Hôn nhân là câu chuyện… kỳ cục. Dù lý trí đã xác định dứt khoát đâu ra đó, nhưng con tim lại có lý lẽ khác.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Mới đây, trong đám bạn bè của tôi vui mừng thông báo cho nhau là anh An và vợ đã “châu về hợp phố”. Tức là sau bao năm “độc thân”, anh nay quay về cùng vợ, đã cơm chung mâm, ngủ chung giường. Cả nhà lại sum họp vui vẻ. Ai nấy kinh ngạc quá đỗi.
Kinh ngạc vì rằng, cách đây hơn mươi năm, vợ chồng đã cùng đứng trước mặt thẩm phán song ca bài: “Anh đi đường anh tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” (Thế Lữ). Tuy nhiên, do căn nhà vốn là tài sản chung, chưa thể bán ngay đặng chia nên anh chị tạm thời vẫn ở chung. Lúc ấy, ai nấy đều bảo không nên chọn giải pháp này, không đáng mặt đàn ông, đã ly hôn thì đường ai nấy đi. Anh nghe chỉ cười trừ.
Không những thế, anh còn “bí mật” lên phường thông báo là căn nhà đó đang trong quá trình tranh chấp nên chưa thể giao dịch mua bán. Rồi những lúc khách đến ngã giá, mua nhà là anh hoặc “bàn ra” hoặc mặc kệ cho cô vợ xăng xái muốn bán nhanh căn nhà để không còn nhìn thấy chồng cũ nữa. Nhưng rồi, mọi việc “vũ như cẩn” nghĩa là dù ly hôn nhưng cả hai vẫn chung nhà.
Tại sao lúc ấy anh sử dụng chiêu này? Bây giờ, anh mới “bật mí” rằng: “Lúc ly hôn, hai đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, bán nhà xong, nếu vợ mình rước ông nào đó về ở chung, ai dám chắc con gái mình an toàn? Phòng trước vẫn hơn”.
Anh biết một trong những lý do vợ đòi ly hôn, có thể vì anh rơi vào tình huống “trên bảo dưới không nghe”. Anh cũng biết có một hai “phi công trẻ” xuất hiện lượn lờ, ngày đêm săn đón vợ anh. Nhưng rồi do vị trí công tác, cương vị xã hội, anh đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không muốn làm lớn chuyện. Giải pháp anh chọn là giữ thể diện cho chính anh? Không, anh bảo vì nghĩ đến tương lai của con gái, và anh ở lại để lặng lẽ tiếp tục cùng vợ lo cho con.
Rồi cũng tới lúc cô vợ mỏi mệt, chán chê với những tay “đào mỏ” trẻ tuổi, tình tang chẳng đi tới đâu. Do bao nhiêu năm nay anh An vẫn ở chung nhà, nên đó cũng chính là yếu tố để họ từ từ gắn bó lại. Thật ra, cái quan trọng là lâu nay cô vợ vẫn thấy “của nợ” vẫn luôn lo toan, nuôi nấng con gái một cách chu đáo.
Tương tự, anh Bình, ra khỏi nhà sau ly hôn, nhưng mọi sinh hoạt của thời còn sống chung anh vẫn thực hiện răm rắp. Anh thuận tình ly hôn theo đề nghị của vợ, nhưng trong lòng vẫn còn thương vợ nên anh không muốn “đi bước nữa”. Ngày xưa, khi còn hạnh phúc, hễ thứ Bảy là vợ chồng con cái cùng qua nhà ngoại vui chơi, ăn uống. Khi đã chia tay, anh vẫn giữ đúng quy định này. Xưa đi chung thì nay đi riêng. Anh nghĩ: “Đến thăm ba mẹ vợ, thăm ông bà ngoại của con, chứ mình có ở lại cơm nước phiền phức gì đâu. Cô ấy dù “ngứa mắt”, nhưng lấy cớ gì mà nặng nhẹ, xua đuổi?”. Do đó, người ngoài cứ tưởng họ chưa hề tan đàn xẻ nghé.
Rồi cả những lúc sinh nhật, giỗ quẩy, tết nhất, anh cũng có mặt bên nhà của ba mẹ vợ cũ. Anh Bình nói: “Chỉ còn có cách đó, tôi mới thường xuyên tiếp cận gần gũi với con. Mới có thể nắm bắt những gì thay đổi, phát sinh trong cuộc sống của con gái”.
Nào chỉ có thế, anh Bình còn hay bàn với vợ là sẽ chu cấp thêm tiền nong này kia cùng lo cho con. Nghe thế, cô vợ cũng ưng ý. Rõ ràng, sự lui tới với vợ cũ của những ai trong tình thế này, nghĩ cho cùng cũng xuất phát từ mối quan tâm dành cho con.
Chỉ có thế à?
Không đâu, còn có lý do sâu xa nữa. Như ta biết, người phụ nữ sau khi ly hôn, nếu muốn “đi bước nữa” ắt có lúc phải dẫn người đàn ông khác về “trình diện” với ba mẹ. Nay anh Bình, tự nguyện thường xuyên lui tới căn nhà đó ngoài lý do vì tình vì nghĩa bên nhà vợ, vì con, thì việc làm này đích thị là… “kỳ đà cản mũi”. Trường hợp anh An cũng thế thôi, dù ly hôn nhưng lấy lý do chưa bán được nhà, anh vẫn sờ sờ ở đây, mấy ai dám bén mảng tới lui.
Sự lui tới của anh Bình khiến ba mẹ vợ lại càng thương anh chàng ngày xưa từng là rể. Mẹ vợ từng bảo anh: “Con tìm được cô nào ưng ý, dẫn tới đây mẹ xem mắt giúp cho con”. Anh chỉ cười. Không biết bà mẹ vợ thật lòng thương anh nên nói thế hay… ngụ ý xa xa gần gần để anh tự biết hãy rút lui càng sớm càng tốt. Là người trong cuộc nhưng chính anh Bình cũng không thể trả lời thấu đáo. Thật ra, anh đã đạt được mục đích là vẫn được gặp gỡ, tâm tình cùng con, được hỗ trợ thêm cho vợ nuôi con, nhưng bà vợ hình như cười với anh nhiều hơn, vì không còn thấy ông chồng khó ưa như trước.
Nhờ giữ quan hệ thân thiết với con và khoảng cách vừa phải với vợ, các anh đã có lại được gia đình (Ảnh minh họa) |
Còn trường hợp anh Chung lại khác. Vợ chồng anh ly hôn thời trẻ, con cái ở chung với vợ, anh ra ngoài sống rồi có bồ.
Những tưởng mọi việc đã giải quyết xong. Điều khiến anh áy náy nhất là sau nhiều năm vợ cũ vẫn là “lính phòng không”, chật vật nuôi con. Thế là như một lẽ tự nhiên, anh thỉnh thoảng lại tìm về căn nhà ngày xưa, lấy cớ thăm con. Rồi khéo léo giúp đỡ gì đó cho vợ trong khả năng của mình. Giúp vợ cũng là một cách lo cho con. Cô vợ cũ thừa sức biết anh có bồ nhưng “quăng cục lơ”, vì đã ly hôn, việc gì phải ghen với tuông, cấm với đoán? Rồi tự nhiên, anh thông báo cô bồ đi lấy chồng rồi. Vợ cũ nghe xong, nhẹ nhàng bảo anh nên chúc cô ấy hạnh phúc…
Rõ ràng, về giấy tờ, những đôi vợ chồng ấy không còn “dây mơ rễ má” gì nữa. Không khác gì người dưng. Nhưng rồi, chính từ lòng yêu thương dành cho con, mối quan hệ ấy vẫn cứ “có mà không/ không mà có”.
Vậy, mối quan hệ đó, tên gọi chính xác là thế nào? Mà, dù thế nào đi nữa thì về mặt pháp lý xem như đã “xong phim”, thế nhưng người trong cuộc không quan tâm đến. Đã còn thương nhau thì ai bàn tán gì cũng mặc. Miễn là họ cùng chấp nhận cách thức này.
Lê Minh Quốc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ly-hon-xanh-nhung-cuoc-ly-hon-that-bai-a1462352.html” name=””]