Thậm chí, làn sóng phản đối chiếc ô hàng hiệu đã được dấy lên trên mạng xã hội.
Những màn kết hợp đình đám của các thương hiệu cao cấp, hiện đã trở thành xu hướng mới trong vài năm trở lại đây. Ngoài việc khai thác được thêm nhiều chất liệu sáng tạo mới và mở rộng tệp khách hàng, những màn “collab” thế này cũng để lại không ít nghi hoặc, tranh cãi và những câu hỏi được dấy lên sau đó.
Điển hình của những tranh cãi ấy chính là làn sóng tẩy chay chiếc ô của Gucci x adidas. Bộ sưu tập thời trang dưới sự kết hợp của hai nhãn hàng ra mắt và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới mộ điệu. Ngoài những thiết kế ấn tượng mang đậm dấu ấn di sản của hai nhà mốt, một số phụ kiện cũng gây chú ý không kém, điển hình là mẫu ô có giá gần 30 triệu.
Với màu sắc nổi bật mang cảm hứng retro, cùng hàng loạt hoạ tiết mang tính biểu tượng của Gucci và adidas, có thể coi đây là “must-have item” của nhiều tín đồ mua sắm. Đặc biệt, phần tay cầm làm từ gỗ bạch dương hình chữ G cũng là chi tiết đắt giá.
Nhưng éo le thay, mặc kệ vẻ ngoài nổi trội ấy, người tiêu dùng ở Trung Quốc lại phẫn nộ vì chiếc ô này không sở hữu công dụng mà lẽ ra nó phải có. Theo Jing Daily, dòng hashtag “not waterproof collab umbrella sold at 11.000 yuan” (chiếc ô không thể chống thấm nước được bán với giá 11.000 nhân dân tệ) thu về hàng trăm triệu lượt xem trên Weibo.
Nghe thì ngược đời nhưng nó là sự thật! Đây là mẫu ô 100% chỉ dùng để làm cảnh, chẳng giúp được ai trong việc tránh mưa. Thậm chí, ngay tới website của Gucci cũng ghi rõ: “Xin lưu ý, mặt hàng này không chống thấm nước và chỉ được sử dụng để chống nắng hoặc trang trí”.
“Xin lưu ý, mặt hàng này không chống thấm nước và chỉ được sử dụng để chống nắng hoặc trang trí”
Netizen xứ Trung phẫn nộ bởi nhà mốt đã “mất trí” khi cho ra mắt chiếc ô còn không che nổi mưa, nhưng lại có cái giá quá đắt đỏ. Không ít người khủng bố trang MXH của Gucci tới mức thương hiệu cao cấp đã đổi tên sản phẩm từ “ô che mưa” thành đơn giản là “ô”.
Thật ra chuyện các thương hiệu cho ra lò sản phẩm không có nhiều công năng sử dụng nhưng lại mang cái giá cao ngất ngưởng là điều không mới. Louis Vuitton có thể bán bình nước bé xíu có giá hơn 35 triệu đồng, hay Jacquemus trình làng túi mini chỉ đựng vừa một quả vải. Đối với dân sành hàng hiệu, người ta thừa hiểu rằng: cái mà thương hiệu bán không phải là sản phẩm mà là giá trị thương hiệu.
Giá trị thương hiệu này không có được dựa vào việc tùy tiện niêm yết giá, mà phụ thuộc vào “độ mạnh” của thương hiệu trên thị trường. Nói theo cách khác, sản phẩm đắt đỏ là bởi thương hiệu sở hữu nó vốn đã có giá trị “không phải dạng vừa”
Ảnh: Tổng hợp
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/chiec-o-hang-hieu-gia-hon-38-trieu-dong-khien-cu-dan-mang-xu-trung-phan-uat-vi-khong-che-duoc-mua-20220519180926357.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]