11 tuổi, Minh Anh sang Trung Quốc học múa theo diện học bổng của Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM. Những ngày trên đất bạn và khoảng thời gian sau tốt nghiệp, đi đến nhiều quốc gia và càng đi, Minh Anh càng thấy muốn trở về.
Ý niệm “muốn trở về” mà Minh Anh (sinh năm 1996) nhắc đến không chỉ là khoảng cách địa lý. Đó là hành trình bên trong tâm tưởng, là ý thức luôn hướng đến cội nguồn dân tộc, về nơi mình sinh ra và lớn lên.
Lửa thử vàng
Phóng viên: Sau 5 năm về nước và dần ổn định sự nghiệp, vì sao chị quyết định trở lại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây để tiếp tục học tập?
Diễn viên múa Minh Anh: Năm 11 tuổi, tôi theo học chuyên ngành múa cổ điển và dân gian tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp (năm 17 tuổi – PV), tôi về nước và làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Năm năm sau ngày trở về, tôi thấy cần học thêm biên đạo để có cái nhìn tổng quát hơn về nghề, không chỉ đơn thuần trình diễn trên sân khấu như trước nên tiếp tục học tập.
* Lựa chọn học biên đạo múa có phải là sự chuẩn bị cho tương lai, khi tuổi nghề của diễn viên múa khá ngắn?
– Đúng, tôi có nghĩ đến sau này, khi nhiều tuổi hơn, vị trí múa chính được luân chuyển cho những diễn viên trẻ, tôi cũng cần chuẩn bị sẵn cho mình con đường tiếp theo. Thế nhưng đó không phải lý do chính để tôi quyết định đi học. Ngay tại thời điểm này, tôi thấy mình vẫn còn hồn nhiên, chưa có nhiều toan tính rõ ràng cho tương lai. Tôi đi học chỉ vì thấy bản thân còn chưa hoàn thiện, muốn học thêm để trau dồi.
* Tâm thế của chị ở lần trở lại này so với chuyến đi năm 11 tuổi khác nhau thế nào?
– Tôi nhớ như in, vào sáu giờ sáng mỗi ngày, tôi dậy chạy bộ đến tám giờ sáng rồi vào lớp học. Tôi từng ngất xỉu hai lần trên lớp khi ép dẻo, sau đó tỉnh dậy và tiếp tục tập luyện. Tôi nhớ lần cô giáo muốn rèn sự quyết tâm, ý chí trong tôi bằng cách chuyển tôi xuống vị trí múa phía sau, không được đứng ở nhóm múa chính để bằng mọi giá, tôi phải nỗ lực hơn.
Lần trở lại vào năm 22 tuổi, tôi thích thú vì biết mình nên làm gì, chọn lọc thế nào cho việc tiếp thu. Với múa cổ điển và dân gian, sáu năm tại trường, tôi đã học trọn vẹn những kiến thức cơ bản nên lần này, tôi chú tâm vào các nội dung chuyên sâu, nâng cấp hơn.
Muốn đi xa phải từ cội rễ
* Môi trường giáo dục tại Trung Quốc vẫn thường được nhắc đến với tính kỷ luật, sự đào thải khắc nghiệt. Chị nhận được gì sau từng đó năm ở xứ người?
– Sự kỷ luật, nghiêm khắc trong giáo dục không khiến những người yêu múa như chúng tôi nản lòng mà chỉ tái khẳng định một điều: muốn thành tài phải gian nan khổ luyện. Từ những bữa ăn, những giờ học, chúng tôi được rèn dưới áp lực, quy định riêng để đi vào nền nếp, quy củ. Trên sàn tập là mồ hôi, nước mắt, chấn thương… Chúng là kỷ niệm đẹp trong tuổi thơ và thời niên thiếu của tôi.
Còn nếu hỏi về điều lớn nhất mà tôi nhận được, ngoài kiến thức từ việc học tập, tôi được vun đắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Khoảng thời gian học cùng các bạn Trung Quốc, tôi thấy ý thức, tinh thần dân tộc của họ rất cao. Tôi học được tinh thần đó và cảm thấy tự hào về quê hương, nguồn cội của mình. Sau này, tôi nhận ra chỉ có những gì thuộc về văn hóa bản địa mới đi theo mình suốt hành trình dài. Dù có đi học ở Trung Quốc hay châu Âu, tôi muốn khi tôi múa, mọi người nhìn động tác, trang phục, họ biết rằng tôi đến từ Việt Nam.
* Trên sân khấu cuộc thi múa quốc tế Seoul international dance competition 2018 – nơi chị nhận giải nhì, múa mâm của Việt Nam được thể hiện. Tại một số cuộc thi sau đó, liên tục các biểu tượng văn hóa truyền thống khác cũng được thể hiện. Vì sao càng “ra biển lớn”, chị lại càng quay về?
– Tại Seoul international dance competition, tôi chọn múa mâm vì thể loại múa này khởi nguồn từ miền Nam – nơi tôi sinh ra. Ngoài ra, múa mâm còn hội tụ nhiều yếu tố đặc sắc, có thể gây bất ngờ với giám khảo. Khi đi thi, tôi muốn giới thiệu những tiết mục mang đậm dấu ấn Việt Nam nhất vì nếu có thua, tôi cũng đã giới thiệu được với mọi người một loại hình múa đặc sắc của quê hương.
Còn nhớ ngày bé, tôi theo học lớp múa Ngôi sao nhỏ của thầy Đặng Hùng và cô Vương Linh. Vì thầy cô ở nước ngoài nhiều nên khi dạy, cả hai luôn hướng về Việt Nam và vun đắp cho học trò của mình niềm tự hào về quê hương xứ sở. Sau này, thời gian học ở Trung Quốc, tôi bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật múa từ thầy cô tại nước bạn nhưng khi về nước, tôi ý thức được việc phải thay đổi. Múa thể hiện tính người, phụ nữ Việt mềm mại, nhẹ nhàng hơn nên động tác múa cũng nhẹ nhàng tương tự, không sắc và mạnh như người Hoa. Khi diễn ở quốc tế, cảm giác được giới thiệu nghệ thuật múa dân gian Việt Nam đến bạn bè mang đến cho tôi hạnh phúc. Tôi thấy việc mình đang làm, con đường mình đang đi có ý nghĩa.
Sự kỷ luật, nghiêm khắc trong giáo dục không khiến những người yêu múa như Minh Anh nản lòng mà chỉ tái khẳng định một điều: muốn thành tài phải gian nan khổ luyện |
* Không nhiều diễn viên múa tại Việt Nam sống được bằng nghề. Là người trong cuộc, chị thấy đời sống của diễn viên múa thế nào?
– Tôi may mắn khi ở cùng với ba mẹ, chỉ cần đi làm việc ở nhà hát rồi về, không phải đi diễn đám cưới như một số đồng nghiệp. Tôi tự hào vì xung quanh có nhiều diễn viên múa rất giỏi. Họ vất vả nhưng vô cùng yêu múa và chấp nhận vượt nhiều thử thách.
Khi trả lời câu hỏi này, tôi không muốn nói về sự khổ luyện của nghề vì bất cứ công việc nào cũng có những khó khăn riêng. Chúng tôi vất vả để có ngày hôm nay và đó là sự lựa chọn của cá nhân, không ai ép buộc. Điều duy nhất tôi mong là diễn viên múa phải được công nhận hơn. Họ cần nhận được những khoản thù lao tương xứng với sự
tập luyện.
Trong số mười bạn đợt đi học cùng tôi tại Trung Quốc, khoảng một nửa thành viên vẫn bám trụ với nghề, các bạn còn lại chuyển ngành vì nghệ thuật múa tại Việt Nam chưa phát triển, múa dân tộc càng ít được chú ý hay đầu tư nhiều. Có nhiều lần, tôi diễn cho kiều bào và khán giả quốc tế xem, họ xúc động, bật khóc và nói muốn về Việt Nam. Còn khi diễn cho khán giả trong nước xem, sự đón nhận kém nồng nhiệt hơn khiến tôi khá buồn.
“Tôi vừa tốt nghiệp khóa học biên đạo và đang có những dự định cho riêng mình trong năm mới. Trước mắt, tôi tìm các cuộc thi quốc tế để tham gia. Mỗi cuộc thi giúp tôi nhìn lại chuyên môn, biết được mình đang ở đâu; đưa mình vào những khuôn phép, áp lực phải khẳng định khả năng của bản thân và múa Việt Nam trên trường quốc tế. Sau khi thi đấu cùng bạn bè quốc tế, chân tôi chạm đất và biết đi thế nào cho đúng, không lửng lơ và nghĩ mình quá giỏi. “ Diễn viên múa Minh Anh |
* Câu chuyện này có thể thay đổi trong tương lai hay chỉ dừng lại cùng câu cảm thán rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?
– Tôi thấy khá khó để thay đổi hiện tại nhưng với tương lai, ta không thể chắc chắn. Trước đây, từng có nhiều anh chị đồng nghiệp lên tiếng về việc thiếu các hoạt động đúng nghĩa dành cho nghệ sĩ múa và thù lao chưa tương xứng. Tiếng nói ấy được chú ý nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết nào tạo ra bước ngoặt.
Chúng tôi – những nghệ sĩ múa – không thích than khổ. Chúng tôi vẫn âm thầm cùng nhau thực hiện những dự án nghệ thuật với hy vọng chất lượng sẽ thuyết phục được người xem. Trong hai năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng khá lớn đến các kế hoạch của tôi và đồng nghiệp nhưng trong năm mới này, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, những dự án sẽ được tiếp tục.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện) – Ảnh nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dien-vien-mua-minh-anh-cang-di-xa-cang-muon-quay-ve-a1456896.html” name=””]