. Nhờ chị sinh con sớm nên ông bà ngoại còn khỏe, có thể phụ chăm cháu.
Nhớ lại những ngày vất vả, chị Ngân kể: “Buổi tối, tôi một tay bồng con, một tay cầm tài liệu đọc. Rồi tôi chui vô mùng viết bài, cứ viết được một ít thì con quấy khóc, đòi sữa, phải dừng lại dỗ con”. Đến khi các con đứa vào lớp Ba, đứa vào lớp Một, đã biết tự ăn uống, học hành, chồng chị chịu trách nhiệm chính trong chuyện chơi cùng con và dạy con học thì đó cũng là lúc chị có thể toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc.
Chị Ngân nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp, từ phóng viên lên biên tập viên, thư ký tòa soạn và trở thành phó tổng biên tập ở tuổi 41. Chị Ngân chia sẻ trải nghiệm của mình một cách hài hước: “Sinh con gần nhau chăm rất cực. Tuy nhiên, mình tiết kiệm được một khoản khi đứa nhỏ “thừa kế” được nhiều đồ của đứa lớn. Mình cũng đang đà chăm con nên đỡ ngán. Phụ nữ sinh con liền kề chỉ bị mất dáng và vất vả 1 lần thay vì sồ sề và vất vả nhiều lần trong đời”.
Cũng về đích sớm một cách ngoạn mục là trường hợp chị Phương Thảo – thư ký y khoa của một bệnh viện lớn ở TPHCM. Vợ chồng chị kết hôn khi cả hai 29 tuổi (năm 2020). Sau đám cưới 6 tháng, vợ chồng chị Thảo đã đi khám hiếm muộn ở Bệnh viện Hùng Vương mới biết anh Tưởng – chồng chị – bị rối loạn chức năng tinh trùng, phải can thiệp hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IUI (thụ tinh nhân tạo) nhưng không thành công.
Sau đó là chuỗi ngày vừa điều trị đông y, vừa tây y. Mãi đến khi được bác sĩ chỉ định làm IVF thì vận may mới mỉm cười với vợ chồng chị. Sau 3 năm điều trị hiếm muộn, chị Thảo đã sinh được 1 trai, 1 gái vào tháng 1/2024 trong niềm vui, hạnh phúc của cả dòng họ.
Nhìn lại hành trình gian khổ và tốn kém, dù kinh tế không dư dả, chị Thảo mừng vì mình còn may mắn: “Bác sĩ nói, nếu điều trị trễ 1-2 năm thì rất có thể chúng tôi sẽ không thể có con”.
Bác sĩ Huỳnh Thị Trong đang tư vấn cho bệnh nhân |
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Thị Trong – Cố vấn cao cấp chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện An Sinh; nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em – có những người trước đó sinh đẻ bình thường, nhưng có thể xảy ra bệnh lý như: viêm nhiễm ống dẫn trứng, viêm ống dẫn tinh… khi đó sẽ khó có con.
Thậm chí, có những đôi kết hôn lần nữa, là 2 người đã từng có con, nhưng sống chung vẫn không có con, khám mới biết 1 trong 2 người có vấn đề. Có những trường hợp tìm ra nguyên nhân, có những trường hợp không tìm ra.
“Tôi vẫn khuyên: khi đã lập gia đình, nếu sức khỏe bình thường thì vợ chồng nên lên kế hoạch sinh con, không nên trì hoãn. Còn vợ chồng đã có đứa thứ nhất rồi thì nuôi dạy cho tốt, khoảng 3 tuổi sinh thêm con thứ hai. 2 con sinh gần nhau sẽ dễ nuôi, dễ chăm, anh/chị em có thể chơi với nhau. Nếu anh/chị em cách nhau quá xa, như đứa 15 tuổi đứa 2 tuổi, thường sẽ không chơi với nhau, mà chăm cũng rất khó.
Trì hoãn sinh con, khi tuổi ngày càng lớn thì nguy cơ suy buồng trứng, u xơ tử cung, polyp lòng tử cung… càng cao, khi đó rất khó có con hoặc không thể có con” – bác sĩ Huỳnh Thị Trong nói.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao, người bị vô sinh ngày càng trẻ hóa. Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Về nguyên nhân vô sinh: do nam giới là 40%; 40% do nữ giới và 10% do cả 2 vợ chồng; không rõ nguyên nhân: 10%. |
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hoan-sinh-lo-su-nghiep-e-hoi-han-muon-mang-a1523416.html” name=””]