Cuộc hôn nhân kéo dài gần 75 năm của Nữ hoàng Anh Elizabeth II là một câu chuyện cổ tích ngoài đời thực, dù không thiếu những sóng gió, trắc trở.
Sắp tới đây, nước Anh sẽ kỷ niệm một sự kiện trọng đại – Đại lễ Bạch Kim mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng. Mặc dù đã nắm giữ ngai vị từng ấy thời gian, nhưng vẫn có một điều mà bản thân Nữ hoàng Anh và hàng triệu người dân Anh cảm thấy tự hào, đó là cuộc hôn nhân kéo dài gần 75 năm của bà với Hoàng tế Philip.
Nữ hoàng và Hoàng tế bên gia đình nhỏ.
Nữ hoàng Anh và cuộc hôn nhân lịch sử
Trước khi Hoàng tế qua đời vào tháng 4 năm ngoái, cả hai đã kịp kỷ niệm 73 năm ngày cưới hồi tháng 11/2020 – đánh dấu cuộc hôn nhân hoàng gia dài nhất trong lịch sử. Hoàng tế là người đàn ông duy nhất trong cuộc đời Nữ hoàng Anh , kể từ khi bà gặp ông vào tuổi niên thiếu.
Nói về chồng mình, bà luôn không tiếc lời ca ngợi và cho rằng ông là hậu phương vững chắc nhất cho sự nghiệp phục vụ nhân dân của mình. Dù vậy, như mọi cuộc hôn nhân khác, mối quan hệ của Nữ hoàng và Hoàng tế cũng gặp không ít thử thách.
Phần lớn những thách thức trong cuộc hôn nhân hoàng gia nằm ở những năm đầu tiên. Khi Nữ hoàng gặp Hoàng tế lần đầu tiên tại Đại học Hải quân Hoàng gia, bà chỉ mới 13 tuổi. Dù 2 người là họ hàng xa (cùng là cháu 4 đời của Nữ hoàng Anh Victoria), điều đó không ngăn được tiếng sét ái tình với chàng học viên sĩ quan trẻ tuổi Philip.
Theo nhiều người thân cận, từ khoảnh khắc đó trở đi, Elizabeth trẻ tuổi chưa bao giờ dành ánh mắt mình cho bất kỳ một người đàn ông nào khác. Họ tiếp tục trao đổi thư từ trong nhiều năm sau đó và nảy sinh tình cảm. Tuy vậy, các triều thần của Vua George VI – cha bà – và bản thân Hoàng gia khi đó khá dè dặt với chàng Philip trẻ tuổi, vì xuất thân và quá khứ phức tạp của ông.
Nữ hoàng vào độ tuổi niên thiếu.
Vương tử Philip xuất thân từ dòng dõi Hoàng gia Hy Lạp và Đan Mạch. Tuy nhiên, vì một loạt bất ổn chính trị, xã hội của Hy Lạp sau Thế chiến I mà gia đình ông phải rời bỏ quê hương và chia tách mỗi người một nơi. Philip dành phần lớn tuổi thơ sống xa cha mẹ trong một môi trường nuôi dạy khắc nghiệt, rồi phục vụ Hải quân Anh tới hết Thế chiến II.
Trong khi đó, Công chúa Elizabeth – con gái cả của Vua George VI – sinh ra đã ngậm thìa bạc và có một cuộc sống đủ đầy tình yêu thương từ khi còn bé, cộng thêm một chế độ giáo dục đặc biệt nghiêm cẩn dành cho vị quốc vương tương lai.
Tuy nhiên, bất chấp những khác biệt và lo ngại đó, Nữ hoàng và Hoàng tế đã đấu tranh thành công cho tình yêu của mình. Sự tự tin và tình cảm của Philip dành cho Công chúa trẻ tuổi đã chinh phục được Vua George VI, và cặp đôi đính hôn vào tháng 7/1947. 4 tháng sau đó, một đám cưới long trọng diễn ra – như tia sáng ấm áp sau khi Thế chiến kết thúc.
Nữ hoàng và Hoàng tế vào ngày cưới.
Có một điều không phải ai cũng biết là khi được Philip cầu hôn vào năm 1946, Nữ hoàng tương lai khi đó đã đồng ý một cách không hề do dự và thậm chí không hỏi ý kiến cha mẹ. Thuận theo con gái, Vua George VI đồng ý tác thành, nhưng lo ngại vì cô còn quá trẻ nên đã yêu cầu cả hai chờ thêm 1 năm nữa.
Ngày cưới cũng chính là ngày Hoàng tế từ bỏ thói quen hút thuốc vì vợ. Elizabeth vốn rất ghét thói quen đó, khi chứng kiến nó từ cha mình và cách nó ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Thử thách tiếp theo đến với cặp đôi khi Vua George VI qua đời ở tuổi đời khá trẻ (56 tuổi) vì bạo bệnh. Elizabeth phải nối ngôi sớm hơn bà nghĩ, nhưng dù sao đó cũng là một nghĩa vụ bà được trông đợi từ nhỏ.
Philip thì khác. Với niềm nhiệt thành dành cho Hải quân, giờ đây ông phải gác lại sự nghiệp riêng để chính thức trở thành Hoàng tế – một nghĩa vụ mà ông chưa từng nghĩ đến cho tới vài năm trước đây. Hơn nữa, ông sẽ phải đóng vai hậu phương cho vợ – một điều không mấy dễ chịu với lòng kiêu hãnh của một người đàn ông xuất thân quý tộc vào thế kỷ trước.
Vương tế Philip trong một bức ảnh tại Trường Sĩ quan Hải quân Hoàng gia năm 1947.
Phức tạp hơn, người chú ruột của Philip là Bá tước Dickie Mountbatten giờ đây yêu cầu Hoàng gia sử dụng họ Mountbatten của Hoàng tế cho những hậu duệ hoàng gia tương lai. Yêu cầu này bị phản đối bởi cả Hoàng gia và Thủ tướng Churchill, khiến cho Philip vô cùng phiền lòng. Ông từng chia sẻ với bạn “Tôi là người đàn ông duy nhất ở xứ này không được truyền họ cho con mình“.
Một Vương tế huyền thoại
Vào những năm 1950, sau chuyến hải trình công du của con tàu hoàng gia Britannia do Philip dẫn dắt và mối quan hệ bạn hữu của Vương tế với một câu lạc bộ đàn ông “bí mật”, nhiều tờ báo Anh bắt đầu đồn đoán về những mối quan hệ ngoài luồng của ông.
Đối mặt với những áp lực đó, cặp đôi vẫn thể hiện mối quan hệ khăng khít, ít nhất là trước công chúng. Cũng không có bất kỳ bằng chứng nào về các mối quan hệ bí mật của Vương tế được tìm ra.
Dù vậy, theo nhiều nguồn thân cận và sử học, những áp lực dư luận đó cộng thêm sự đè nén của Vương tế trong vấn đề họ tên cũng như việc trở thành hậu phương âm thầm, đã vô hình tạo ra sóng gió cho cuộc hôn nhân.
Cuối cùng, để làm yên lòng chồng mình, Nữ hoàng quyết định phong cho ông làm Thân vương Vương quốc Anh, cùng với đó là quyết định sử dụng họ kép Mountbatten-Windsor làm họ cho những hậu duệ nam của cặp đôi hoàng gia kể từ đó.
Mặc cho nhiều sóng gió và thách thức, Nữ hoàng và Vương tế đã vượt qua tất cả để có với nhau gần 75 năm chung sống trọn vẹn. Lãnh chúa Charteris – thư ký riêng của Nữ hoàng, từng tiết lộ: “Vương tế Philip là người đàn ông duy nhất trên thế giới này đối xử với Nữ hoàng như một con người bình thường. Ông ấy là người duy nhất có thể làm vậy. Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi tin rằng bà ấy trân trọng điều đó“.
Trong khi kỷ niệm 50 năm ngày cưới của họ vào năm 1997, Elizabeth đã ca ngợi Philip: “Anh ấy là người kiệm lời khen nhưng anh ấy, một cách đơn thuần, là nguồn sức mạnh và chỗ dựa của tôi suốt những năm qua. Tôi và cả gia đình anh ấy, và cả quốc gia này cũng như nhiều quốc gia khác, nợ anh nhiều hơn những gì anh sẽ thừa nhận“.
Nguồn: Tổng hợp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/bat-chap-song-gio-nu-hoang-anh-van-viet-nen-cau-chuyen-co-tich-ve-hon-nhan-hoang-gia-thoi-hien-dai-khien-hang-trieu-nguoi-nguong-mo-20220530142612435.chn” name=””]