Vài ngày trước, khi đàn cháu về quê nghỉ hè, ngoại đã lôi khuôn bánh thuẫn ra tỉ mẩn chà rửa, chép miệng: “Mai đổ bánh cho tụi nhỏ ăn”.
Ngoại kiểm tra số trứng gà ta con gái trữ trong tủ lạnh, lần gỡ kim băng trên túi áo kiểm đếm mớ tiền rồi nhờ thằng cháu chạy ra tiệm tạp hóa mua cho ngoại ký bột mì, ký đường, 2.000 đồng vani.
Nguyên liệu làm bánh thuẫn chỉ đơn giản như vậy, nhưng để có những chiếc bánh nở to, xốp, mềm thơm thì quan trọng nhất là khâu đánh trứng. Trứng sau khi tách vỏ, phải được đánh đến khi bọt bong bóng đạt đến độ to nhất định mới thêm bột, trộn đều. Trộn hết phần bột thì trộn thêm đường, trộn đến khi tất cả hòa quyện vào nhau thành hỗn hợp có độ sệt, dẻo.
Ngoại luôn mong con cháu về đầy nhà |
20 năm trước, con trai và con gái ngoại chưa lập gia đình, khi má làm bánh thuẫn, đứa nào cũng háo hức thay phiên nhau dùng bó đũa lớn đánh trứng giúp ngoại. 20 năm sau, những đứa con ấy đã có gia đình riêng, tất bật với công việc riêng. Đàn cháu thì đứa lớn nhất vừa học xong lớp Tám, đứa nhỏ còn chưa hết lớp Chồi nên mặc định phần đánh trứng là của ngoại.
Nhìn ngoại loay hoay với bó đũa, chưa kịp đánh trứng thì đã thấy… mỏi, con gái út của ngoại lắc đầu, bưng thau trứng đổ vào… máy xay sinh tố. Đến lần thứ sáu của quy trình, bật máy sinh tố chạy cấp độ 2 khoảng 1 phút thì tắt máy, cho trứng nghỉ 1 phút, để nguội trứng, lại bật máy thì ngoại mới gật gù báo trứng đã đạt.
Ngoại đổ trứng ra thau lớn hơn, cho từng ít bột vào đảo đều. Bột tan hết, ngoại lại đổ từng ít bột vào. Hết bột trong túi, ngoại lập lại quy trình với đường. Sức tay của ngoại chỉ có thể khuấy từng lượng bột, đường nhỏ. Thành phẩm của 1 ký trứng, 1 ký bột, 1 ký đường là thau hỗn hợp bột có độ sệt, dẻo. Cuối cùng, để bánh dậy mùi, ngoại thêm ít nước cốt gừng, vài lọ vani.
Khuôn bánh thuẫn có 2 mặt và lửa để nướng bánh cũng chia trên dưới. Thường bột bánh chỉ được cho vào khoảng 2/3 khuôn dưới, sau đó, tùy tay nghề đánh trứng, tùy kỹ thuật canh lửa, bột bánh sẽ nở to đều đẹp hay không nở (bánh dạt), cháy sém mặt trên hay mặt dưới.
Việc canh chỉnh lửa khuôn trên dưới, không phải người làm bánh nào cũng có thể thành công ngay những mẻ đầu tiên. Như ngoại, dù từng đổ bánh thuẫn cho chồng, cho con ăn khi ngoại mới 20 tuổi, rồi đổ hàng ngàn chiếc bán chợ tết thì mẻ bánh thứ nhất, thứ hai vẫn bị sự cố.
Những chiếc bánh không nở tạo thành hình 5 cánh như bông mai, thường được gọi là bánh dạt hay “bánh thầy tu”. Xưa, khi bánh mứt ngày tết chưa nhiều, những mẻ “bánh thầy tu” sẽ được ngoại “thưởng nóng” cho đàn con đang xúm xít trông ngóng. Những mẻ bánh đẹp, nở đều, ngoại làm một lò sấy dã chiến với than, sấy khô cong, cho vô hũ, đậy nắp dành tiếp khách đến nhà dịp tết hay mang ra chợ bán kiếm tiền.
Hồi này, ngoại đổ bánh cho lũ cháu ăn nên khi bánh chín, ngoại dích nhẹ cho cái bánh rớt ra khỏi khuôn, cho vào rổ. Đám cháu thích cái nào cứ cầm lấy, cắn ngập răng, cảm nhận miếng bánh thuẫn nóng hổi. Bánh mới có mùi thơm của gừng, của vani, vị béo của trứng gà ta, vị ngọt của đường, cái xốp mịn của bột bánh.
Vừa ăn, lũ trẻ vừa ngó khuôn bánh của ngoại chờ mẻ mới để chọn hình dáng chiếc bánh mình thích, rồi xin, vừa ăn vừa hít hà.
Ăn chán, bọn trẻ đứa dùng vá quậy bột, đứa năn nỉ ngoại cho mình được đổ bánh, đứa lấy cái nón lá bưng bánh đi bán… Tiếng cười, tiếng nói ríu rít khắp sân.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngoai-do-banh-thuan-ngoai-san-a1523247.html” name=””]