Chỉ cần luôn chia sẻ, hướng dẫn những điều nên hay không nên làm và tin tưởng con. Cứ lo sợ, cấm đoán cực đoan chỉ rước thêm phiền muộn, căng thẳng.
Thay vì kiểm soát, cha mẹ hãy làm bạn với con (Ảnh minh họa) |
Trong lúc chuẩn bị hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào lớp Mười cho con, chị bạn tôi mới phát hiện con trai chị đã chuyển sang đăng ký nguyện vọng 1 là một trường vừa xa nhà, vừa khó, vốn không có trong dự định ban đầu của mẹ con. Gặng hỏi mãi cu cậu vẫn không nói lý do.
Tình cờ gặp bạn của con, chị lân la hỏi thăm mới biết. Hóa ra, quý tử nhà chị đang “bồ kết” một cô bé học chung lớp. Cô bé học rất giỏi và dự định thi tuyển vào trường đó nên cậu cả nhà chị cũng đăng ký vô theo dù sức học chỉ trung bình khá.
Chồng chị bảo cứ để con ứng tuyển vào trường đó. Dù sao trường ấy cũng tốt hơn hai trường còn lại mà con đăng ký. Nếu tình cảm của bọn trẻ tích cực thì đó sẽ là động lực để con học tập thay vì con chỉ mê game như trước kia.
Đó là chuyện của hai năm trước. Chị không biết tình cảm của con chị với cô bé kia có tiến triển xa hơn không nhưng may mắn là thằng bé đã trúng tuyển vào trường mơ ước và học hành nghiêm túc hơn. Thỉnh thoảng cô bé ấy đến nhà chơi cùng nhóm bạn học. Chị vẫn tỉnh rụi, giả vờ như chưa biết gì nhưng thực ra vẫn “tàu ngầm” theo dõi phòng khi tụi nhỏ “có biến”.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn đọc được những bài đăng của các du học sinh trên mấy nhóm du học kể chuyện chưa kịp tốt nghiệp đã có thai rồi sinh con. Các em hỏi thăm thủ tục giấy tờ vì lo ngại việc có con ảnh hưởng đến tình trạng cư trú và việc học nơi xứ người. Đa số các em dùng nick giả có lẽ để né tầm ngắm của các phụ huynh cũng như người quen, giọng điệu vẫn còn quá non nớt.
Có em vốn được gia đình bảo bọc kỹ. Lúc ở nhà chỉ việc ăn rồi đi học, cơm nước, giặt giũ, nhà cửa có mẹ và người giúp việc lo tất nên khi đối diện với một biến cố lớn trong đời như có con quá sớm, các em loay hoay không biết xoay xở sao trong khi việc học vẫn chưa đâu vào đâu.
Lần nghe tin đứa con gái mới du học đại học một năm đã có người yêu, chị bạn tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa dù biết điều đó trước sau gì cũng đến. Ngoài giờ con đi học, chị nhắn tin hoặc gọi video call thường xuyên để xem con làm gì, có ai ở chung nhà không. Nỗi căng thẳng lên cao khi con chị không chịu ở nhà người quen do chị giới thiệu mà đòi ở trọ bên ngoài. Chị cho là do con bé muốn được tự do để thoải mái sống cùng người yêu.
Lần đó, bạn bè mỗi người góp một tiếng chị mới nguôi nguôi. Đã cho con đi học xa một mình, sống tự lập, là phải chấp nhận tình huống con có thể có người yêu sớm, kể cả những hệ lụy (nếu có). Chỉ cần chị luôn chia sẻ, hướng dẫn những điều nên hay không nên làm và tin tưởng ở con. Cứ nghi ngờ, lo sợ, cấm đoán cực đoan, lại xa xôi thế kia có khi chỉ rước thêm phiền não, căng thẳng không đáng có. Các du học sinh sống cô đơn, thiếu tình thương gia đình, chưa kể nhiều điều phát sinh trong cuộc sống tự do xa nhà khiến những “chú hươu non” dễ quáng quàng đâm xiên, có yêu sớm cũng là chuyện dễ hiểu.
Ai đã qua đoạn trường nuôi con mới thấm thía, ở mỗi giai đoạn phát triển của con cái, cha mẹ đều có những mối lo khác nhau. Có những mối lo có thể chấm dứt bằng một giải pháp rốt ráo nhưng cũng có những nỗi bận tâm mà cha mẹ chỉ có thể chấp nhận, sống chung với nó, xoắn xít hay rối ren cũng chẳng cải thiện được gì. Chi bằng bình tĩnh đồng hành để làm điểm tựa tinh thần tin cậy cho con.
Hoài Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-yeu-som-cha-me-lam-tau-ngam-a1463332.html” name=””]