Có lần chứng kiến ba đánh chửi mẹ, bé nói: “Mẹ muốn ly hôn thì cứ ly hôn, đừng lo cho con”. Chị bắt đầu thu xếp mọi thứ.
Khi chị L.T.M. (trưởng phòng nhân sự một công ty nước ngoài) là một sinh viên mơ mộng thì anh N.T. đã là công chức nhà nước. Anh T. chinh phục chị M. bằng sự chín chắn, ân cần và chiều chuộng. Chị M. tốt nghiệp đại học, hai người đã tổ chức cưới.
Thế nhưng, giấc mơ về cuộc hôn nhân màu hồng không thành hiện thực. Cưới xong, anh T. vẫn chiều đi đá banh cùng hội bạn, khuya mới về nhà trong tình trạng say khướt. Ngày trước, anh T. từ Thủ Đức lên ký túc xá ở Q.1 thăm chị M. với sự tinh tươm, vui vẻ và không bao giờ có hơi men. Vậy mà giờ chồng suốt ngày đi chơi, đi nhậu. Chị nhỏ to khuyên anh dành thời gian cho vợ con thì anh mắng “đàn bà lắm lời”, và rằng “anh có thú vui, đam mê của anh, chả lẽ cưới vợ về là mất tự do à?”. Chị M. chỉ biết nín lặng.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Có thai đứa con đầu, chị tràn đầy hy vọng đứa con sẽ làm chồng thay đổi, chọn gia đình, vợ con làm niềm vui. Nhưng chị M. vừa sinh con được một tháng thì anh T. bắt đầu đi miệt mài. Anh biết, dù anh có mặt hay không thì chị M. cũng vẫn chu toàn việc chăm con, lo cơm nước cho chồng. Vì vậy, sau giờ làm, anh T. chỉ về thay bộ đồng phục đá banh, qua quýt hôn con rồi phóng xe mất hút. Anh không để ý vợ đang cảm sốt, con đang khó chịu. Chị M. buồn và căng thẳng đến mất sữa.
Chị rơi vào trầm cảm sau sinh khi vừa nuôi con, vừa tự lo kinh tế vì lương của anh đổ vào việc ăn nhậu. Rất nhiều đêm, chị đứng bên bệ cửa sổ với suy nghĩ “gieo mình xuống đất” nhưng nhìn đứa con đỏ hỏn khóc ngặt vì đói, chị M. bừng tỉnh và ôm con vào lòng, tiếp tục chuỗi ngày sống trong nước mắt.
Anh T. biết rõ cảm xúc của vợ, vì chị luôn thổ lộ với anh với hy vọng để chồng tỉnh ngộ. Nhưng anh không động lòng, mà còn đánh chị vì “càm ràm chồng và can thiệp vào cuộc sống của chồng”. Từ đó, chị M. có ý định ly hôn.
Nhưng chị nghĩ, con còn nhỏ, cha mẹ chị sẽ buồn, xấu hổ với xóm làng khi chị đổ vỡ hôn nhân. Hơn nữa, gia đình chồng luôn xem chị là chỗ dựa, chiếc phao của mọi người nên chị không đành dứt áo ra đi. Lại thêm, sau mỗi lần đánh vợ, anh T. đều xin lỗi và hứa không tái phạm nên chị cho anh thêm một cơ hội.
Anh T. vốn hiền lành, nhưng khi rượu vào lại cộc cằn, dữ tợn và hay chửi bới xúc phạm vợ. Bởi vậy, chị M. luôn tự nhủ “chắc mai mốt anh tỉnh ngộ, biết lo cho gia đình”. Chị bàn với chồng mua trả góp một căn hộ chung cư. Chị nghĩ khi có một mái nhà và mắc nợ thì anh sẽ có trách nhiệm hơn. Nhưng mua nhà xong, anh càng yên tâm… đi nhậu. Chị M. lại phải gánh thêm khoản trả góp tiền nhà mỗi tháng gần 10 triệu đồng.
Khi con trai vào lớp Sáu, có lần chứng kiến ba đánh chửi mẹ, bé nói: “Mẹ muốn ly hôn thì cứ ly hôn, đừng lo cho con”. Chị bắt đầu thu xếp mọi thứ. Chị gửi tiền về quê Quảng Trị giúp ba mẹ chồng xây lại căn nhà. Hai cô em chồng được chị phụ tiền ăn học, nay tốt nghiệp đại học, muốn ở lại TP.HCM, chị chạy xin được việc làm cho cả hai. Mọi việc ổn thỏa, chị xin phép ba mẹ chồng cho chị được ly hôn với anh T.
Ba mẹ chồng chết lặng, nhưng thương con dâu chịu khổ bao năm nên nói: “Nếu sống khổ quá thì con cứ làm theo ý con. Ba mẹ rất buồn, nhưng không trách con đâu”.
Chị đưa đơn ly hôn cho chồng ký, anh vẫn nghĩ chị hù dọa nên xé đơn, và mắng “điên”. Chị đơn phương xin ly hôn.
Ngày Tòa án nhân dân TP.Thủ Đức triệu tập anh T., anh mới tin việc ly hôn là thật. Chị không chịu rút đơn theo ý anh, nên anh vừa chửi, vừa đập phá đồ. Lạ thay, chị không còn run sợ, mà trong chị chỉ có một câu hỏi: “Tại sao mình có thể sống chung với con người như thế này suốt 14 năm?”.
Chờ anh T. bình tĩnh, chị M. nhỏ nhẹ: “Chúng ta đã hết duyên, sống tiếp chỉ bất hạnh cho cả hai, và còn ảnh hưởng đến con khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh ba gây gổ, đánh đập mẹ”.
Chị M. cũng bàn với anh T. để chị nuôi con đến hết lớp 12, sau đó con chọn muốn sống với ai. Chị để lại căn nhà cho anh T. đồng thời cho biết chị sẽ thuê một căn hộ ngay trong chung cư này, để cha con tiện tới lui, chăm sóc nhau.
Ảnh mang tính minh họa – Rawpixel.com |
Anh T. không đồng ý, tìm đủ cách để níu kéo vợ. Nhưng khi thấy chị M. cương quyết và thu xếp chu đáo, từ nhà chồng đến con cái, anh thấy chị không có ý chia cắt tình cha con nên đồng tình.
Hai người ly hôn trong êm đẹp, không tiếng trách móc, đổ lỗi. Chỉ có những giọt nước mắt của chị M. lặng lẽ rơi, kết thúc một tình yêu đầu đời say đắm, và một cuộc hôn nhân bất thành.
Sau ba năm ly hôn. Chị vẫn ở căn hộ thuê dưới nhà chồng cũ một tầng. Con trai vẫn chạy lên chạy xuống thăm ba khi ba bệnh hay say bét nhè. Có lần trong cơn say, anh T. gọi điện trách hờn, mắng chị M.
Con trai nói với chị: “Hay mẹ chặn số ba đi, nghe mẹ thêm buồn”. Nhưng chị M. vẫn muốn giữ liên lạc với chồng cũ để thông báo, bàn chuyện học hành, cuộc sống của con. Với chị “dù sao đó cũng là cha của con mình, mình làm căng thì chỉ tội con.
Mỗi người nhịn một chút, điều đó không chỉ tốt cho mối quan hệ sau ly hôn, mà còn tốt cho con cái khi có đủ tình thương của cha và mẹ” – chị M. chia sẻ.
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/xay-lai-nha-cho-bo-me-chong-roi-moi-ly-hon-a1465540.html” name=””]