Có một vùng quê trước đây mang tên thôn Hoán Mỹ nay là khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với món bánh ú.
Bánh ú tro Hoán Mỹ |
Ở đó từng có một người phụ nữ đặc biệt, bà được sinh ra từ những năm chiến tranh loạn lạc, có lẽ cũng chẳng ai biết chính xác bà sinh năm nào, nếu còn sống dễ bà đã gần trăm tuổi. Bà là con gái của một gia đình đông con, bà tận thứ 11 và cha mẹ bà đặt tên cho bà là Lê Thị Một. Bà là con gái tộc Lê Phước, về trực hệ gia tộc, tôi gọi bà là cô (vai chị của cha).
Bà Một không đi học, không biết chữ, không chồng, không con, có thể nói là từ khi sinh ra đến lúc chết, bà chưa hề ra khỏi lũy tre làng.
Bà sống bằng chín thước đất ruộng cấy Nhà nước cấp theo nhân khẩu (khoảng 300m2), giao các cháu bà canh tác và đong lúa lại cho bà để có cái sinh nhai. Bà tướng mạo đàn ông, mặt vuông chữ điền, tiếng nói to, nhìn hơi dữ nên con nít sợ, ít dám lại gần. Tuy vậy, bà là người nhân hậu. Bà truyền lửa nghề bánh ú tro Hoán Mỹ, nay đã là làng nghề có thương hiệu.
Bánh ú tro Hoán Mỹ giờ không còn gói gọn trong phạm vi Hoán Mỹ, mà đã lan tỏa ra các địa phương lân cận như Gò Mùn, Xóm Núi, Giáo Đông, Giáo Trung, Song An, Giáo Tây, Bộ Bắc…
Cũng không ai biết bà Một học được nghề bánh ú tro ở đâu, ai là truyền nhân, vì bà chưa hề xa quê. Chỉ biết rằng vào một mùa mồng Năm tháng Năm âm lịch nào đó, đã rất lâu rồi, bà Một làm bánh ú tro – một sự kiện chấn động vùng quê. Thành công nối tiếp thành công, bà truyền lại nghề cho người thân trong gia đình, sau đó truyền ra tộc họ. Hồi đó công thức làm bánh phải giữ bí mật, chỉ truyền cho con trai, con dâu, không truyền cho con gái (có lẽ quan niệm con gái về sau đi lấy chồng sẽ mang theo nghề đi nơi khác!).
Bây giờ, ra đường vào tiết mồng Năm tháng Năm, đâu đâu cũng có bánh ú tro, nhiều địa phương các tỉnh, thành người ta làm bánh ú tro, mỗi nơi một vẻ, đa dạng, phong phú, nhưng với tôi, bánh tro làng Hoán Mỹ là ngon nhất, gói ghém biết bao nghĩa tình.
Trước tết Đoan Ngọ một vài tháng, làng đã rộn ràng đặt cọc người lên núi hái lá đót, chuẩn bị tro (tro được đốt từ thân cây mè, thân cây đậu xanh, nên rất “lành”), chuẩn bị củi đun, xoong nồi, dây gói. Ai có việc gì cũng tạm gác lại, tập trung cho gói bánh mùng Năm. Thợ gói quây quần bên cái nong to để giữa nhà, vừa gói bánh, vừa trò chuyện rôm rả. Bánh tro, trước cúng tổ tiên, sau con cháu vui vầy, làm quà tặng. Lại nghe rằng, ngư dân mua số lượng lớn để rải sông rải biển cúng thủy thần.
Bánh ú tro Hoán Mỹ đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động nhỏ tuổi cũng làm tốt, nhất là các cháu gái còn độ tuổi THCS, gói bánh thuê kiếm tiềm mua thêm áo quần, sách vở… Và hơn hết là bánh ú tro đã tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng hộ khá giả, hộ giàu trong người làm bánh quy mô lớn, kể cả thương lái. Nhưng giờ đây, mấy ai còn nhớ đến bà Lê Thị Một – người truyền lửa năm xưa?
Bà Một qua đời trong khó khăn đã hơn mười năm nay, do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật. Gia tộc Lê Phước chúng tôi gọi bà là Quý Nữ.
Lê Phước Sơn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/banh-u-tro-hoan-my-a1465188.html” name=””]