Những câu chuyện cổ tích về các loài hoa hấp dẫn người đọc bởi sự sinh động, chứa đựng bài học giá trị.
Truyền thuyết hoa Quỳnh và hoa Mẫu Đơn
Truyền thuyết hoa Quỳnh và hoa Mẫu Đơn là truyện dân gian Trung Quốc được thêu dệt thành giai thoại hấp dẫn, cùng suy ngẫm về cách thưởng hoa của người đời.
Truyền thuyết hoa Quỳnh
Theo truyền thuyết, ngày xưa vào thời nhà Tùy ở Dương Châu (Trung Quốc) có Tùy Dạng Đế (Dương Quảng 605 – 617) là ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, xa hoa, phung phí, một đêm nằm mơ thấy một cây trổ hoa đẹp.
Cùng thời điểm ấy, tại Lạc Dương thành có ngôi chùa cổ kính là Dương Ly, vào giữa canh ba, ngoài cửa chùa thình lình ánh sáng rực lên như lửa cháy, hương thơm sực nức lạ lùng, như sao trên trời sa xuống, làm dân chúng bàng hoàng đổ xô đến xem đông như kiến cỏ.
Gần giếng nước trong sân chùa mọc lên cây bông lạ, trên ngọn trổ một đóa ngũ sắc với 18 cánh lớn ở phía trên, 24 cánh nhỏ ở phía dưới, mùi thơm ngào ngạt bay tỏa khắp nơi nơi, lan xa ngàn dặm. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh.
Điềm báo mộng của vua Tùy Dạng Đế được ứng với tin đồn đãi, nên vua yết bảng bố cáo: “Ai vẽ được loại hoa Quỳnh đem dâng lên, vua trọng thưởng”. Không đầy tháng sau. Có một họa sĩ dâng lên vua bức họa như ý. Nhìn đóa hoa trong tranh cực kỳ xinh đẹp, tất nhiên hoa thật còn đẹp đến dường nào! Nghĩ vậy, vua liền quyết định tuần du Dương Châu để thưởng ngoạn hoa Quỳnh.
Trong chuyến tuần du cần có đủ mặt bá quan văn võ triều thần hộ giá, nên để tiện việc di chuyển, Tùy Dạng Đế ban lệnh khai kênh Vạn Hà từ Trường An đến Dương Châụ. Hàng chục triệu ngày công lao động phải bỏ ra, hàng vạn con người phải vất vả bỏ mình.
Ảnh minh họa.
Kênh rộng cả chục trượng, sâu đủ cho thuyền rồng di chuyển. Hai bên bờ kênh được trồng toàn lệ liễu đều đặn cách nhau 10 mét một cây (cụm từ “dặm liễu” xuất phát từ đó, điển hình câu thơ: “Dặm liễu sương sa khách bước dồn” của Bà Huyện Thanh Quan).
Kênh đào xong, một buổi lễ khánh thành được cử hành trọng thể, đoàn thuyền giương buồm gấm khởi hành cùng cả nghìn cung nữ xiêm y rực rỡ, mặt hoa da phấn. Thuyền rồng được buộc bằng các dải lụa dùng để kéo đi.
Vua Tùy Dạng Đế ngồi trên mui rồng uống rượu nghe đàn hát ca sang ngắm cảnh Giang Nam và đàn cung nữ tuyệt thế giai nhân. Vua thấy nàng nào thích ý cho vời vào hầu ngay.
Chuyến tuần du của bạo chúa Tùy Dạng Đế vô cùng xa xỉ, hao tốn công quỹ triều đình. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy đất nước đến đói nghèo, loạn lạc khắp nơi, đưa nhà Tùy đến sụp đổ, dựng nên cơ nghiệp nhà Đường.
Trong những quan quân hộ giá, có cha con Lý Uyên. Qua thời gian hơn 90 ngày, đoàn du hành đến đất Dương Châu. Thuyền vừa cặp bến, con của Lý Uyên phương danh là Lý Thế Dân cùng bằng hữu rủ nhau lén lút đi xem hoa ngay trong đêm, sợ sáng hôm sau triều thần cùng đi đông vầy lớp trẻ khó chen chân lọt vào vườn hoa.
Lý Thế Dân là người có chân mạng đế vương (về sau là Vua Đường Thái Tông 627 – 649) nên giống hoa nhún mình lên xuống 3 lần để nghênh đón. Cánh hoa cong trắng nõn, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng, hương hoa ngọt ngàọ. Dưới ánh trăng vằng vặc hoa đẹp tuyệt vời! Xem xong, một cơn mưa to trút xuống làm rụng hết.
Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa, chỉ còn thấy trơ vơ cánh hoa úa rũ, tan tác. Vua tức giận, tiếc công nghìn dặm không được xem hoa, ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi! Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở về đêm cho những ai có lòng lân ái: “Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”.
Sau cuộc tuần du, nhiều cuộc bạo loạn nổi lên khắp nơi. Tùy Dạng Đế bị cận thần sát hại dẫn đến nhà Tùy mất ngôi, Lý Thế Dân đứng lên lập nên nhà Đường.
Truyền thuyết hoa Mẫu Đơn
Đến đời Đường Cao Tông, say đắm Võ Hậu, lúc vua băng hà con còn nhỏ, Võ Hậu chuyên quyền nhiếp chánh hãm hại công thần, tự xưng vương, đổi nhà Đường thành nhà Đại Châu, xưng hiệu Võ Tắc Thiên hoàng đế. Một hôm, Võ Tắc Thiên ngự du vườn thượng uyển, nhìn cỏ cây xác xơ trơ trọi liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài tứ tuyệt khắc ngay cửa vườn:
Lai triều du thượng uyển
Hỏa tốc báo xuân trị
Bách hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuy.
Dịch:
Bãi triều du thượng uyển
Gấp gấp báo xuân hay
Hoa nở hết đêm nay
Đừng chờ ngọn gió sớm.
Linh ứng thay! Trăm hoa phụng mệnh, chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, mùi thơm sực nức nhân gian! Rạng sáng hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn trông muôn hồng ngàn tía ngoan ngoãn đua chen nở rộ, lấy làm tự mãn cho rằng quyền uy tột đỉnh.
Ảnh minh họa.
Bất giác, bà nhìn đóa Mẫu Đơn bất tuân thượng mệnh, thân cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa lá. Giận thay cho loài hoa ngoan cố, Võ Tắc Thiên ra lệnh đày Mẫu Đơn xuống tận Giang Nam. Do đó, vùng Giang Bắc thiếu vắng loài hoa vương giả, biểu trưng cho quốc sắc thiên hương nhằm ám chỉ tuyệt sắc giai nhân.
Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tứ nhằm thương hại và tán thán vẻ đẹp, sự khẳng khái của hoa Mẫu Đơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc tự giải phóng cuộc đời chứ không làm vương giả chốn kinh đô, chịu giam mình trong vườn hoa tù hãm của bạo chúa, đem sắc đẹp hương thơm ban rãi cho mọi người để được dự phần thanh cao.
Đó là truyền thuyết hoa Quỳnh và hoa Mẫu Đơn được đời sau dệt thành giai thoại đầy hấp dẫn qua thuyết Đường của Trung Quốc, biểu thị cho người đời suy ngẫm Hoa và Người – Ai là người xứng đáng thưởng hoa và hoa phải thế nào cho con người thưởng ngoạn.
Sự tích hoa Violet
Ở một tỉnh miền nam nước Pháp, nơi có các cánh đồng cỏ xanh rì như những dải lụa xanh thăm thẳm, lóng ánh trong ánh nắng là những dòng suối trong veo, các thảm hoa tươi thắm sặc sỡ màu sắc của sự phồn vinh, những đàn bò thản nhiên gặm cỏ, từng đàn gia súc chen chúc nhau, nơi đó có một trang trại rộng xa bạt ngàn của một vị bá tước đầy uy quyền và giàu có.
Ông ta có toàn bộ mọi thứ quý giá nhất trên đời, mặc dù thế điều mà ông ta vinh hạnh nhất đó chính là cậu con trai độc nhất vô nhị. Cậu chủ Anfaret là một chàng trai thật tuyệt với, điển trai, thông minh, hào hoa phong nhã. Chàng có sức hút rất mãnh liệt với toàn bộ các cô gái con nhà quý tộc trong vùng, chàng là niềm hãnh diện của cả dòng tộc. Cuộc sống bình yên trôi qua, cho đến một ngày xuất hiện cô gái làm vườn mới, tên nàng là Violeta.
Violeta là một cô gái con nhà nghèo nhất trong vùng. Nàng không có một sắc đẹp lộng lẫy nhưng vẻ hiền dịu trong trắng thanh thoát thơ ngây toát ra từ gương mặt dịu dàng như Đức mẹ của nàng đã khiến cả khu vườn như bừng sáng, khu vườn nhờ có bàn tay nàng càng rực rỡ sắc hoa. Và cũng chính gương mặt như thiên thần ấy đã làm cho trái tim chàng Anfaret rung động và tình yêu đã đến.
Vượt qua khoảng cách giàu nghèo, họ đến với nhau thật nồng nàn say đắm, nhưng vào thời đó sự khác biệt giai cấp đã gây ra bao đau khổ cho mối tình, không ai chấp nhận mối tình ấy và rồi tình yêu đó đã đến tai cha mẹ chàng, sóng gió bắt đầu nổi lên cho đôi bạn trẻ.
Cha chàng trai đã nổi trận lôi đình, ông cảm thấy thật nhục nhã và ra sức ngăn cản tình yêu của họ, mẹ chàng thì ngày càng căm ghét ra sức hành hạ nàng Violeta, nhưng nàng vẫn cắn răng chịu đựng tất cả.
Song lẽ đời vốn vậy, tình yêu càng ngăn cản thì càng trở nên nồng thắm, gắn bó hơn. Họ vẫn lén lút gặp nhau, vẫn trao cho nhau những nụ hôn những vòng tay nồng ấm, dường như mọi thứ không thể ngăn cản được tình yêu của đôi bạn trẻ.
Rồi một hôm cha mẹ chàng cũng phát hiện ra, họ trút giận lên người nàng Violeta. Ông ta nhốt Anfaret vào phòng rồi cho gọi Violeta đến. Sau một trận đòn ông ta tuyên bố nếu nàng vẫn còn tiếp tục gặp Anfaret thì ông ta sẽ đuổi nàng ra khỏi nhà.
Ông không thể chấp nhận một người thuộc tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội như nàng trong nhà được, nếu nàng yêu Anfaret thì hãy rời xa chàng, vì nếu không chính nàng sẽ cản trở tương lai của chàng, nếu yêu nàng chàng Anfaret sẽ mất tất cả, sẽ không còn địa vị danh dự trong xã hội, ông ta còn đe dọa sẽ bắt mẹ nàng để gây áp lực.
Ảnh minh họa.
Biết là dù có khóc lóc van xin cũng vô ích trước sự sắc đá của bá tước, vì tình yêu nồng thắm với Anfaret, vì lòng hiếu thảo, Violeta cuối đầu chấp thuận. Từ đó, nàng bắt đầu xa lánh Anfaret.
Nhưng Anfaret là một chàng trai kiên định, chàng không vì thế mà khuất phục. chàng vẫn tìm đến Violeta dù nàng cố tình tránh mặt. Ngày qua ngay cha mẹ chàng rất tức giận. bá tước cố tìm mọi cách ngăn cản họ, nhưng vẫn bất lực. Cuối cùng, một hôm ông ta đã nghĩ ra một cách, bèn gọi Anfaret lại và nói :
– Ta sẽ không ngăn cản con nữa, nhưng con phải hứa vớI ta một đìều kiện, con phải lên Paris học thành tài, sau 5 năm trở về ta sẽ cho con cưới Violeta. Nếu con không chấp nhận, ta sẽ gả cô ta cho Adrey, người làm vườn xấu xí.
Hãy vì tương lai của con cũng như của nó mà quyết định đi. Một là sau khi trở về con sẽ có Violeta, hai là hai đứa sẽ mất nhau vĩnh viễn. Nhưng khi con ra đi, nó vẫn phải ở lại đây làm việc như trước. Hãy lựa chọn đi con trai yêu quý của ta!
Trước quyết định đó, đôi bạn trẻ đành phải xa nhau và hứa hẹn ngày trở về. Đêm cuối cùng bên nhau, nước mắt nàng thấm đẫm vai áo chàng. Anfaret hứa rằng sẽ trở về để cưới nàng làm vợ. Chàng hứa rằng sẽ viết thư về thường xuyên cho nàng, hãy vững tin và chờ chàng trở về, bởi tình yêu chàng dành cho nàng mãi mãi không gì có thể ngăn cách được.
Nhưng Violeta dường như linh cảm được rằng có lẽ đây là lần cuối cùng họ còn được bên nhau, nàng vẫn im lặng vì không muốn làm chàng xao lòng. Chàng Anfaret ra đi, mang theo trong lòng hình ảnh thân thương và đôi mắt đau đớn của người yêu.
Violeta ở lại trang trại chịu mọi sự hành hạ của gia đình bá tước. Họ xem nàng như cái gai trong mắt nên không từ một thủ đoạn nào để hành hạ nàng.
Violeta cắn răng chịu đựng tất cả vì tình yêu dành cho Anfaret. Nhưng rồi ngày qua ngày, bóng chim tăm cá, nàng không hề nhận đuợơc tin chàng, không một lá thư hay lời nhắn trở về trang trại. Nàng âm thầm mỏi mong chờ đợi, bao đêm nàng khóc ướt đẫm gối vì thất vọng…
Rồi một hôm, mẹ chàng đưa cho nàng một bức điện tín và nói rằng hãy quên Anfaret đi, vì chàng sắp cưới con gái ngài nam tước, bạn của bá tước tại Paris .
Nghe tin như sét đánh ngang tai, nàng ngất xỉu trước nỗi đau ấy. Nàng đau đớn gần như chết lịm. Cũng từ hôm ấy nàng trở nên câm lặng.
Sự hành hạ cùa gia đình bá tước ngày càng khắc nghiệt hơn, nàng không được ăn no, phải dậy từ sáng sớm, làm việc quần quật từ sớm tới khuya, lại thêm phần đau khổ trong lòng, uất ức vì chàng Anfaret phụ tình nên sức khoẻ của nàng ngày càng suy sụp. Và rồi một đêm mưa gió, họ đã đuổi nàng ra khỏi nhà, từ đó không ai còn biết tin tức gì của nàng nữa.
Còn về phần Anfaret, 5 năm sống nơi thủ đô Paris tráng lệ, tình yêu của chàng không hề suy chuyển. Hình bóng nàng Violeta vẫn lung linh trong trái tim chàng. Chưa một ngày nào chàng không nhớ về người yêu đang ở trang trại chờ chàng trở về.
Mỗi tuần, chàng đều gửi một lá thư cho Violeta, động viên nàng hãy ráng đợi chàng trở về và tin tưởng tình yêu của chàng, rằng cuộc đời chàng chỉ yêu duy nhất có nàng mà thôi, chàng sẽ trở về và cưới nàng làm vợ.
Những hỡi ơi, cả chàng và Violeta nào có ngờ đâu, những lá thư tình yêu ấy chưa bao giờ đến được tay của Violeta. Chàng không hề biết khi mình ra đi, bao sóng gió đã đổ ập lên người Violeta yêu dấu. Chàng vẫn tin rằng bằng sự cố gắng của mình, sẽ học thật nhanh để trở về.
Và rồi ngày cuối cùng của 5 năm đã đến. Trước ngày tốt nghiệp, chàng muốn quay về bất ngờ để báo tin cho nàng biết rằng chàng sắp được cưới nàng, rằng họ sắp được bên nhau.
Nhưng hỡi ôi, khi chàng quay trở về nhà thì mọi thứ không còn như trước, nàng Violeta đã không còn ở đó nữa, gia đình chàng tìm mọi cách bôi xấu nàng nhưng Anfaret không hề tin.
Chàng như điên dại chạy khắp nơi tìm kiếm hình bóng người yêu. Chàng oán giận cha mẹ đã đuổi nàng, hành hạ nàng qua lời kể của Adrey – người làm vườn, cũng là người đã đối xử với Violeta rất tốt.
Chàng bôn ba khắp nước Pháp tìm nàng, dò hỏi người quen. Chàng không tiếc gì tiền bạc đi khắp nơi nhưng vẫn bặt tin nàng.Cho đến một ngày, trải qua bao tháng tìm kiếm vô vọng, sức cạn lực kiệt, chàng lâm bệnh nặng tưởng chừng như không thể qua khỏi, cha mẹ chàng xót con nên đành phải tung tiền ra thuê người tìm kiếm lần nữa, nhưng bóng dáng nàng Violeta vẫn bặt tăm.
Họ hối hận vì đã gây ra cảnh đau lòng để giờ đây nhìn đứa con trai yêu quý đang thoi thóp trên giường trong nỗi đau khổ tột cùng. Họ đã đưa tin khắp nước Pháp nếu ai tìm được nàng Violeta họ sẽ không tiếc bất cứ thứ gì.
Hai năm trôi qua, bệnh tình chàng Anfaret ngày càng trầm trọng. Cả dòng tộc gần như tuyệt vọng thì một hôm xuất hiện một cậu bé rách rưới với bộ dạng lo lắng hốt hoảng dừng lại ở trang trại đem lại tin tức về Violeta. Nhưng cậu bé chỉ đòi gặp chàng Anfaret và chỉ muốn nói riêng với chàng.
Nghe được tin này, Anfaret chợt bật dậy, chạy như bay đến bên cậu bé, ôm chầm lấy cậu mừng rỡ mà không kịp nhìn vào đôi mắt đang rơi lệ của cậu. Cậu bé ấy chính là em trai của Violeta. Cậu bé đưa tay ra cho chàng và nói:
– Cậu chủ, xin hãy đi theo em!
Dường như có một sức mạnh thúc đẩy, Anfaret cố gượng đi theo cậu bé. Họ đi rất lâu, về tận một vùng xa xôi hẻo lánh, một nơi rất xa trang trại mà không ai có thể ngờ tới. Cậu bé liên tục thúc hối chàng đi thật nhanh, trông cậu rất vội vã. Quãng đường xa khiến Anfaret như kiệt sức.
Cha mẹ chàng cũng gần như không đủ sức để đi tiếp, muốn được nghỉ ngơi nhưng cậu bé vẫn không muốn dừng. Cậu luôn thúc hối mọi người đi thật nhanh. Cậu nói:
– Xin các ngài hãy theo cháu mau lên kẻo không kịp.
Anfaret dường như linh cảm được điều không lành đang xảy đến nên chàng vẫn tiếp tục lên đường. Và rồi, khuất sau những ngọn núi kia là một vùng quê thật hẻo lánh, nghèo nàn. Trong một căn nhà tối tăm, nàng Violeta đang trong cơn hấp hối: xanh xao gầy gò, chỉ còn đôi mắt như đang trông ngóng điều gì, đôi môi nàng trong cơn mê sảng vẫn gọi tên Anfaret không thôi.
Anfaret bàng hoàng đau đớn, chàng vừa chạy đến quỳ bên nàng thì cũng là lúc nàng nhắm mắt, không còn kịp nhìn thấy Anfaret. Chàng bật khóc gào thét tên Violeta, van xin mọi người hãy cứu lấy nàng, nhưng… mọi người đều quay đi và rơi lệ. Violeta đã mãi mãi ra đi mà không kịp nhìn thấy gương mặt của người nàng yêu dấu và chờ đợi…
Cậu bé đã kể cho chàng nghe tất cả mọi điều, từ ngày nàng rời khỏi nhà bá tước, đã mang trong người căn bệnh hiễm nghèo, hậu quả của những tháng ngày bị hành hạ. Nhưng nàng vẫn cố thoi thóp sống mong ngày chàng Anfaret trở về.
Nàng vẫn muốn chờ đợi ngày chàng về để nói với chàng rằng nàng vẫn yêu chàng, vẫn chờ đợi chàng, rằng vẫn không tin chàng đã phản bội lại lời thề hứa năm xưa, rồi mới thanh thản ra đi. Nhưng tất cả đều đã muộn. Nàng đã ra đi không kịp nói lời trăng trối, không kịp nhìn thấy chàng Anfaret.
Cha mẹ chàng nhìn thấy cảnh đau thương đó đã gục xuống trước mặt nàng mong nàng tha thứ, nhưng nàng nào còn biết gì…
– Cha mẹ đã vừa lòng chưa? – Anfaret gào lên thảm thiết – Các người đã thoả mãn chưa? Nàng đã ra đi thật rồi, nàng bỏ ta rồi, ta còn sống để làm gì nữa! – Ánh mắt và giọng nói của Anfaret như vang từ cõi xa xăm nào đó.
Đám tang Violeta được đưa về trang trại tổ chức với những vòng hoa hồng trắng muốt, tinh khiết như gương mặt im lìm lạnh giá của nàng. Anfaret ôm lấy linh cữu của Violeta không rời, môi chàng mấp máy gọi tên người yêu như một kẻ mất trí.
Ai nhìn vào đều cũng phải rơi lệ, khuyên giải thế nào chàng cũng bỏ ngoài tai. Và từ đó, chàng không hề rời khỏi nàng, ngày này sang ngày khác chàng vẫn ngồi im lìm bên mộ nàng, nỗi đau ấy không thể vơi đi. Anfaret như một kẻ mất trí, chỉ biết kêu tên nàng trong nỗi đau tột cùng.
Tình yêu ấy quá lớn. Tình yêu ấy đã trở nên bất diệt trong lòng chàng. Cha mẹ chàng trở nên bất lực, không thể khuyên gì chàng được nữa vì bản thân họ cũng cảm thấy quá ân hận. Trang trại phồn vinh ngày nào giờ đây chìm trong ảm đạm u uất.
Rồi một ngày cuối đông, vì kiệt sức và cũng vì quá đau khổ, chàng Anfaret đã gục ngã, trút hơi thở sau cùng bên mộ nàng Violeta. Di nguyện sau cùng chàng chỉ muốn được chôn chung cùng nàng.
Mùa đông lạnh lẽo trôi qua, mùa xuân lại trở về nơi trang trại, nơi đây chỉ còn lại vợ chồng bá tước già hiu quạnh, ai cũng tiếc thương cho mối tình của chàng Anfaret và nàng Violeta.
Một buổi sàng thức dậy, người ta bỗng chợt nhìn thấy trên mộ hai người xuất hiện một nhánh hoa màu tím vươn cao trong gió. Một màu tím ngát thắm sắc cả khu vườn. Cành lá khẳng khiu nhưng vẫn vững vàng trước gió, vươn cao mạnh mẽ như tình yêu bất diệt của chàng Anfaret và nàng Violeta.
Người ta tiếc thương cho cô gái nết na hiền dịu, tiếc thương cho một mối tình ngang trái chung thủy ấy, bèn đặt tên cho loài hoa ấy là hoa Violet, loài hoa mang tên người con gái bạc mệnh. Một loài hoa mang màu tìm thủy chung.
Hoa violet là loài hoa mọc dại mang sắc tím thủy chung ngọt ngào. Loài hoa này đã được rất nhiều thiếu nữ yêu mến và tôn thờ như một biểu tượng của sự thủy chung.
Sự tích hoa Mimosa
Ở vùng đất tươi đẹp nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm xưa, có một đôi tình nhân yêu nhau say đắm. Chàng là con của một ngư dân, có thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng và thông minh tuyệt vời.
Nàng là con gái cưng của một gia đình quý tộc, đẹp rực rỡ, đài các và có tấm lòng nhân hậu. Tuy nhiên, gia đình lại ép gả nàng cho một công tước hoàng gia.
Chàng trai buồn phiền từ giã biển khơi, bỏ nghề chài lưới, lên một vùng núi cao hiểm trở làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng.
Ảnh minh họa.
Khi chàng vừa đặt chân đến nơi, thì một trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra. Một mình chàng bất chấp hiểm nguy để cứu những cánh rừng xanh và những con Kangaroo tội nghiệp. Và rồi, ngọn lửa quái ác kia đã làm chàng ngất xỉu và thiêu sống chàng.
Khi hay tin chàng trai bỏ thành phố biển lên ngàn tìm quên mối tình đầu dang dở, trong đêm tân hôn cô gái đã bỏ trốn để tìm người yêu. Nhưng, khi gặp được chàng thì nàng chỉ thấy thân xác chàng bên đống tro tàn của cánh rừng bị cháy.
Nàng quỳ xuống và gục chết bên người yêu. Từ đó, trên vùng núi cao của đất nước thơ mộng – nơi cặp tình nhân đã chết cho tình yêu xuất hiện một loài cây thân mộc, lá màu xanh biếc, lấp lánh hoa vàng thơm mát. Người dân địa phương đặt cho loài cây này một cái tên thật đẹp: Mimosa.
Ngày nay, các cặp tình nhân thường tặng hoa Mimosa cho nhau để khẳng định sự chung thủy, luôn hướng về người mình đem lòng yêu thương.
Sự tích hoa Cát Tường
Ngày xưa, có hai mẹ con nọ sống đầm ấm trong một ngôi nhà tạm bợ. Ngày ngày, người mẹ đi làm thuê để nuôi đứa con trai ăn học.
Bà chỉ mong sau này con đỗ đạt để được nương tựa tấm thân già. Không phụ lòng mong mỏi của bà, đứa con ngày càng học giỏi, nổi tiếng là thần đồng khắp cả vùng.
Không những thế, cậu ta sống vui vẻ với mọi người và rất có hiếu với mẹ. Trong làng, gia đình nào cũng mơ ước có được đứa con như vậy.
Một ngày nọ, bỗng nhiên cậu ta lăn đùng ra tắt thở. Người mẹ vật vã, khóc chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Bà khóc đến nỗi khô cả nước mắt.
Dân làng rất tiếc thương cho mạng số ngắn ngủi của cậu bé và xót xa cho nỗi khổ đau của người mẹ. Muôn lời xẻ chia, vạn lời an ủi cũng không xoa dịu được sự trống vắng mênh mông trong trái tim người mẹ.
Người mẹ đến gặp Đức Phật Như Lai cầu mong Ngài hãy rủ lòng từ bi giúp cho con bà sống lại. Sau những thời khắc đắn đo,
Ảnh minh họa.
Ngài bảo chỉ có một loài hoa tên là Cát Tường mới có thể giúp con bà sống lại được. Khi nào bà tìm được loài hoa ấy thì Ngài sẽ giúp cho.
Người mẹ khăn gói lên đường. Bà bôn ba khắp xóm này, làng nọ, từ miền biển mênh mông cát trắng đến những nơi thâm sơn cùng cốc, đâu đâu cũng có dấu chân bà. Và cũng tiếc thay, không nơi nào người ta biết có loài hoa “may nắn, tốt lành” ấy.
Hy vọng vơi dần, sức cùng lực kiệt, một ngày kia người mẹ gục ngã bên một con đường vẫn còn mịt mù phía trước. Bà không bao giờ đứng dậy được nữa. Xác bà biến thành một loài hoa mà người ta chưa bao giờ thấy.
Cảm thông cho câu chuyện của bà, người ta đặt tên cho loài hoa ấy tên là hoa Cát Tường.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Đối với trẻ nhỏ, những câu chuyện cổ tích thế giới của cây cối và động vật vẫn sinh động, bắt mắt và hấp dẫn. Những câu chuyện còn cung cấp cho trẻ những cột mốc trong hành vi cần thiết trong cuộc sống.
Những câu chuyện còn cung cấp cho trẻ những cột mốc trong hành vi cần thiết trong cuộc sống.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhung-cau-chuyen-co-tich-ve-cac-loai-hoa-hay-va-sinh-dong-nhat-cho-be-tuoi-mam-non-d309399.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/nhung-cau-chuyen-co-tich-ve-cac-loai-hoa-hay-va-sinh-dong-nhat-cho-be-tuoi-mam-non-c429a517760.html” name=””]