Nghe nói Basel (Thụy Sĩ) là trung tâm công nghệ sinh học của thế giới, tôi tưởng thành phố này khô khan lắm. Nhưng không, Basel có vẻ đẹp của một thành phố cổ kính, mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử và một không khí thanh bình kỳ lạ.
Dreiländereck – điểm giao nhau giữa Pháp, Đức, Thụy Sĩ |
Một ngày đặt chân đến 3 nước
Khi mới đáp xuống sân bay Basel, tôi bất ngờ thấy bảng chỉ dẫn lối ra 2 nước, một bên là Pháp, một bên là Thụy Sĩ. Bạn nghĩ Basel là nơi giao nhau giữa 2 nước phải không? Câu trả lời là không. Thực tế, Basel có điểm giao nhau giữa 3 nước (Pháp, Đức, Thụy Sĩ).
Một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Basel là Dreiländereck – một mũi đất đánh dấu vị trí đặc biệt này. Với những ai thích lập kỷ lục vui vui kiểu “một ngày đặt chân đến 3 nước”, đây là chỗ không nên bỏ qua. Tôi cũng là một du khách ham vui như thế nên buổi sáng đáp máy bay xuống Basel là buổi chiều lò dò tìm đường ra đây. Từ khách sạn ở khu trung tâm thành phố, tôi chỉ mất khoảng 15 phút ngồi tram và 15 phút đi bộ. Đường đi bộ ngang qua một khu vực kho bãi rộng lớn, vắng vẻ. Có lúc, tôi đã định quay đầu nhưng nhìn thấy một đôi vợ chồng trung niên đang thong dong nắm tay nhau đi ra hướng Dreiländereck, tôi yên tâm đi theo.
Và rồi chiếc cột có in hình quốc kỳ 3 nước sừng sững vươn lên nền trời cao cũng hiện ra trước mắt tôi. Ngắm nghía, chụp ảnh ghi lại “chiến tích” nho nhỏ của mình… rồi sao nữa? Khu vực này không có nhiều thứ để vui chơi, khám phá, ngoại trừ Sandoase – nhà hàng theo phong cách đồng quê kết hợp với beach bar độc đáo. Bạn có thể chọn một chỗ ngồi ở nơi thoáng đãng, gọi 1 ly cocktail hoặc 1 ly bia lạnh rồi thưởng thức phong cảnh trời nước mênh mông.
Bình yên trong từng bước chân
Với BaselCard, bạn sẽ được thuê xe đạp khám phá thành phố với giá ưu đãi |
Ngoài kỷ lục check-in vui vui để có cái mà kể lại cho bạn bè, Basel đối với tôi là một thành phố thanh bình đến kỳ lạ. Basel chỉ có khoảng 190.000 dân, không quá đông đúc, náo nhiệt, xô bồ như những thành phố du lịch nổi tiếng mà bạn thường nghe nhắc đến ở châu Âu. Nơi đây, bạn có thể thong dong dạo bước trên đường, không phải vừa đi vừa cảnh giác cao độ. Có lần, sau khi ăn tối ở một quán gần nhà ga trung tâm, tôi một mình về khách sạn trên một chuyến xe buýt lúc gần 11 giờ đêm. Khi đó, đường phố hơi vắng vẻ nhưng tuyệt nhiên không có chút dấu hiệu gì khiến tôi lo lắng.
Hệ thống giao thông của Basel được tổ chức theo cách cực kỳ đơn giản, tiện lợi đến mức bạn chỉ cần có tấm bản đồ trên tay là có thể đi phăng phăng khắp nơi.
Sẽ thật thiếu sót nếu kể về chuyện đi lại ở Basel mà quên cảm ơn khách sạn tôi ở đã tặng tôi một chiếc BaselCard khi nhận phòng. Với thẻ này, chẳng những tôi được đi lại miễn phí bằng phương tiện công cộng và còn được giảm giá khi mua vé đến các điểm tham quan như bảo tàng, sở thú, nhà hát, đi tour tham quan thành phố, thuê xe đạp… Được biết, nhiều khách sạn khác ở Basel cũng tặng thẻ này cho khách lưu trú.
Một góc cổ kính của Trường đại học Basel |
Thành phố Basel khá nhỏ, tôi có thể đi bộ đến nhiều địa điểm nổi tiếng. Tôi cầm theo tấm bản đồ lần tìm đến ngôi trường đại học đầu tiên của Thụy Sĩ – University of Basel – được thành lập năm 1460. Đây là một trong những trường đại học lâu đời nhất của thế giới vẫn còn hoạt động.
Trong lịch sử hơn 500 năm phát triển, trường đã đào tạo nên những học giả nổi tiếng như nhà tư tưởng Erasmus of Rotterdam, nhà toán học và vật lý học Daniel Bernoulli, triết gia Friedrich Nietzsche, nhà hóa học Tadeusz Reichstein… Đặc biệt, từ University of Basel, đã có 2 người là tổng thống Liên bang Thụy Sĩ và 10 nhân tài đoạt giải thưởng Nobel danh giá trên nhiều lĩnh vực.
Ngước nhìn ngôi trường cổ kính trong ánh nắng cuối ngày, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi nghĩ về việc nó đã đứng đó và chứng kiến bao đổi dời suốt hơn 5 thế kỷ.
Dịu dàng sông Rhine
Sông Rhine dịu dàng chảy ngang thành phố Basel |
Từ tầng 47 tòa nhà văn phòng nơi tôi làm việc nhìn xuống, tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, vừa dịu dàng của dòng sông Rhine bên dưới. Vào mùa hè, nước sông xanh lục, uốn lượn xuyên qua thành phố, chia ra Grossbasel ở bờ Nam (Gross trong tiếng Đức nghĩa là lớn) và Kleinbasel ở bờ Bắc (Klein trong tiếng Đức nghĩa là nhỏ).
Đồng nghiệp tôi nói chiều chiều, sau giờ làm, nhiều người thường thả nổi trên sông để về nhà thay vì đi xe. Tôi tưởng họ chỉ nói đùa, cho đến khi tận mắt chứng kiến có người thật sự ôm túi chống nước, cho hết đồ đạc vào trong đó, rồi thả nổi trên sông.
Tiếc là vào những ngày tôi ở lại Basel, nước sông chảy khá mạnh và nhanh nên không có đông người thả nổi như bình thường. Tôi cũng tự hẹn với lòng, lần sau trở lại Basel, tôi sẽ chuẩn bị một chiếc túi chống nước để trải nghiệm thả mình trên sông Rhine.
Hoàng hôn xuống trên Mittlere Brücke |
Không xuống sông được thì tôi đi bộ dọc bờ sông, ngắm hoàng hôn những ngày mùa hè. Tôi đi bộ qua Mittlere Brücke (tiếng Anh là Middle Bridge – chiếc cầu nằm giữa 2 chiếc cầu khác bắc qua dòng sông Rhine), ngắm người xe dập dìu. Chiếc cầu ngày nay là công trình tôn tạo trên vị trí chiếc cầu thời trung cổ (được xây dựng từ thế kỷ thứ XII, là chiếc cầu lâu đời nhất bắc qua sông Rhine). Chiếc cầu được xây dựng lại tuy không quá cầu kỳ nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính.
Ngày rời Basel, tôi có một trải nghiệm không rõ nên vui hay nên buồn. Sự cố công nghệ toàn cầu (CrowdStrike) khiến nhiều sân bay, hãng hàng không tê liệt. Chuyến bay của tôi cũng bị hủy. Đứng giữa sân bay lúc hơn 21g, tôi không có nhiều thời gian để lên kế hoạch B. Từ Basel, nhiều hành khách mắc kẹt do sự cố “màn hình xanh chết chóc” đã chọn cách về nhà bằng tàu hỏa. Có người đi Vienna, người đi Paris, người đi Zurich… Tôi cũng quyết định đi xe buýt của sân bay ra nhà ga trung tâm bắt một chuyến tàu ngay trong đêm.
Cô bạn người Việt đón tôi ở Willisau – một thành phố thơ mộng khác cách Basel hơn 1 tiếng ngồi tàu. Tôi ngồi trên tàu, lòng thầm cảm kích hệ thống tàu lửa quá xuất sắc của đất nước này đã giúp tôi giải quyết bài toán đau đầu lúc đêm hôm.
Cúc T.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-mot-basel-diu-dang-ben-dong-rhine-a1531666.html” name=””]