“Em và Trịnh” quả thật là một chuyến du hành về miền kí ức đan xen của người nhạc sĩ khiêm cung tìm được sự tha thứ cho chính mình ở tuổi xế chiều.
“Em và Trịnh” bắt đầu bằng sự tò mò của Yoshii Michiko, cô sinh viên người Nhật quyết tâm muốn thuyết phục “anh Sơn” đồng ý chia sẻ về cuộc đời của mình để giúp cô hoàn thành luận văn thạc sĩ. Nhưng cô không ngờ mình sẽ lên một chuyến tàu của những kí ức đan xen và cũng một lần nữa mở cửa trái tim lãng mạn của Trịnh Công Sơn.
Hai phim Trịnh Công Sơn và Em và Trịnh có suất chiếu đặc biệt trên toàn quốc từ 19h ngày 10/6/2022 và cả ngày 11, 12/6/2022 trước khi ra rạp chính thức ngày 17/6/2022.
Ở bản phim “Trịnh Công Sơn”, tinh thần thanh xuân luôn rực cháy trong từng khung hình, lần đầu giới thiệu đến với khán giả một Trịnh Công Sơn từng cháy bỏng với lý tưởng và tình yêu âm nhạc của mình. Còn bản phim “Em và Trịnh” dài 136 phút lại gây ấn tượng với những phân đoạn chuyển cảnh đan cài vào nhau khi Trịnh Công Sơn và Michiko tìm về với quá khứ. Những câu chuyện về những bài hát gắn liền với những nàng thơ đã đi qua đời mình, nay không chỉ được đạo diễn hay biên kịch kể lại nữa mà khán giả như thấy mình đang ngồi cạnh Trịnh, nghe ông chậm rãi chiêm nghiệm về cuộc đời của mình. Những phân đoạn tuổi trẻ vẫn chiếm phần nhiều trong suốt chiều dài phim, nhưng cách dựng phim như phủ lên những kí ức cháy bỏng ấy một lớp màu của hồi ức, đôi khi là tiếc nuối, cũng đôi khi là sự tự hào đã sống hết mình. Nếu nói rằng khán giả đang đi trên một chuyến du hành ngược về quá khứ, thì hẳn đấy là một chuyến tàu hoả chậm rãi xuất phát từ nhà ga Sài Gòn năm 1990 chứ không phải là một chiếc du thuyền hiện đại của thế kỉ 21.
Trịnh Công Sơn trung niên và Michiko
Thanh Thuý
Bích Diễm
Chính vì được cùng Trịnh Công Sơn tuổi trung niên nhìn lại tuổi trẻ mà khán giả cũng có dịp chầm chậm quan sát cuộc đời của ông và gạt đi góc nhìn đúng-sai. “Em và Trịnh” đã truyền tải được một tinh thần trung dung và đem lại một trải nghiệm hiếm có khi ta chỉ cần nghiền ngẫm mà không cần phải đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Hoá ra, người ta vẫn có thể yêu đắm say đoá hướng dương, nhưng trái tim nghệ thuật vẫn sẽ rung lên những xúc cảm không tên với giọng hát tri âm. Không như cách Michiko “phản biện” để Trịnh Công Sơn phải thừa nhận mình là một nhạc sĩ phản chiến, trước đó ông đã nói: “Việc của người nghệ sĩ là sáng tác. Họ không nên dán nhãn lên tác phẩm của mình”. Trước đó ở Paris, Trịnh Công Sơn hồi đáp yêu cầu phỏng vấn để nghiên cứu ông của Michiko bằng một câu trả lời đơn giản mà như hàm chứa tất cả sáng tác của ông: “Michiko ạ, để hiểu được âm nhạc của tôi, Michiko phải sống ở Việt Nam, hít thở không khí Việt Nam, ăn đồ ăn Việt Nam.” Bỏ qua tất cả mọi nhãn dán, nền tảng của Trịnh Công Sơn luôn là tình yêu, với Việt Nam, tiếng Việt Nam, với dòng máu đỏ da vàng và với những nàng thơ.
Dao Ánh
Khánh Ly
Với tinh thần không-dán-nhãn đó, ta khó có thể nói màn trình diễn của “Trịnh trẻ” Avin Lu và “Trịnh già” Trần Lực là cuộc so tài vì ngay từ đầu đã chưa bao giờ là một cuộc so tài. Avin Lu và NSƯT Trần Lực như hai hình ảnh phản chiếu trên cùng một tấm gương soi chiếu cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Avin Lu sở hữu sự ngây ngô với cuộc đời, nghệ thuật và tình yêu, đồng thời cho thấy nét vững vàng đi cùng với sự trưởng thành của Trịnh Công Sơn sau khói lửa chiến tranh, đặt bút viết xuống những ca khúc da vàng. Trịnh Công Sơn lúc này của Avin Lu không còn là anh nhạc sĩ nghèo ngơ ngác nữa, chỉ còn nụ cười bình thản trước câu hỏi của Khánh Ly rằng Trịnh Công Sơn lãng mạn của nàng đâu rồi: “Còn gì đau khổ hơn ta xem khổ đau là điều bình thường.” Còn chàng Trịnh tuổi lục tuần của nghệ sĩ Trần Lực lại khiến người xem bất ngờ trước “khí chất” trẻ trung khi một lần nữa chàng lại mở lòng và yêu, vẫn say đắm và lãng mạn như thuở thanh niên. Trịnh Công Sơn là thế, luôn mong manh trong tình yêu. Nhờ vậy mà các phân cảnh tình cảm của nghệ sĩ Trần Lực và Nakatani Akari diễn ra thật tự nhiên và nhận được nhiều đánh giá tích cực của khán giả, bất chấp khoảng cách tuổi tác.
“Em và Trịnh” đã đem đến một cái kết khác biệt cho mối tình của ông cùng Dao Ánh và Michiko. Sự thay đổi này giúp khán giả yêu phim và yêu Trịnh thấu hiểu hơn lời ông từng nói: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.” Tha thứ cho những tiếc nuối, những tổn thương và những mất mát. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết: “Có thể nói ngay rằng, nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quý báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời.” Hoá ra, dẫu nỗi cô đơn luôn đi cùng cuộc đời của Trịnh Công Sơn nhưng cũng không vì vậy mà ông buông bỏ tình yêu.
Nếu ta xem “Trịnh Công Sơn” như một ngọn lửa rực cháy tuổi thanh xuân thì ở phiên bản “Em và Trịnh”, ta lại như đang nhâm nhi một tách cà phê nóng vào một buổi chiều mưa lất phất, lòng dấy lên chút hoài niệm khi thứ chất lỏng đắng trôi qua cuống họng để lại hương thơm nồng nàn mang dư âm của kí ức.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/phien-ban-phim-136-phut-em-va-trinh-ve-dep-co-dien-cua-su-chiem-nghiem-ben-canh-ngon-lua-thanh-xuan-ruc-ro-20220607214941792.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]