Đứng trước những khó khăn, các sân khấu kịch buộc phải chuyển mình để tồn tại.
Kịch nói đang “hấp hối”, đó là câu nói cửa miệng của các ông bầu, bà bầu khi được hỏi về tình hình sân khấu kịch hiện nay. Trước đây, Sân khấu kịch nói xã hội hóa TP. Hồ Chí Minh thuộc hàng mạnh nhất cả nước.
Mấy chục năm nay, các đơn vị xã hội hóa đã duy trì sáng đèn hằng tuần tạo nên nét son văn hóa, một đặc trưng riêng có của nơi này. Thế nhưng, theo thống kê của Hội sân khấu TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, 80% sân khấu đang lâm vào cảnh kiệt quệ. Kiệt quệ có nghĩa là suy yếu đến tột cùng. Đỉnh điểm là sau đại dịch COVID-19, hàng loạt các sân khấu đã phải tuyên bố đóng cửa.
Theo NSND Hồng Vân, khó khăn trực tiếp buộc sân khấu phải tạm ngưng biểu diễn là chi phí thuê địa điểm biểu diễn tăng gấp rưỡi, từ 4,5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng 1 đêm. Với giá vé hiện nay thì nếu khán giả mua vé đầy một nửa rạp thì mới có đủ chi phí trả tiền mặt bằng. Mặt khác, theo quy định mới, sân khấu chỉ có thể ký hợp đồng 3 tháng, không thể ký 1 – 2 năm như trước đây, nên không thể đầu tư, nâng cấp rạp. Chỉ trong 2 năm qua, nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân đã lần lượt đóng cửa 3 sân khấu.
“Một ngôi nhà mình đã dành một phần ba cuộc đời cho nó, nhưng dành ở thời điểm đẹp nhất, thanh xuân của con người. Bỗng dưng 1 sáng thức dậy mình phải đi ra khỏi căn nhà đó. Thật sự mà nói, để mất đi sân khấu, mất đi nghệ thuật sân khấu thì đó là 1 điều cực kỳ đáng tiếc”, NSND Hồng Vân chia sẻ.
Thực chất, các sân khấu kịch tại TP. Hồ Chí Minh vốn đã lâm vào căn bệnh trầm kha nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các sân khấu phải đóng cửa nhiều đến vậy.
Dẫu biết “Vinh hoa” nào cũng có những “đoạn trường”, nhưng khi nhìn thấy các sân khấu kịch đang thoi thóp trước lằn ranh sinh tử, ai nấy đều không khỏi chạnh lòng.
Hàng loạt sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa thời gian qua, vô tình khiến hàng trăm nhân viên hậu đài thất nghiệp. Nếu như các diễn viên có thể tham gia các quảng cáo, TVC, Sitcom hay phim truyền hình, thì những nhân viên hậu đài phải gian nan tìm kế sinh nhai.
Đứng trước những khó khăn, các sân khấu buộc phải chuyển mình để tồn tại. Hiện Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã ngừng hẳn toàn bộ các vở diễn kinh điển của sân khấu để chuyển sang phương thức biểu diễn mới, gọi là Mùa diễn. Đây là bước đi mạo hiểm nhưng đó là nỗ lực gần như cuối cùng của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh để tự cứu lấy sân khấu của mình.
Bắt đầu từ một kết thúc. Sau khi khép lại các vở diễn trước đây Hoàng Thái Thanh sẽ chuyển đổi phương thức biểu diễn. Thay vì diễn luân chuyển các vở theo từng tuần, mỗi tháng diễn khoảng 10 vở cũ lẫn mới, thì sân khấu sẽ chuyển sang phương thức diễn theo mùa. Mỗi mùa diễn chỉ biểu diễn 1 vở và diễn liên lục vở đó trong 3-5 tháng.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/san-khau-kich-thay-doi-phuong-thuc-bieu-dien-de-ton-tai-2022052416530527.chn” name=””]