Với chị Song Anh, ngoài việc thể hiện sự đảm đang của người mẹ, người vợ thì bữa cơm gia đình còn thể hiện tình yêu thương của người làm bếp gửi vào trong từng món ăn dù đơn giản hay là kì công chế biến.
Bận bịu với công việc của một kế toán trong lĩnh vực xây dựng nhưng chị Song Anh (45 tuổi, Hải Phòng) vẫn rất chăm chỉ vào bếp nấu ăn hàng ngày. Bà mẹ đảm tâm sự, trước đây nấu ăn là sở thích, còn hiện giờ, nó đã được “nâng cấp” thành đam mê. “Bởi theo mình sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhưng đam mê thì ngày sẽ được nhân lên theo cấp số nhân”, chị nói.
Chị Song Anh
7X nhớ lại, ngay từ khi 7 tuổi, chị Song Anh đã bắt đầu tập nấu cơm với cái bếp dầu. Lần đầu tiên nấu cơm đã làm cháy một cái nồi nhôm vì không cho nước, chỉ cho gạo. Khi gạo bị cháy chị đã bỏ phần cháy, lấy phần sém vàng cho vào cái nồi khác, đổ nước đun sôi với ý nghĩ con trẻ là vẫn thành cơm… nhưng cuối cùng nó lại thành món nước gạo rang. Từ sau lần tình cờ nấu nước gạo rang đấy, chị bắt đầu thấy thích thú với trò chơi bếp núc, chăm chỉ tập nấu cơm cho dù hồi ấy chỉ là cơm rau đơn giản. Thế nhưng, nấu được một nồi cơm bằng bếp củi cũng phải ghi nhớ loại củi nào than đượm để cho ít hay cho nhiều củi tránh cơm bị khê hay sống cũng là cả vấn đề.
“Hồi bé thú thật là ba mẹ đi làm công nhân tối ngày, không có thời gian để dạy mình nữ công gia chánh. Mình ở khu tập thể nên đến giờ nấu cơm là lân la xem các anh chị lớn hơn nấu nướng như nào rồi học theo. Rồi có những món mà các anh chị hóm, “giấu nghề” không cho xem lỏm thì mình tự tưởng tượng ra trình tự chế biến và làm theo cách của mình. Tỉ như món cá nấu thuyền chài gần đây mới có nhưng khi mình lên 8 đã nấu cá theo kiểu đấy rồi trong khi cả xóm nấu cá là cứ phải rán lên thì mình lại không. Sau này, khi 19 tuổi mẹ mở hàng cơm và bánh đa buổi sáng thì mình là “đầu bếp” của mẹ. Mình mua những cuốn sách dạy học nấu ăn về tự đọc, nấu theo, khách ăn hàng nhà mình là “chuột bạch”. Họ góp ý cho mình để mình điều chỉnh gia vị cho phù hợp, vì lắm món của miền Nam người ta cho đường ngọt lừ”, chị Song Anh tâm sự.
Có lẽ, chính sự tỉ mỉ, biết quan sát, để ý và rút ra kinh nhiệm trong bếp núc mà đến giờ, chị Song Anh đã có thể nấu được rất nhiều món ngon cho gia đình thưởng thức.
Hiện tại, mỗi ngày, chị sẽ vào bếp nấu đủ 3 bữa sáng, trưa và tối cho cả nhà. Để làm được điều này, chị thường đi chợ vào cuối buổi chiều, mua đồ cho bữa tối ngày hôm đó, bữa sáng và bữa trưa hôm sau. Bà mẹ đảm chỉ mua thực phẩm của những người quen, có lưu số điện thoại của họ. Muốn ăn gì chị sẽ dặn, họ sẽ phần đến khi tan làm vào lấy nên tuyệt nhiên không sợ cuối chiều về không mua được đồ ngon.
Theo chị Song Anh, bữa tối là bữa trọng tâm của gia đình. Đây là khoảng thời gian cả nhà kết thúc một ngày làm việc, học tập nên sẽ có nhiều thì giờ để nấu nướng. Gia đình chị có 4 người nên cơm tối thường có ít nhất 2 món chính, 1 món canh hoặc rau và 1 món lai rai (như nem chua, nem thính, ốc hấp hay hàu nướng…).
“Mình về nhà lúc 5h30, mười lăm phút sau vào bếp và 7h tối là cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn. Trong khi nấu cơm tối thì mình sơ chế, chế biến chuẩn bị luôn đồ cho bữa sáng và bữa trưa hôm sau. Mình thường không lên chi phí cho từng bữa, mình ngày nào cũng đi chợ nên thấy gì tươi, ngon thì sẽ mua và mua để chế biến trong một đến hai bữa, mình không tích trữ đồ trong tủ đông. Nếu hôm nay “vung tay quá trán” thì những bữa sau sẽ tiết chế để cân bằng thu chi và có dinh dưỡng hợp lý cho cả gia đình”, bà mẹ đảm đang cho biết.
Khi vào bếp, tiêu chí đầu tiên của chị là không để lãng phí đồ ăn. Chị luôn tính lượng thức ăn vừa đủ. Có thể là bốn người với năm đến sáu món ăn một bữa nhưng số lượng phù hợp. Nhiều món với các đĩa thức ăn nhỏ theo sở thích, chế độ ăn của từng người trong gia đình. 7X chia sẻ, mẹo nấu ăn của bản thân là kết hợp 2 trong 1 khi nấu để tiết kiệm thời gian. Ví dụ, khi nấu món thịt luộc và bí hấp thì sẽ dùng nồi có xửng, dưới luộc thịt và trên hấp bí. Chị không để thời gian chết khi nấu nướng, nghĩa là cân nhắc kết hợp các công đoạn vừa nấu món này, vừa chế biến món kia chứ không đợi chế biến xong hết rồi mới đi nấu một lượt. Chính vì thế, mỗi bữa ăn chị chế biến rất nhanh.
Chị cũng thường xuyên thay đổi thực đơn để mọi người trong gia đình không thấy bị nhàm chán khi đến bữa. Ngoài các bữa cơm gia đình chị Song Anh còn nấu đa dạng các món ăn để cả nhà thưởng thức trong những dịp cuối tuần, các món ăn mang phong vị địa phương khác, các món lẩu, món của người Hoa và làm một số loại bánh, salad của châu Âu nữa. Riêng bún, miến, phở, cháo… ngày nào bà mẹ đảm cũng nấu vì nó là món ăn sáng của gia đình chị.
Nhờ bàn tay đảm đang, tỉ mỉ và khéo léo, mà mọi người trong gia đình đều rất các món chị nấu. Chị cho biết tuy ông xã không hay khen như các con nhưng hay nói vui, “vợ là món ăn của cả cuộc đời người đàn ông. May quá, chúng ta toàn được ăn ngon”.
Với chị Song Anh, bữa cơm gia đình là giây phút cả nhà được cùng nhau ngồi ăn và trò chuyện. Ngoài việc thể hiện sự đảm đang của người mẹ, người vợ, bữa cơm gia đình còn thể hiện tình yêu thương của người làm bếp gửi vào trong từng món ăn dù đơn giản hay là kì công chế biến. Là khoảng thời gian ấm áp nhất trong một ngày sau những vất vả, âu lo đối mặt với mưu sinh ngoài xã hội.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/7x-hai-phong-khoe-com-ngon-bua-nao-cung-chat-luong-cac-con-het-loi-khen-d307845.html” alt_src=”” name=””]