( Yeni ) – Hầu hết cha mẹ đều cho rằng càng dạy bảo nghiêm khắc, bé sẽ càng biết cách cư xử. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kỷ luật nghiêm ngặt và độc đoán sẽ hạ thấp lòng tự trọng của bé và khiến bé cư xử không tốt đối với những người xung quanh.
Bạn không bao giờ hỏi ý kiến của con
Nếu bạn hầu như không bao giờ hỏi ý kiến của con trong bất kỳ vấn đề gì, thì có thể bạn là kiểu cha mẹ bảo thủ.
Trẻ con học theo hành vi của cha mẹ. Nếu bạn dạy con bằng cách ép buộc hoặc dọa dẫm thì bạn đang dạy con mình rằng bắt nạt là cách tốt nhất để làm người khác nghe theo mình.
Nếu bạn dạy con bằng cách la mắng hoặc đặt giới hạn nghiêm ngặt, con bạn cũng sẽ giao tiếp với những người khác theo cách này.
Kiểu dạy con này còn được gọi là phong cách dạy con độc đoán (authoritarian) và đã được chứng minh sẽ tạo nên những đứa trẻ nổi loạn khi lớn lên.
Trẻ bị giáo dục nghiêm khắc có xu hướng nổi loạn
Các nghiên cứu cho thấy những trẻ em được cha mẹ quản lý nghiêm ngặt thường có xu hướng nổi loạn và dễ nóng giận ở tuổi trưởng thành. Để lý giải điều này, hãy áp dụng lên chính bản thân người lớn chúng ta.
Ví dụ, bạn vừa trải qua một thời kỳ ăn kiêng vô cùng khắc nghiệt. Ngay khi nó kết thúc, bạn sẽ làm điều gì trước tiên? Hẳn là đi đánh chén no nê một bữa. Điều đó cũng không khác biệt so với sự nổi loạn của trẻ ở tuổi trưởng thành, thời điểm trẻ vừa bắt đầu thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ.
Bạn tập trung vào các quy tắc, lịch trình, giới hạn
Một số quy tắc có thể mang lại cho con cảm giác an toàn, để trẻ biết điều gì sắp xảy đến vào lúc nào. Tuy nhiên các quy tắc, lịch trình quá cứng nhắc có thể cản trở khả năng phát triển tính linh hoạt của trẻ.
Hãy cho con bạn một chút tự do để con biết cách linh hoạt xử lý các tình huống khác nhau trong cuộc sống, những điều có thể xảy ra bất ngờ, không như con mong đợi.
Bạn thưởng cho kết quả chứ không phải nỗ lực
Những bậc cha mẹ nghiêm khắc thường tạo ra lối suy nghĩ chỉ có “đúng và sai”, “đen và trắng”. Nhưng thực tế, cuộc sống có rất nhiều vùng màu xám. Một đứa trẻ “thất bại” hoặc “thua cuộc” cũng có thể đã rất cố gắng, nỗ lực và xứng đáng được khen ngợi.
Nếu bạn chỉ thưởng con theo kết quả thay vì nỗ lực, con lớn lên sẽ chỉ chú trọng vào chiến thắng. Điều đó có thể làm con bị áp lực, lo âu nhiều hơn.
Vô vàn tác hại nếu bạn quá nghiêm khắc với con
Giáo dục dựa trên sự sợ hãi dạy trẻ cách bắt nạt người yếu đuối hơn
Trẻ em dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cách cư xử của cha mẹ. Nếu bạn khiến bé sợ hãi để ép bé làm điều bạn muốn thì bạn đang gián tiếp dạy bé hãy làm điều tương tự với những người khác, hay nói cách khác là “bắt nạt”. Nếu bạn thường xuyên quát mắng bé, bé sẽ quát mắng người khác. Và nếu bạn đánh con, bé sẽ đánh người yếu hơn mình.
Kỷ luật nghiêm khắc khiến trẻ dễ trầm cảm
Việc trừng phạt trẻ cho thấy bạn không chấp nhận được cách cư xử của trẻ, thay vì ở bên cạnh bé và giúp bé vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Bé sẽ cảm thấy mình chỉ có một mình và khép kín bản thân với thế giới xung quanh.
Kỷ luật nghiêm khắc khiến trẻ tin rằng sức mạnh là lẽ phải
Sau khi bị phạt, bé sẽ vâng lời, nhưng bé có hiểu ý nghĩa sâu xa của việc đó hay không? Sau này, trong cuộc sống, bé cũng sẽ tuân theo những gì số đông cho là đúng hoặc người có quyền lực lớn hơn cho là đúng, mất đi khả năng đấu tranh và luôn né tránh trách nhiệm. Bé sẽ chỉ nghĩ làm theo “người lớn” thì sẽ không bị phạt.
Dạy trẻ cách nói dối
Trẻ làm theo những gì bạn cho là đúng khi bạn có mặt ở đó. Nhưng nếu bé không thật sự nghĩ điều mình làm là sai thì ngay khi bạn đi khỏi, bé sẽ lại về lối cũ. Lúc này, bé sẽ làm gì để không bị bạn phát hiện ra và trừng phạt? – Nói dối. Lâu dài, trẻ trở thành một kẻ nói dối không chớp mắt.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/dau-hieu-chung-to-ban-dang-qua-nghiem-khac-voi-con-hay-dung-lai-cang-som-cang-tot.html” alt_src=”” name=”Khoevadep”]