Mùa thời trang thu – đông 2022, Balenciaga đã đưa người mẫu cùng các thiết kế lên sân khấu đầy tuyết và lộng gió. Để đi hết đường băng, người mẫu phải vật lộn trong giá rét và tiếng gió rít không ngừng.
Đó là cách nhà thiết kế Demna tái hiện và cảnh tỉnh thế giới về những cuộc di dân, những thân phận con người trong chiến sự ác liệt, bởi sự đau đớn và hoảng loạn ấy đã mãi mãi để lại nỗi ám ảnh trong lòng Demna và nhiều thế hệ người Georgia khác trên đường trốn chạy khỏi cuộc chiến vào năm 1993.
Bộ sưu tập Balenciaga thu – đông 2022 xuất hiện trên sân khấu đầy gió, tuyết |
Từ lâu, thế giới thời trang cao cấp với những bộ cánh xa hoa, lộng lẫy luôn là giấc mơ của hàng tỷ người trên thế giới. Thế nhưng chừng đó chưa đủ để tạo nên diện mạo của nó. Thời trang còn là đường băng của những giấc mơ, những thông điệp, những phản ánh hay những lời hồi đáp trước các vấn đề của cuộc sống, của con người.
Nói cách khác, ngoài chức năng thẩm mỹ, tôn vinh sự sáng tạo, nghệ thuật và những đôi tay khéo léo, thời trang còn là một điểm tựa cổ vũ cho con người trên nhiều khía cạnh: về hình thể, về tự do, về giải phóng bản thân, về giới tính hoặc cũng có thể là lời cảnh tỉnh trước một tương lai điêu tàn hay hiện tại tàn khốc và đau đớn.
Người ta vốn có thể biết nhiều điều về xã hội, về thời đại và trước hết là về một con người qua trang phục họ mặc. Trang phục cũng thể hiện tâm trạng, tính cách, sở thích, thói quen… và nhiều hơn thế.
Ở các thập niên trước, thời trang cổ vũ giải phóng cơ thể, tạo nên cuộc cách mạng nữ quyền đầy dấu ấn của Coco Chanel hay đơn giản là mang lại tiếng nói bình đẳng cho nữ giới qua những bộ suit của YSL hoặc tạo thành dòng thác ồ ạt cuộn chảy phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những bất công và áp đặt hủy diệt cộng đồng bản địa trên chính đất Mỹ qua trang phục bohemian.
Bước sang thế kỷ XXI, thời trang đi sâu vào những cuộc cách mạng về giới tính, phong trào LGBTQ+, những cuộc giải phóng hình thể, vẻ đẹp ngoại cỡ, đặc biệt là phản chiếu sự tàn phá của trái đất trước lòng tham không đáy của con người.
Cùng điểm qua một số show diễn mà ở đó, thời trang phản ánh hơi thở của đời sống.
Chanel xuân – hè 2015
Show xuân – hè 2015 của Chanel được Karl Lagerfeld biến thành một cuộc “biểu tình” thu nhỏ |
Show xuân – hè 2015 của Chanel vẫn vẹn nguyên tinh thần thương hiệu với chất liệu vải tweed, họa tiết hoa trà, những mẫu váy ngắn trên đầu gối trẻ trung và những bộ suit kín đáo, không đơn điệu nhưng chúng đã phá vỡ nguyên tắc thường thấy để trở nên đầy sắc màu nhờ sự kết hợp cùng những mẫu giày loafer sành điệu, những đôi boots rực rỡ.
Sàn diễn được Karl Lagerfeld biến thành một cuộc “biểu tình” thu nhỏ. Toàn bộ không gian Grand Palais trở thành một đại lộ ở Paris, mô phỏng thật đến cả những chi tiết nứt nẻ trên mặt đất hay vũng nước mưa.
Các người mẫu ào xuống đường, dẫn đầu là Cara Delevingne và Gisele Bundchen. Những khẩu hiệu đại diện cho phụ nữ một lần nữa được giăng lên đầy cảm hứng trong tiếng vỗ tay không dứt của người xem: “Women’s Rights Are More Than Alright”, “History Is Her Story”, “Be Your Own Stylist”, “Free Freedom”, “Be Different”…
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld chia sẻ về ý tưởng này: “Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi tạo ra một cuộc biểu tình thời trang và thứ gần nhất với thời trang là nữ quyền – một quan điểm nữ quyền hiện đại”.
Burberry xuân – hè 2018
Bộ sưu tập Burberry xuân – hè 2018 như ngầm chuyển tải thông điệp: cộng đồng LGBTQ+ giỏi chẳng kém bất kỳ ai |
Sắc màu, hoa cỏ, những đường kẻ sọc, những khối màu trang nhã được Burberry xếp đặt, xen kẽ hài hòa, tạo nên diện mạo khó trộn lẫn cho các thiết kế tại show xuân – hè 2018. Sắc cầu vồng được đưa vào trang phục, khi thì tạo thành những vệt dài trên chiếc đầm, lúc trở thành điểm nhấn bên cạnh những đường kẻ định hình thương hiệu; khi thăng hoa trên áo khoác, lúc lại biến hóa thành túi xách, hoa tai… rồi lên cả ánh đèn sân khấu.
Chưa bao giờ tiếng nói của cộng đồng LGBTQ+ lại mạnh mẽ như thế trên sàn diễn thời trang.
Điều ấn tượng nhất trong bộ sưu tập này là sự phối trộn cân đối và tinh tế của các sắc độ màu, những mảnh ghép khiến mỗi thiết kế không gây choáng ngợp hay khó chịu cho người xem mà vẫn lưu lại dư âm riêng, như ngầm chuyển tải thông điệp: cộng đồng LGBTQ+ điềm tĩnh, đầy năng khiếu thẩm mỹ, giàu khả năng sáng tạo và giỏi giang chẳng kém bất kỳ ai.
Calvin Klein thu – đông 2018
Bộ sưu tập Calvin Klein thu – đông 2018 kể câu chuyện nước Mỹ hậu tận thế |
Cũng đầy sắc màu nhưng bộ sưu tập của Calvin Klein thu – đông 2018 tại đường băng New York Fashion Week lại mang đến cảm giác u ám, hoang vu và lạnh lẽo. Ở đó, nhà mốt kể câu chuyện nước Mỹ hậu tận thế (ngầm phản ánh bầu không khí chính trị căng thẳng lúc bấy giờ) với nhà cửa trơ trọi cột sắt, đất đá điêu tàn, tuyết phủ đầy và ám ảnh bi thương sau một dịch bệnh bí ẩn. Người mẫu mặc đồ bảo hộ có đường phản quang, áo khoác dài, bao tay dày, mũ trùm đầu, mang ủng cao quá gối… như thể hiện lời cảnh báo chưa bao giờ cũ trong bối cảnh hiện tại.
Nhà thiết kế Coco Chanel từng nhận xét về mối quan hệ giữa thời trang và cuộc sống: “Thời trang không phải là điều chỉ tồn tại trong trang phục mà còn là những cảm nhận về thế giới quanh ta. Thời trang là ngọn gió mang theo những thị hiếu mới, bạn có thể cảm nhận được nó. Thời trang nằm trên bầu trời, trên đường phố. Thời trang nằm trong ý tưởng, trong phong cách sống, trong những gì đang diễn ra của cuộc sống”.
Thư Hiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thoi-trang-xuong-duong-cung-cuoc-song-a1460403.html” name=””]